Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Ngày 30/7, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “75 năm Công an nhân dân xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, Hội thảo lần này là dịp để nhìn nhận, đánh giá sâu sắc hơn những thành tựu to lớn, những bài học kinh nghiệm của chặng đường 75 năm lịch sử vẻ vang của Công an nhân dân và gợi mở định hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới để phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang đó, xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng vững mạnh, mãi xứng đáng là “thanh bảo kiếm” của Đảng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, những chiến công, truyền thống anh hùng và rất vẻ vang 75 năm qua của Công an nhân dân Việt Nam là kết quả của lòng trung thành, đức hy sinh, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng của Đảng và mọi nhiệm vụ Đảng giao. Lực lượng Công an nhân dân luôn xứng đáng là “thanh bảo kiếm của Đảng”, là “lá chắn thép” xung kích bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Sau gần 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Uy tín, vị thế quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao. Đây là thời cơ, vận hội lớn để xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Song, đất nước ta cũng đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ gắn với thách thức trong xử lý quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn gia tăng. Các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gay gắt. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nội địa, chuẩn bị điều kiện nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Hoạt động tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao và tệ nạn xã hội diễn biến ngày càng phức tạp.
“Trong bối cảnh đó, sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước đặt ra nhiều vấn đề mới cho nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”, đồng chí Trần Quốc Vượng phát biểu và nhấn mạnh để mãi mãi xứng đáng là “thanh bảo kiếm” của Đảng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân phải chủ động hơn nữa nhận diện các nguy cơ, thách thức, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế; tích cực đổi mới, tập trung lãnh đạo, đồng sức, đồng lòng, triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả, để có thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Tại Hội thảo, đồng chí Trần Quốc Vượng đã nhấn mạnh một số nội dung lớn đối với lực lượng công an nhân dân. Theo đó, thứ nhất là phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân - yếu tố tiên quyết cho mọi thành công trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.
Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Công an nhân dân. Đảng lãnh đạo Công an nhân dân tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, được xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của Đảng; từ tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của Công an nhân dân. Giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng là nhân tố quyết định để Công an nhân dân trở thành lực lượng vũ trang trọng yếu, sắc bén, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Phải luôn quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh, trật tự, về xây dựng Đảng và xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Mọi hoạt động của lực lượng công an đều bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong lực lượng công an. Thường xuyên kiện toàn, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Hoàn thiện cơ sở chính trị, pháp lý về xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng và giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tổ chức cán bộ, chế độ, chính sách và kiểm tra, giám sát đối với lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ Công an nhân dân.
Thứ hai, phải xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; tinh gọn về tổ chức, bố trí lực lượng theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; có bản lĩnh chính trị vững vàng, thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Phát huy tốt nhất hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy sau khi được sắp xếp kiện toàn, tinh gọn theo Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tuyệt đối trung thành, có lập trường tư tưởng vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, có năng lực và trình độ cao về chuyên môn, nghiệp vụ, luôn thấm nhuần sâu sắc Sáu điều Bác Hồ dạy về tư cách người công an cách mạng. Việc học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải là suy nghĩ và việc làm thường xuyên, cần thiết như cơm ăn, nước uống hằng ngày và trở thành tiềm thức trong trái tim, khối óc và phương châm, kim chỉ nam cho hành động trong thực tế công tác, chiến đấu hằng ngày, hằng giờ của mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân.
Chú trọng xây dựng lực lượng công an cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) trong sạch, vững mạnh, tinh thông về nghiệp vụ, hiểu biết về pháp luật, thật sự gần dân, sát dân để nắm chắc tình hình và xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở.
Tăng cường bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, phối hợp đấu tranh, ngăn ngừa các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo đảm cho Công an nhân dân luôn giữ vững bản chất cách mạng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu.
Thứ ba là giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống; tuyệt đối không chủ quan, lơ là; không để bị động, bất ngờ. Chủ động nắm tình hình, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phân tích, đánh giá, dự báo chiến lược, sớm nhận diện các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Tiếp tục đổi mới các biện pháp phòng ngừa, đối sách đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Kiên quyết tấn công, trấn áp mạnh, xử lý nghiêm, đúng pháp luật các loại tội phạm, không để hình thành các băng nhóm, tổ chức tội phạm hoạt động "lộng hành" theo kiểu "xã hội đen", bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội và cuộc sống bình yên, an toàn của nhân dân.
Trong xử lý các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, phải quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: "Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ"; có đối sách sắc bén, kịp thời, phù hợp với từng vụ việc cụ thể.
Thứ tư là đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đây thực chất là đẩy mạnh công tác dân vận trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, là công việc của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị và toàn lực lượng Công an nhân dân. Đây cũng là biện pháp nghiệp vụ bảo đảm an ninh, trật tự rất hiệu quả, đặc sắc riêng có của Công an nhân dân Việt Nam mà chúng ta cần chú trọng phát huy thật tốt trong thời gian tới để củng cố thế trận “lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân kết hợp với thế trận quốc phòng toàn dân.
Tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó mật thiết với Nhân dân, chú trọng vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Chú trọng xây dựng và giữ gìn hình ảnh người cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Kiên quyết chống các biểu hiện thiếu trách nhiệm, vô cảm trước những yêu cầu chính đáng của người dân. Chủ động, tích cực khắc phục những hạn chế, thiếu sót làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Nhân dân với lực lượng công an.
Thứ năm là nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa Công an nhân dân với Quân đội nhân dân và các cấp, các ngành trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, được nhân dân hết lòng thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, viết nên truyền thống vẻ vang 75 năm qua của Công an nhân dân Việt Nam”, đồng chí Trần Quốc Vượng phát biểu.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, Hội thảo là hoạt động khoa học, là hình thức sinh hoạt chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giáo dục, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân; từ đó tiếp tục xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, củng cố niềm tin và phát huy sức mạnh của toàn lực lượng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ các vấn đề về những luận cứ khoa học lịch sử để khẳng định sự ra đời của lực lượng Công an nhân dân là một tất yếu khách quan; phân tích, làm rõ và luận giải sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước đối với lực lượng Công an nhân dân là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn khách quan; đánh giá, làm phong phú và sâu sắc hơn truyền thống cách mạng và anh hùng của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam; đúc kết các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn của lược lượng Công an nhân dân qua 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để vận dụng, phát huy trong xây dựng lực lược công an nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại…
Nguồn: Nguyễn Hoàng/chinhphu.vn
Tin mới cập nhật
- Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường ( 21/11)
- Chấp hành luật giao thông phải trở thành nhu cầu tự thân, hành vi tự giác ( 19/11)
- Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trong phòng chống ma túy ( 08/11)
- Bảo vệ người dân trước thực trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng ( 23/10)
- Đấu tranh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ( 16/10)
- Tập trung '3 tăng cường' trong hợp tác Việt – Lào phòng chống ma tuý và tội phạm ( 15/10)