Tội phạm, gian lận thương mại được kiềm chế, nhưng vẫn phức tạp
Tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP cho biết: Năm 2018 Ban Chỉ đạo 138/CP đã kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp, nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, góp phần kéo giảm 0,61% số vụ phạm pháp hình sự so với năm 2017. Hầu hết, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự đạt 82,32%. Đặc biệt đã khởi tố, điều tra đưa ra xét xử một số vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, cũng theo Thượng tướng Lê Quý Vương: Tội phạm hình sự tuy được kiềm chế nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, nổi lên là hoạt động của các băng nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại, hoạt động tín dụng đen kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật. Tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản chiếm hơn 50% số vụ phạm pháp hình sự… Đáng chú ý, tội phạm tham nhũng có chiều hướng giảm, nhưng “tham nhũng vặt” vẫn diễn ra trong nhiều lĩnh vực. Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư dự án.
Về hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 cho thấy, thống kê sơ bộ năm 2018, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 203.000 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2017); thu nộp ngân sách đạt hơn 20.000 tỷ đồng (giảm 12% so với cùng kỳ năm 2017), khởi tố gần 2.000 vụ (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017) với hơn 2.300 đối tượng (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017). Song đáng lo ngại, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn tập trung ở các địa bàn trọng điểm là các tỉnh giáp biên giới, như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Tây Ninh… và diễn ra ở hầu hết các cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu cảng biển quốc tế. Hàng hóa buôn lậu chủ yếu là các loại hàng hóa gọn nhẹ, giá trị cao, như: Điện thoại, ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, đồ điện gia dụng, thuốc lá, rượu….
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương nêu rõ nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, như: Đối tượng ngày càng manh động, sử dụng vũ khí “nóng”, địa bàn hoạt động rộng với thủ đoạn và hình thức được thay đổi liên tục… Tuy nhiên, các đại biểu nhấn mạnh tới nguyên nhân vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức, khiến việc phòng, chống tội phạm và buôn lậu, hàng giả hiệu quả chưa cao. Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, công tác quản lý nhân hộ khẩu, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự còn nhiều thiếu sót. Có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thiếu trách nhiệm, làm ngơ để tội phạm có tổ chức hoạt động. Ở khía cạnh khác, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho hay: Công tác nắm thông tin, dự báo thị trường của lực lượng quản lý thị trường còn bị động, thiếu cả đầu mối và chất lượng thông tin. “Đáng lo ngại, đạo đức công vụ quản lý thị trường đang là vấn đề nổi cộm. Thời gian qua, báo chí, dư luận cũng phản ánh nhiều vụ việc tiêu cực của quản lý thị trường, như công chức quản lý thị trường còn quan liêu, hách dịch, gây khó khăn phiền hà cho doanh nghiệp, cá nhân khi hoạt động công vụ”, ông Trần Hữu Linh thông tin.
Cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan thực thi pháp luật trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: LINH GIANG.
Kiên quyết loại bỏ, xử lý nghiêm cán bộ suy thoái
Đề cập tới các giải pháp phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: "Thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các phương thức hoạt động của các loại hình tội phạm, nhất là phương thức thủ đoạn mới để người dân phòng ngừa và tham gia tố giác tội phạm. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác ký kết không sản xuất, kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trong cộng đồng dân cư".
Nêu giải pháp ngăn ngừa tình trạng trộm cắp và cướp giật trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, theo đại diện Ban Chỉ đạo 138 TP Hồ Chí Minh: Năm 2018, cướp giật, trộm cắp chiếm gần 80% trong cơ cấu phạm pháp hình sự của thành phố. Thời gian tới thành phố sẽ rà soát, lập hồ sơ quản lý người nghiện cư trú trên địa bàn, bởi theo thống kê 45% các vụ trộm cắp, cướp giật trên địa bàn là do đối tượng này gây ra. Bên cạnh đó, thành phố sẽ nhân rộng mô hình lắp camera giám sát trong các khu dân cư để phát hiện, răn đe tội phạm.
Đồng tình với các giải pháp này, song Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 cho rằng, cần tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, gian lận thương mại. Ở đâu trách nhiệm người đứng đầu không tốt thì công tác này không hiệu quả. Cùng với đó, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện hóa đơn điện tử để minh bạch thông tin thị trường.
Còn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu quan điểm, lực lượng quản lý thị trường là lực lượng chủ công trong việc thực thi pháp luật, kiểm tra thực thi pháp luật đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vì vậy phải sớm xây dựng đề án đào tạo chính quy lực lượng quản lý thị trường, để có nguồn lực mạnh mẽ bảo đảm về đạo đức và năng lực chuyên môn. Đặc biệt, cần sớm hình thành các trung tâm thông tin dữ liệu về kinh tế số từ hải quan, quản lý thị trường, ngành thuế, môi trường… để kiểm soát thông tin thị trường một cách đồng bộ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Năm 2018, Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần làm giảm tội phạm, tạo môi trường xã hội lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng lo ngại trước tình trạng nhiều loại tội phạm diễn biến phức tạp, việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả mới xử lý được phần ngọn mà chưa triệt phá được tận gốc. Theo Phó thủ tướng, nguyên nhân tồn tại là chưa thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm người đứng đầu. Thậm chí, một bộ phận cán bộ, công chức “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhấn mạnh tới các nhiệm vụ trong năm 2019, Phó thủ tướng đề nghị hai ban chỉ đạo các cấp làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình, không để xảy ra bị động trong phòng, chống tội phạm, gìn giữ an ninh trật tự. Bên cạnh đó, đối với các loại tội phạm có tổ chức, “tín dụng đen”, sử dụng công nghệ cao cần xác lập chuyên án để mở rộng xác minh, điều tra triệt phá tận gốc, đánh trúng đối tượng cầm đầu. Các cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với các viện kiểm sát, tòa án trong điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; kịp thời truy tố, xét xử những vụ án lớn, được dư luận xã hội quan tâm. Đáng chú ý, cần tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở, không để hình thành các điểm nóng về an ninh trật tự.
Đặc biệt, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt” ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức. “Phải tổ chức phòng, chống tội phạm, buôn lậu ngay trong chính lực lượng chức năng. Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ công chức tha hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn: qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường ( 21/11)
- Chấp hành luật giao thông phải trở thành nhu cầu tự thân, hành vi tự giác ( 19/11)
- Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trong phòng chống ma túy ( 08/11)
- Bảo vệ người dân trước thực trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng ( 23/10)
- Đấu tranh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ( 16/10)
- Tập trung '3 tăng cường' trong hợp tác Việt – Lào phòng chống ma tuý và tội phạm ( 15/10)