Huyện Cẩm Xuyên tập trung cao công tác phòng, chống thiên tai
EmailPrintAa
17:17 19/09/2024

Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Cẩm Xuyên đã tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện kiểm tra tình hình công tác phòng, chống lụt bão tại công trình đê chắn cát thuộc cảng cá Cẩm Nhượng, ngày 18/9/2024

Với gần 50 km sông và đê biển, 03 hồ chứa nước lớn, trong đó có hồ Kẻ Gỗ và nhiều xã thuộc vùng thấp trũng, ven biển, hằng năm, người dân Cẩm Xuyên thường xuyên phải đối mặt với mưa bão, lụt. Những năm gần đây, đặc biệt từ sau trận lũ lụt lịch sử tháng 10/2020, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của người dân, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đạt được những kết quả quan trọng.

Huyện đã quán triệt thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của Trung ương, của tỉnh và ban hành các văn bản chỉ đạo của địa phương về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn thực hiện đồng bộ các biện pháp chủ động phòng ngừa thiên tai; rà soát xây dựng, phê duyệt các phương án phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn, như: Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; phương án phòng ngừa, ứng phó với ngập lụt và sơ tán người dân; phương án đảm bảo an ninh, trật tự và trật tự, an toàn giao thông; phương án cứu hộ, cứu nạn…

Tùy điều kiện, tình hình thực tiễn của từng địa phương, từng vùng, miền cụ thể để có phương án phù hợp, như: Đối với các vùng bán sơn địa (Cẩm Minh, Cẩm Lạc, Cẩm Sơn, Cẩm Thịnh, Cẩm Hưng, Cẩm Quang, Cẩm Mỹ…) quan tâm cập nhật và hoàn thiện phương án phòng ngừa, ứng phó với sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Các xã ven biển (Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc, Cẩm Nhượng, Cẩm Dương, Yên Hòa…) cập nhật và hoàn thiện phương án bão, siêu bão; phương án đảm bảo an toàn tàu cá, các vùng nuôi trồng thủy sản. Đối với các vùng đồng bằng, các xã nằm ở hạ lưu các hồ chứa lớn (Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Duệ, Cẩm Vịnh, Cẩm Bình, Cẩm Quang…) quan tâm cao cập nhật, hoàn thiện phương án phòng ngừa, ứng phó với ngập lụt và di dời người dân đến nơi an toàn.

Các tàu thuyền neo đậu tại bến bãi tại xã Cẩm Nhượng

Đặc biệt, để chủ động ứng phó với bão số 4 hiện đang ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh, huyện Cẩm Xuyên đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp; Ủy ban nhân dân huyện ban hành Công điện khẩn số 3839/CĐ-UBND ngày 18/9/2024 về tập trung chỉ đạo, ứng phó với áp thấp nhiệt đới; các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai tại các địa phương trực tiếp đến cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó; kiểm tra các công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm, đặc biệt công trình kè biển xã Cẩm Nhượng, đường quốc phòng xã Cẩm Lĩnh, thường xuyên cập nhật mực nước dâng tại các hồ chứa…

Xã Cẩm Lạc di dời người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn

trong ngày 18/9/2024

Các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Tại xã Cẩm Lĩnh, đã tổ chức cắm biển cảnh báo tại các vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, bố trí rào chắn hai đầu, cấm người và phương tiện đi lại trên tuyến đường quốc phòng đoạn qua xã Cẩm Lĩnh. Đối với những khu vực nguy cơ sạt lở cao, các xã tiến hành di dời dân đến nơi an toàn. Huyện chỉ đạo các địa phương phối hợp với Ban Quản lý dự án Thăng Long, các nhà thầu thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng tiến hành khởi thông, nạo vét các điểm, trục tiêu úng, tiêu thoát lũ; chỉ đạo Đồn Biên phòng Thiên Cầm và các địa phương vùng ven biển, kêu gọi tàu thuyền vào tránh, trú bão.

Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống thiên tai, nhất là kỹ năng ứng phó trước, trong và khi có bão, lũ lụt, sạt lở đất. Tập trung rà soát, cập nhật, hoàn thiện các phương án phòng chống thiên tai theo các loại hình và cấp độ rủi ro có khả năng xảy ra trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình hồ đập, đê điều, công trình phòng, chống thiên tai được phân cấp quản lý đặc biệt quan tâm thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình, nhất là đối với các công trình hiện nay đã xuống cấp, hư hỏng; tuyệt đối không chủ quan, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để triển khai ứng phó có hiệu quả với các tình huống xảy ra, đảm bảo an toàn cho Nhân dân.

Đặng Thị Nga (Phó Giám đốc Trung tâm chính trị)


    Ý kiến bạn đọc