Chỉ rõ những bộ, ngành làm tốt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần thay đổi cách viết báo cáo tóm tắt theo hướng chỉ nêu những vấn đề lớn, vấn đề quan trọng để Quốc hội thảo luận. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách bám sát chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà Chính phủ đã ban hành, chủ trì phối hợp với các cơ quan nêu cụ thể 5 – 7 việc nổi bật, tốt hơn so với những năm trước; trong đó, có địa chỉ, con số cụ thể để báo cáo Quốc hội, làm nổi bật được kết quả.
Qua đó, kịp thời động viên các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương làm tốt; đồng thời, cũng phải nói rõ những hạn chế, tồn tại, khuyết điểm và kể cả những vấn đề Chính phủ phải có báo cáo thuyết minh, giải trình cụ thể hơn.
Đối với kiến nghị, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cũng phải nêu rõ, cụ thể như: Về thể chế thì kiến nghị làm gì; từng lĩnh vực làm gì, như thế nào... chứ không kiến nghị theo kiểu chung chung; đồng thời, xem xét trách nhiệm cá nhân phải có địa chỉ rõ ràng. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Chúng ta đổi mới cách làm như thế thì mới khắc phục được, những năm sau hy vọng sẽ có chuyển biến”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.
Gợi ý một số vấn đề lớn, trong đó có ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn số liệu cho thấy Chính phủ ban đầu báo cáo ước thu ngân sách Trung ương năm 2021 hụt thu khoảng 28 - 29 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên đến nay, thu ước tăng 6,7% so với dự toán.
“Trong tình hình dịch bệnh ảnh hưởng lớn như thế, ban đầu dự kiến hụt thu, nếu Chính phủ không tăng cường chỉ đạo thực hiện vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, không có nhiệm vụ kép đó thì làm sao đạt được kết quả này!” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tiết kiệm chi hơn 70 nghìn tỷ đồng là con số rất lớn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị chi tiết hơn tiết kiệm từ đâu, nơi nào tiết kiệm để luận giải, minh chứng.
“Ví dụ cắt giảm chi thường xuyên bao nhiêu, tiết kiệm chi đi công tác nước ngoài thế nào; bộ ngành, địa phương nào nổi bật nhất... và cần viết thẳng vào nội dung báo cáo chứ không phải chỉ ghi chú”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Một điểm sáng khác, theo Chủ tịch Quốc hội, là việc lần đầu tiên vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế. “Trước càng nói giảm lại càng tăng, do đó nếu Chính phủ không quyết liệt thì làm sao có được con số tích cực như báo cáo?Vì vậy cần phải nhấn mạnh hơn vấn đề này trong báo cáo”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Làm rõ bất cập về cải cách hành chính, thị trường trái phiếu, mua sắm thiết bị y tế...
Đề cập một số hạn chế, bất cập, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa yêu cầu các báo cáo phải thẳng thắn chỉ rõ, nguyên nhân khách quan, chủ quan để từ đó có giải pháp khắc phục, tránh nói chung chung.
“Ví dụ cải cách hành chính có ý kiến nói phải chăng đang chững lại, nếu có thì nguyên nhân chủ quan là gì? Đầu tư công có khoản hàng nghìn tỷ đồng được bố trí mà không tiêu được thì trách nhiệm của ai? Rồi cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập là không có tiến triển gì, vậy bộ ngành, địa phương nào thì nói thẳng ra”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, vấn đề về thị trường vốn, thị trường trái phiếu trong báo cáo cũng "chưa đến độ". “Năm 2021 tăng trưởng rất nóng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong này cũng có nêu rồi, nhưng tôi nghĩ nêu thành mục riêng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Hay bây giờ tình trạng mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Quốc hội đã có nghị quyết, Chính phủ đã có nghị quyết nhưng vì sao nhiều nơi không dám mua, ách tắc? Ngược lại có mua được thì lại sai phạm và điển hình nhất là vụ Việt Á, test kit xét nghiệm, sai phạm của các CDC các tỉnh...”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị những vấn đề này cần được viết thẳng trong báo cáo “để hy vọng những năm sau có chuyển biến tích cực hơn”.
Sẽ báo cáo Chính phủ vi phạm trong mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch vào tháng 5-2022 Tại phiên họp, làm rõ thêm về những sai phạm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu trên, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cho hay, nội dung này Thủ tướng đã giao cho Thanh tra Chính phủ. Chính phủ ban hành hai nghị quyết là Nghị quyết 127 và 128 (tháng 10-2021), trong đó giao nhiệm vụ cho Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, kít, test, sinh phẩm xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19. Hiện nay Thanh tra Chính phủ đã và đang triển khai việc thanh tra tại một số địa phương, tại Bộ Y tế, tại hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thanh tra theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và dự kiến trong tháng 5 sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chuyên đề này. "Bước đầu Thanh tra Chính phủ sơ bộ đã phát hiện ra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc mua sắm trang thiết bị kit, test, sinh phẩm phòng, chống Covid-19. Kết quả chính thức sẽ được báo cáo Chính phủ trong tháng 5-2022", Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy thông tin. |
Nguồn: PHƯƠNG HẰNG/qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Quân đội Nhân dân Việt Nam – Niềm tự hào Dân tộc ( 20/12)
- Vạch trần luận điệu xuyên tạc, phủ nhận truyền thống và những cống hiến, hy sinh của Quân đội nhân dân Việt Nam ( 18/12)
- Dành toàn tâm, toàn lực, bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV ( 17/12)
- Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ( 13/12)
- Chủ tịch nước Lương Cường: Bộ Công an chủ động, nắm chắc tình hình, đề cao trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ ( 12/12)
- Chủ tịch nước Lương Cường: Ngành Kiểm sát đã chủ động khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra ( 03/12)