Thành phố Hà Tĩnh tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi
EmailPrintAa
16:55 23/01/2024

Thành phố Hà Tĩnh có 2.197,7ha đất sản xuất nông nghiệp bao gồm: đất trồng lúa 1.723,5ha, đất trồng cây hàng năm khác 181,5ha, đất trồng cây lâu năm 292,6ha; đất nuôi trồng thủy sản 337ha, chiếm 46,68% tổng diện tích tự nhiên thành phố. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh tham quan Công viên nông nghiệp Đồng Ghè, xã Thạch Hạ

Ngày 10/8/2021, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 19-CT/Th.U về việc tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị, chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện. Đồng thời Thành ủy chỉ đạo quán triệt thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW, ngày 18/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”.

Quá trình triển khai chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất được đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ; tư duy của cán bộ, người dân có nhiều thay đổi trong việc áp dụng khoa học - công nghệ mới, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, chăn nuôi, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân. Việc tích tụ, tập trung ruộng đất không chỉ tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào canh tác, ứng dụng công nghệ cao mà còn có điều kiện tăng vụ, cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, sản xuất theo vùng lớn để tạo ra sản phẩm có quy mô hàng hóa. Việc quy hoạch các vùng sản xuất bài bản hơn, gắn công tác thủy lợi với công tác sản xuất; các xã, phường đã dành quỹ đất bố trí lại cơ sở hạ tầng như thủy lợi, giao thông, quỹ đất cho mục tiêu phúc lợi khác.

Sau hơn 02 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/Th.U, tình hình sản xuất nông nghiệp của Thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực; thu hút được các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo quy chuẩn, quy trình.

Đến nay, đã hình thành được 15 mô hình, dự án như: Dự án sản xuất dưa lưới và rau, củ quả của Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ; Dự án Trồng cây ăn quả kết hợp rau, hoa ngắn ngày tại xã Đồng Môn của Hợp tác xã Bình Minh; Dự án tích tụ ruộng đất thực hiện sinh kế 3 trong 1 (nuôi thủy sản, trồng lúa hữu cơ gắn với du lịch) tại Đồng Ghè, xã Thạch Hạ của Hợp tác xã Liên Nhật; Dự án liên kết trồng và khai thác các sản phẩm từ sen theo chuỗi giá trị... Thành lập mới 09 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (06 hợp tác xã lĩnh vực trồng trọt, 01 hợp tác xã lĩnh vực chăn nuôi, 01 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, 01 hợp tác xã sản xuất và dịch vụ tổng hợp); thu hút 02 doanh nghiệp tham gia và chuỗi sản xuất (Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Thương mại An Phong, chủ trì liên kết dự án nuôi hươu; Công ty Cổ phần Sen Hà Tĩnh, chủ trì dự án liên kết trồng, khai thác và chế biến các sản phẩm từ sen).

Lễ ra mắt Hợp tác xã Thanh niên thành phố Hà Tĩnh

Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, đến nay đã thực hiện chuyển đổi 23,7ha/62ha, đạt 38,2% kế hoạch, trong đó diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm 9,3ha (trồng sen), cây lâu năm 0,6ha (cây ăn quả); chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 13,8ha. Năm 2024, chỉ tiêu thực hiện chuyển đổi 31,75ha.

Thu hoạch củ sen

Tuy vậy, diện tích đất tích tụ, tập trung còn thấp so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp và chủ yếu đang thực hiện ở hai hình thức: Thuê đất; góp đất sản xuất thực hiện phá bỏ ô thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn. Các hình thức còn lại như: Dồn điền đổi thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn và chưa thực hiện được. Một số xã còn diện tích đất sản xuất lớn, là đơn vị sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Thành phố nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất còn đạt thấp.

Từ những kết quả đạt được sau gần hai năm triển khai thực hiện Chỉ thị 19-CT/Th.U của Thành ủy, có thể rút ra một số kinh nghiệm và giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới: Tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và đông đảo nhân dân trong việc thống nhất, thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung đất đai. Hoàn thành việc đo vẽ bản đồ địa chính, số hóa dữ liệu đất đai; cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có tư cách pháp nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ dân để tổ chức sản xuất quy mô lớn gắn với chuyển đổi số. Ưu tiên nguồn lực ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong công tác giống, quy trình sản xuất, cơ giới hóa và tự động hóa; góp phần xây dựng Nông thôn mới nâng cao ở các xã, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trần Thị Thúy (Văn phòng Thành ủy Hà Tĩnh)


    Ý kiến bạn đọc