Chống thất thu thuế từ các nền tảng kinh doanh số xuyên biên giới
EmailPrintAa
20:04 14/06/2022

Thảo luận tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng khi tình trạng gian lận kê khai, trốn thuế trong kinh doanh trên nền tảng số vẫn rất lớn.

Trong đó, số thu thuế từ kinh doanh dựa trên nền tảng số xuyên biên giới của các tập đoàn, công ty công nghệ lớn như Google, Facebook hay Netflix... tại Việt Nam cũng chưa tương xứng với doanh thu rất lớn của các nền tảng này. Điều này không chỉ làm tổn hại tới ngân sách quốc gia mà còn vô hình trung tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với những doanh nghiệp trong nước có cùng lĩnh vực hoạt động.

Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa kiểm tra tang vật vụ án mua bán hóa đơn tại Công ty CP dịch vụ thương mại vận tải xây dựng Phương Anh. Ảnh minh họa: haiquanonline.com.vn

Thời gian qua, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số có điều kiện tăng trưởng mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19. Chính vì vậy, để tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động này, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cục thuế, yêu cầu tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp trong quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, điển hình là Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế và Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, vấn đề thu thuế từ các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới là bài toán khó đối với cơ quan quản lý trong thời gian dài.

Thông tin từ Tổng cục Thuế cho hay, hiện có 15 tập đoàn, công ty công nghệ nổi tiếng trên thế giới hoạt động xuyên biên giới có thu nhập lớn tại Việt Nam. Trong đó, chỉ riêng doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam là khoảng 1 tỷ USD/năm, riêng Google và Facebook chiếm hơn 80%, tức hơn 800 triệu USD. Song đáng lưu ý, dù doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng số tiền thuế Việt Nam thu được từ 15 tập đoàn trên rất ít ỏi, chỉ hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, số tiền này không phải do họ chi trả, mà họ buộc các nhà thầu, đại lý phải nộp, kê khai nộp thuế nhà thầu thông qua tổ chức chi trả tại Việt Nam. Việc các tập đoàn lớn bỏ túi hàng tỷ USD nhưng không đóng thuế hay đóng nhỏ giọt trong khi doanh nghiệp trong nước phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là một bất công trên thị trường.

Thừa nhận thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, mặc dù Tổng cục Thuế đã thiết lập cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, các doanh nghiệp xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam để đăng ký, kê khai nộp thuế nhưng việc quản lý rất khó. Bởi đặc thù của công ty công nghệ là có thể vận hành từ xa, máy chủ đặt ở nước ngoài nên rất khó kiểm soát.

Thực tế cho thấy, với mô hình hoạt động xuyên biên giới, không có pháp nhân quản lý ở Việt Nam, việc quản lý, giám sát, thu thập thông tin, số liệu rất khó khăn, khiến công tác kê khai thuế, tính thuế, nộp thuế không được chính xác và thực chất đây là hành vi trốn thuế. Điều này đặt ra yêu cầu phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động này.

Nguồn: NAM TRỰC/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chong-that-thu-thue-tu-cac-nen-tang-kinh-doanh-so-xuyen-bien-gioi-697163 )


    Ý kiến bạn đọc