An ninh mạng: "Chìa khóa" từ mỗi người dân
EmailPrintAa
15:10 28/11/2017

An ninh mạng thực sự đã trở thành một cuộc chiến bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc. Cuộc chiến này đòi hỏi mỗi công dân sử dụng internet phải trở thành người lính chuyên nghiệp để phòng, chống hữu hiệu các cuộc tấn công. Nói một cách hình ảnh, khi internet đã trở nên thông dụng với mọi người, mọi nhà thì mỗi công dân đều giữ trong tay một "chìa khóa" an ninh quốc gia. Vì vậy, cần phải phổ cập những phương thức cơ bản về bảo đảm an ninh mạng đến mọi công dân...

Báo động đỏ

Việt Nam vừa kỷ niệm tròn 20 năm internet vào Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đứng vào hàng "cường quốc" sử dụng internet, với 50,1 triệu người dùng, chiếm 53% dân số cả nước, một trong số ít quốc gia mà số người dùng internet nhiều hơn số người không dùng. Internet đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, trở thành nền tảng kết nối mọi vấn đề.

 
Ảnh minh họa/qdnd.vn
 

 

Sự phát triển của công nghệ thông tin, của internet góp phần rất quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước, nhưng nhìn một cách khách quan, công tác bảo đảm an ninh mạng của chúng ta còn ở tình thế tương đối bị động. Trước hết là các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp chưa có quy trình thao tác chuẩn để đối phó với các cuộc tấn công mạng. Cuộc tấn công mạng nhằm vào Vietnam Airline ngày 29-7-2016 là một ví dụ. Hàng loạt màn hình hiển thị thông tin chuyến bay tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất cùng hệ thống phát thanh của sân bay bất ngờ bị chèn nội dung kích động, xuyên tạc về Biển Đông. Tại website của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, người dùng khi truy cập vào nhận được thông báo website đã bị hack, nội dung trang chủ được thay đổi hoàn toàn...

Theo Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) thì năm 2016, dù có sự nỗ lực rất lớn từ các cơ quan chức năng nhưng tình hình an toàn thông tin của Việt Nam vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra nhiều vụ tấn công có chủ đích vào hệ thống thông tin của tổ chức, doanh nghiệp lớn, lượng mã độc phát tán vẫn còn nhiều. Cũng theo VNISA, chỉ trong khoảng 3 tháng (từ tháng 8 đến tháng 11-2014), có đến 2.500 website của các cơ quan Nhà nước bị tấn công, trung bình 20 vụ/ngày. Đây là con số công khai và rõ ràng, đến nay thì tính chất, mức độ phức tạp của vấn đề còn tăng hơn nữa. Theo TS Vũ Quốc Khánh, chuyên gia về an ninh mạng, thì qua các con số phản ánh, có thể đánh giá tình hình an toàn thông tin tại Việt Nam đã được cải thiện nhiều, thể hiện qua Chỉ số an toàn thông tin của Việt Nam tăng lên và có xu hướng tăng bền vững. Tuy nhiên, các chuyên gia trong hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2016 về “Kỷ nguyên mới của chiến tranh mạng” nhận định Việt Nam vẫn là một điểm nóng về tấn công mạng. Để môi trường an toàn thông tin tại Việt Nam được phát triển bền vững, lành mạnh hơn nữa, các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức và mỗi công dân cần phải nâng cao nhận thức chung và thống nhất hợp tác trong xử lý các tình huống về an toàn thông tin. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức và có sự điều phối chung của Nhà nước, trong đó, lấy con người làm nguồn lực chính, phát triển công nghệ an toàn thông tin phù hợp với đặc thù Việt Nam, đẩy mạnh các hoạt động khuyến khích cộng đồng tham gia vào lĩnh vực hoạt động này.

Người dùng internet ở Việt Nam nhìn chung ý thức tự bảo vệ chưa cao. Một ví dụ đơn giản là mọi người thường thoải mái cài đặt phần mềm từ internet mà không quan tâm đến nguồn gốc của phần mềm đó. Trong khi một khảo sát của BKAV cho thấy, có tới 70% kết quả tìm kiếm những phần mềm phổ biến khi tìm kiếm trên internet là chứa mã độc.

Coi trọng quản lý tên miền tại Việt Nam

Internet là "con dao hai lưỡi". Nhận thức chung trên toàn thế giới đều khẳng định điều này. Không thể phủ nhận lợi ích to lớn của internet nhưng mặt trái của internet tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người, chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc. Các thế lực thù địch với Việt Nam xác định internet là "công cụ số 1" để tung tin độc hại, xuyên tạc, hạ thấp uy tín cá nhân và tổ chức, gây nghi ngờ, mất đoàn kết nội bộ, khoét sâu vào những yếu kém, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Những chiêu trò trên internet nhiều khi rất đơn giản, như việc xây dựng các website có máy chủ đặt ở nước ngoài, lấy tên miền định danh trùng với tên các đồng chí lãnh đạo cấp cao Việt Nam... nhưng vì thiếu kỹ năng an toàn thông tin, khá nhiều người dùng internet ở Việt Nam tưởng đó là website của các đồng chí lãnh đạo, dẫn tới bị những thông tin trên đó "dắt mũi", "ám thị".

Những thông tin nêu trên cho thấy, việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người sử dụng internet và của cộng đồng phải là giải pháp cơ bản, thường xuyên, liên tục, lâu dài và đóng vai trò chủ đạo; để người dùng internet Việt Nam từng bước thích ứng tích cực với môi trường mạng, biết sàng lọc thông tin xấu, tiếp nhận thông tin hữu ích, biến internet thực sự là công cụ kỳ diệu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận diện tên miền là một kỹ năng đơn giản nhưng lại rất quan trọng, rất cần thiết để người dùng internet ở Việt Nam có thể phân biệt đâu là website đáng tin cậy, đâu là website giả mạo, không đáng tin. Tên miền là đường dẫn tới các địa chỉ trên internet, được xem như "số nhà", "định danh" trên internet. Thông qua tên miền, có thể nhận dạng được về thông tin trên mạng. Đăng ký, sử dụng tên miền đã và đang trở thành yếu tố quyết định trong việc giúp người sử dụng internet nhận thức, xác định nguồn thông tin tốt, tránh tiếp cận nguồn thông tin xấu. Ví dụ, các thế lực chống phá Việt Nam không dám đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam có đuôi ".vn". Những trang mạng giả mạo tên các đồng chí lãnh đạo cấp cao Việt Nam đều sử dụng tên miền quốc tế như: ".com", ".net", ".org"... Trong trường hợp này, nếu nắm rõ tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" chính là tên cấp cao nhất (ccTLD), đã được tổ chức quản lý tên và số cấp cao nhất toàn cầu (ICANN) chuyển giao cho Việt Nam quản lý, thì người sử dụng internet sẽ biết ngay những website giả mạo do các trang mạng này sử dụng tên miền quốc tế với các thông tin định danh không xác thực. Trong quy định về quản lý, sử dụng tài nguyên internet tại Việt Nam nêu rõ: "Báo điện tử, trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước phải sử dụng ít nhất 01 tên miền ".vn" và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam (khoản 3, Điều 7, Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT, ngày 18-8-2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông).

Các nguồn tin chính thức, đặc biệt là tin tức chính trị, pháp luật của Việt Nam do các cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng, Nhà nước cung cấp sẽ sử dụng tên miền ".vn" với các thông tin định danh xác thực. Xác định tên miền ".vn" là thông số rất quan trọng đối với hoạt động internet. Việc quản lý tên miền ".vn" vừa là công cụ phục vụ cho quản lý, vừa là yếu tố thúc đẩy phát triển internet tại Việt Nam. Đối với người sử dụng internet ở Việt Nam, khi đọc những thông tin chính trị, pháp luật nhạy cảm, cần tỉnh táo lựa chọn, truy cập những website có tên miền ".vn" để được tiếp cận nguồn thông tin chính thức, đáng tin cậy.

Trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội ngày 17-11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết thời gian qua, cơ quan chức năng của bộ phối hợp với mạng YouTube đã gỡ bỏ hơn 5.000 clip có nội dung xấu độc, một con số thể hiện nỗ lực lớn trong công tác quản lý Nhà nước trên internet. Tuy nhiên, các website, trang mạng xã hội, blog phản động có rất nhiều mưu mô để "vượt tường lửa" hay vượt qua các phương thức kiểm duyệt thông qua nhà mạng. Một website, blog hay clip này bị chặn thì chúng lập tức lập ra những website, blog khác. Thực tế này càng cho thấy, giải pháp tuyên truyền, giáo dục nhận thức và kỹ năng, để mỗi công dân trở thành một người dùng internet thông minh, có "sức đề kháng" và khả năng phân biệt thông tin chính thống với thông tin giả mạo, xuyên tạc là giải pháp cơ bản, quan trọng. Mỗi công dân hiện đang giữ một "chìa khóa" an ninh mạng của quốc gia, vì chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc, nhất định chúng ta phải kiên trì xây dựng mỗi công dân trở thành một chiến sĩ trên mặt trận bảo đảm an ninh mạng.

Để thoát khỏi sự phụ thuộc mạng xã hội nước ngoài

Cũng trong phiên trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội ngày 17-11, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề cập một thực tế là người dân Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội nước ngoài. Đây là vấn đề toàn cầu mà nhiều nước quan tâm, không chỉ riêng Việt Nam. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam có tham vọng xây dựng mạng xã hội cạnh tranh với Facebook hay công cụ tìm kiếm cạnh tranh Google, nhưng do tiềm lực tài chính có hạn nên gặp nhiều trở ngại.

Thiết kế và xây dựng mạng xã hội riêng là một chính sách mà các nước lớn như Nga, Trung Quốc đang tiến hành. Theo đó, Chính phủ Nga, Trung Quốc đã dùng một số biện pháp ngăn chặn và hạn chế việc sử dụng mạng xã hội từ nước ngoài, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện tối đa để công dân sử dụng mạng xã hội do doanh nghiệp trong nước cung cấp. Mạng Vkontakte ở Nga hoặc WeChat, Sina Weibo của Trung Quốc khá phổ biến với người dùng mỗi nước. Chính sách này mang lại nhiều lợi ích, không chỉ giúp bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dễ dàng kiểm soát các luồng thông tin mà còn tạo điều kiện cho ngành dịch vụ và công nghệ thông tin trong nước phát triển. Việt Nam là một quốc gia hiện có 50,1 triệu người sử dụng internet và con số này tiếp tục tăng. Những hạn chế khi người dân phụ thuộc vào mạng xã hội của nước ngoài, tình trạng lộ lọt bí mật quốc gia, hoạt động phá hoại của các phần tử, thế lực thù địch cũng như mức độ trốn thuế và thiếu hợp tác của các tập đoàn công nghệ toàn cầu thúc đẩy chúng ta nên xây dựng mạng xã hội của Việt Nam. Để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạng xã hội cạnh tranh toàn cầu thì chính sách phải đồng bộ, ưu tiên giảm thuế, phí, phát triển nội dung số để hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh. Công việc này, như Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, cần có sự chung tay của 4 nhà: Nhà cung cấp hạ tầng viễn thông-nhà mạng xã hội-nhà quảng cáo và nhà phát triển nội dung trong nước thì mới hy vọng xây dựng hệ thống sinh thái số Việt Nam.

Theo báo điện tử VTV.vn, mạng xã hội Zalo của Việt Nam vừa kỷ niệm 10 năm ra đời và hiện nay đã có hơn 80 triệu người dùng trên toàn thế giới. Nếu so với "đế chế" Facebook có hơn 1,5 tỷ người dùng trên toàn thế giới thì rõ ràng Zalo còn là một mạng xã hội nhỏ bé. Nhưng thành công bước đầu của Zalo, cũng như thành công của Viettel khi đầu tư ra nước ngoài là những tín hiệu cho thấy, các doanh nghiệp công nghệ thông tin của chúng ta hoàn toàn có thể bước ra biển lớn thành công.

Đó cũng là tín hiệu để mỗi công dân Việt Nam tự tin xây dựng một "thế trận chiến tranh nhân dân trên mạng" - một vấn đề có ý nghĩa sống còn để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Theo qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc