Ban chỉ đạo 389 Quốc gia thông tin kết quả đấu tranh chống BLGLTM&HG năm 2017
EmailPrintAa
16:55 31/01/2018

Sáng 31-1, tại Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BLGLTM&HG; Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) tổ chức họp báo, thông tin kết quả công tác đấu tranh chống BLGLTM&HG năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018.

Theo đó, đối với tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới xảy ra chủ yếu tại khu vực biên giới ở các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia thông tin tại buổi họp báo.

Tuyến biên giới Tây Nam Bộ, tình hình buôn lậu thuốc lá còn phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là việc khó khăn trong xử lý hình sự nên hoạt động buôn lậu thuốc lá có sự gia tăng cả về quy mô, số lượng, phương thức hoạt động. Cụ thể, trước đây các đối tượng còn dè chừng, vận chuyển với số lượng ít, chủ yếu bằng phương tiện xe máy, nhưng hiện nay tình trạng vận chuyển bằng xe ô tô khách, xe tải, ghe tàu với số lượng lớn từ 10.000 đến 40.0000 bao thường xuyên xảy ra.

Đại tá Từ Quốc Lệ phát biểu tại buổi họp báo.

Các sân bay Quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất; Bưu điện Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; Điểm chuyển phát nhanh DHL, Fedex là một trong những địa bàn trọng điểm diễn ra hoạt BLGLTM, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như: Vũ khí, ma túy, vàng; các sản phẩm động vật hoang dã nằm trong danh mục CITES như sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê...

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: “Năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện 225.837 vụ việc vi phạm, tăng 1,15% so với cùng kỳ năm 2016; thu nộp Ngân sách Nhà nước tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 23.101 tỷ đồng, tăng 7,17% so với cùng kỳ năm 2016; khởi tố 1.637 vụ (tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2016), 2.188 đối tượng (tăng 13,69% so với cùng kỳ năm 2016).

Ông Đàm Thanh Thế cùng đại diện Bộ đội Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường tại buổi họp báo.

Thông tin về những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, Đại tá Từ Quốc Lệ, Phó cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng (Bộ Quốc phòng) và Trung tá Trần Viết Phương, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đồng quan điểm: “Sự phối hợp giữa các ngành, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong phòng chống BLGLTM&HG còn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời. Việc trao đổi thông tin còn nhiều khó khăn, hạn chế. Phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm rất tinh vi, manh động. Các đối tượng sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác đấu tranh chống BLGLTM&HG chưa đồng bộ, còn chồng chéo về địa bàn, chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành, lực lượng chức năng gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý vi phạm, đồng thời tạo kẽ hở cho đối tượng lợi dụng.

Ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Coi việc đấu tranh chống buôn lậu là nhiệm vụ của lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng và Công an”.

Nhiều cơ quan báo chí tới đưa tin.

Để khắc phục tình trạng này, theo Đại tá Từ Quốc Lệ cần tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh đánh trúng các chủ đầu nậu, đối tượng chủ mưu, các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy, buôn lậu quy mô lớn, không để hình thành các điểm nóng phức tạp; kết hợp đấu tranh thường xuyên với tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; tham mưu sửa đổi những vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc