Xe tăng của bộ đội ta tiến vào dinh độc lập (ảnh Tư liệu)
Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, Chiến thắng đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Điều gì đã làm nên sức mạnh Việt Nam - một đất nước đất không rộng, người không đông, tiềm lực kinh tế quốc phòng ở thời điểm ấy vô cùng nhỏ bé so với đế quốc Mỹ hùng mạnh? Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó chính là tính chính nghĩa của cuộc chiến, là khát vọng hòa bình, độc lập và thống nhất dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Đánh giá về cuộc chiến tranh Việt Nam 1954 -1975, Tờ Asahi Shimbun tờ báo hàng đầu Nhật Bản, ngày 29/4/2006 (khi Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 đã trôi qua hơn 3 thập kỷ) đăng bài “Việt Nam: Vinh quang và thiện ý”. Bài báo viết: “Người Việt Nam đã dũng cảm đứng lên trong cuộc đấu tranh chính nghĩa, giành lại quyền sống của nhân dân, nền độc lập của nước nhà, nhưng họ đã giành lấy vinh quang đó bằng tất cả sự nhân đạo, nhân ái của mình”. Không phải ngẫu nhiên, mà tờ báo hàng đầu ở một quốc gia đồng minh của Mĩ dành những lời đánh giá đó, cũng không phải ngẫu nhiên, mà dư luận thế giới dành những lời thán phục, tôn vinh cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Trong tài liệu Tổng kết chiến tranh Việt Nam, Bộ Quốc phòng Mỹ rút ra kết luận: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nắm được ngọn cờ dân tộc và chống thực dân, do đó, Chính phủ Việt Nam cộng hòa chỉ còn lại ngọn cờ chống Cộng”. Điều đó lý giải một cách thuyết phục nguyên nhân thất bại của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara, khi bàn về thất bại tại Việt Nam của Mỹ trong cuốn “Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và bài học Việt Nam” đã thừa nhận sai lầm của nước Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Đó là do Mỹ đã quá tin tưởng vào sức mạnh quân sự - kỹ thuật, “đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy nhân dân Việt Nam đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó”. Sử gia người Mỹ Stanley Karno đã viết: “Sai lầm xuất phát từ sự không hiểu biết gì về lịch sử Việt Nam, một lịch sử dài phải chống lại các thế lực xâm lược, đã tạo cho người Việt Nam một ý thức sâu sắc về dân tộc họ. Từ khát vọng độc lập dân tộc đã làm nên một đảng tiên phong bản lĩnh và trí tuệ, luôn biết đổi mới kịp thời vào những thời điểm quyết định với nỗ lực và kỳ vọng được đồng hành cùng đất nước”.
Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, hội nhập, phát triển trở thành xu thế tất yếu của mỗi quốc gia. Thế nhưng chủ nghĩa khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, nội chiến, bạo loạn khiến cho súng vẫn nổ, máu vẫn đổ ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, cướp đi những quyền cơ bản nhất, những niềm vui sống bình dị nhất của con người. Từ thực tế đó mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4/1975 ở Việt Nam, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hoà bình và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Để có được ngày hôm nay chúng ta đã hi sinh biết bao xương máu, vì thế, hơn ai hết, người Việt Nam càng quý trọng những ngày tháng hòa bình, quý trọng những thành quả của sự nghiệp đổi mới hôm nay.
Giá trị, ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của Đại thắng mùa Xuân 1975 đã được cả thế giới ghi nhận. Vậy nhưng đáng buồn thay, cho đến nay cá biệt vẫn có tiếng nói lạc lõng, hằn học đòi phủ nhận Chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 của quân và dân Việt Nam, phủ nhận thành quả của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đòi đánh giá lại lịch sử để phục vụ cho những mưu đồ chính trị đen tối. Trên mạng xã hội vẫn xuất hiện bài viết nhằm xuyên tạc lịch sử với luận điệu: "Ngày 30/4/1975 là dấu mốc gây chia rẽ dân tộc"; "tháng 4 đen"… Đó là những luận điệu sai trái, phủ nhận lịch sử, cố tình bóp méo sự thật, phản bội sự hy sinh của hàng triệu người dân Việt Nam, có tội với Tổ quốc, có tội với tiền nhân và có tội với cả các thế hệ mai sau. Lợi dụng những tư tưởng đó, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "phi chính trị hóa" quân đội nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta, chống phá công cuộc đổi mới hiện nay, đi ngược với nguyện vọng của Nhân dân.
Trước tình hình trên, chúng ta phải nhận thức đúng tính chất nguy hiểm của những quan điểm sai trái, thù địch, cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm lệch lạc đó. Chúng ta cần kiên quyết, kịp thời, thẳng thắn phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch, phản động; uốn nắn những nhận thức lệch lạc, những quan điểm mơ hồ, góp phần làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”.
Hơn 4 thập kỷ trôi qua kể từ Đại thắng Mùa xuân năm 1975, dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam kiên cường, anh dũng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc lại tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, vượt qua những khó khăn, thử thách, tiến hành thành công công cuộc đổi mới, hội nhập, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Tinh thần chiến thắng 30/4 đang tiếp sức, cổ vũ chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.
Phạm Viết Phượng - B an Tuyên giáo Tỉnh ủy
Tin mới cập nhật
- Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho đại hội Đảng các cấp ( 15/01)
- Quản lý thống nhất, xử lý nghiêm minh, chủ động phòng ngừa vi phạm IUU ( 15/01)
- Đảng ủy Quân khu 4 ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025 ( 08/01)
- Quán triệt quan điểm của Đảng: Chủ động bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng từ sớm, từ xa ( 04/01)
- Góc nhìn giáo dục: Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh ( 31/12)
- Thủ tướng chỉ đạo giải pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết ( 24/12)