Đàn bò của một hộ dân
Phát huy lợi thế có diện tích lạc và lúa nhiều nhất huyện Nghi Xuân, xã Xuân Viên khuyến khích bà con nông dân phát triển chăn nuôi bò thương phẩm theo hướng hàng hóa. Vừa tận dụng nguồn thức ăn từ thân cây lạc, rơm, các hộ dân đã trồng thêm ngô, khoai lang để cung cấp thức ăn cho bò. Hình thức nuôi phổ biến là tìm chọn mua bê đực giống lai Sind và 3B khoảng 10 - 12 tháng tuổi, là các giống bò cho trọng lượng, chất lượng thịt cao về để chăm sóc, vỗ béo trong thời gian 6 - 8 tháng sẽ xuất bán. Nuôi theo cách này, mỗi năm các hộ có thể bán được 2 đợt bò thịt thương phẩm.
Chính quyền địa phương đã đồng hành cùng các hộ nuôi bò bằng các chính sách như tạo điều kiện tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc nên người nông dân có thể chủ động trong việc chăm sóc và phòng, chống dịch cho đàn bò. Đàn gia súc đã tăng lên nhanh chóng, đến nay, toàn xã có gần 600 hộ nuôi với gần 1.000 con trâu, bò, trong đó chiếm đa số là bò thịt thương phẩm. Tổng nguồn thu từ nuôi bò thịt hàng năm ở Xuân Viên ước đạt 15 đến 16 tỷ đồng mỗi năm, góp phần quan trọng nâng thu nhập bình quân đầu người ở Xuân Viên đến cuối năm 2020 đạt gần 44 triệu đồng.
Phúc Tuy là một trong 3 thôn có tỷ lệ hộ dân tham gia nuôi bò thương phẩm nhiều nhất xã. Toàn thôn có trên 100 hộ, trong đó hơn 60 hộ nuôi bò thương phẩm. Nhờ chăn nuôi bò, cuộc sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt, nhiều gia đình đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm các vật dụng có giá trị phục vụ sinh hoạt. Tiêu biểu là gia đình anh Hoàng Văn Thất và chị Trần Hồng Thúy đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại để nuôi gần mười con bò, bình quân mỗi năm xuất chuồng 3 - 4 con bò thịt lai Sind. Nhờ tận dụng các sản phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò, nên sau khi trừ các chi phí con giống, gia đình lãi gần 100 triệu đồng/năm. Anh chị đã xây dựng nhà cửa khang trang và mua sắm được máy cày để phục vụ sản xuất.
Diện mạo xã Xuân Viên có nhiều khởi khắc
Ông Phan Tiến Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Viên cho biết: “Chính quyền và các đoàn thể đã tạo điều kiện để các hộ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư sản xuất; hỗ trợ chế phẩm sinh học để xử lý chuồng trại, thường xuyên tổ chức phun thuốc khử trùng theo định kỳ; tổ chức tiêm phòng đầy đủ và hỗ trợ giá thuốc thú y”.
Hiệu quả kinh tế từ nuôi bò thịt theo hướng hàng hóa tại xã Xuân Viên đã được khẳng định. Tin rằng đây sẽ là một trong những hướng phát triển chăn nuôi chủ lực, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, tạo tiền đề vững chắc để Xuân Viên xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu trước kế hoạch đề ra.
Nguyễn Thị Ngọc Trâm (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nghi Xuân)
Tin mới cập nhật
- Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ( 04/11)
- Huyện Cẩm Xuyên: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung tích tụ ruộng đất ( 23/10)
- Phát triển công nghiệp nông thôn từ thế mạnh địa phương ( 22/10)
- Huyện Kỳ Anh tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 ( 02/10)
- Nông thôn mới và những trăn trở về gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa nông thôn ( 21/09)
- Thạch Hà phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024 ( 19/09)