Nghi Xuân tập trung thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”
EmailPrintAa
09:09 11/11/2019

Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Nghi Xuân đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Sản phẩm nước mắm Lạch Kèn

Ủy ban nhân dân Huyện đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký ý tưởng sản phẩm, tham gia Chương trình OCOP, tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp của địa phương có lợi thế cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Trong năm 2019, các cơ quan chức năng đã chấp thuận phương án sản xuất, kinh doanh đối với một số sản phẩm, như: Nước mắm Lạch Kèn (xã Cương Gián), Dầu lạc Ngọc Đường (xã Xuân Hải), Cu đơ Quỳnh Hội, Sứa Thái Long, Dưa lưới Nga Hải, Lạc cúc (Xuân Thành). Huyện đã khâu nối với đơn vị tư vấn phối hợp với các cơ sở sản xuất để xây dựng bộ nhận thương hiệu sản phẩm, đổi mới quy trình sản xuất, sản xuất sản phẩm mẫu tham gia hội chợ của tỉnh. Một số sản phẩm quy mô nhỏ đã được chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức lại sản xuất như: Bánh gai Xuân Đan, bánh đa Đan Tràng (Xuân Trường), Dưa đèo muối Cổ Đạm, tôm chua Xuân Phổ, Gạo chiêm Xuân Hội,... Điển hình là Hợp tác xã Thiên Phú (ở xã Cương Gián, được thành lập từ năm 2015) có sản phẩm nước mắm Lạch Kèn được công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Đây là cơ sở chế biến nước mắm theo quy trình sản xuất truyền thống của địa phương với qui mô 60 nghìn lít thành phẩm/năm. Sau gần 03 năm đi vào sản xuất, sản phẩm đã được người tiêu dùng Hà Tĩnh và nhiều địa phương trong nước tin dùng, từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Hợp tác xã đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 08 lao động với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng.

Cơ sở sản xuất dầu lạc Ngọc Đường

Tuy nhiên, việc tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP trên địa bàn Juyện vẫn còn một số hạn chế. Phần lớn các cơ sở quy mô nhỏ, chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, chưa thực sự quan tâm đến sản xuất hàng hóa, năng lực kinh doanh còn hạn chế.

Theo Đề án, huyện Nghi Xuân đề ra mục tiêu có ít nhất 40 sản phẩm của các địa phương đăng ký tham gia Chương trình OCOP, đến năm 2020 tối thiểu có 10 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao. Để đạt mục tiêu này, thời gian tới, huyện Nghi Xuân sẽ tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn các ý tưởng sản phẩm và những cơ sở sản xuất có tiềm năng để xây dựng sản phẩm OCOP; hỗ trợ mở các cửa hàng trưng bày để tạo thành chuỗi cung ứng hàng liên hoàn, từ cửa hàng của Huyện đến các xã, thị trấn nhằm góp phần lan tỏa thương hiệu địa phương; nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường; tạo việc làm, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí Huyện nông thôn mới.

Nguyễn Thị Ngọc Trâm (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nghi Xuân)


    Ý kiến bạn đọc