Bằng thủ đoạn đưa thông tin lập lờ “đen-trắng” lẫn lộn, các thế lực thù địch kích thích trí tò mò của công chúng, làm cho người đọc không phân biệt được đúng sai, nảy sinh nghi ngờ, mất lòng tin vào Đảng và Nhà nước. Những kiểu bình luận, suy diễn, bịa đặt như: "Việt Nam đang sử dụng cảng quốc tế Cam Ranh làm “mồi nhử” để "lôi kéo" các nước lớn ủng hộ Việt Nam". Hay nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Hoa Kỳ (29-31/5/2017), hai bên đã ra Tuyên bố chung về tăng cường đối tác toàn diện giữa hai nước, trong đó có nội dung "Việt Nam và Hoa Kỳ trao đổi về khả năng tàu sân bay Hoa Kỳ thăm cảng Việt Nam", những "cây bút" trên mạng xã hội đã bịa ra chuyện Việt Nam sẽ cho nước ngoài thuê Cam Ranh làm căn cứ quân sự hoặc Việt Nam sắp liên minh quân sự... Vậy sự thật đằng sau những thông tin bịa đặt này là gì?
Ảnh minh họa / qdnd.vn |
Kể từ khi Cảng quốc tế Cam Ranh được khánh thành và đi vào hoạt động, không chỉ báo chí trong nước mà báo chí nước ngoài đã có nhiều bài viết, nhận xét tích cực về chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Việc đưa Cảng quốc tế Cam Ranh vào hoạt động góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước cũng như mở rộng quan hệ quốc phòng của Việt Nam với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, một số hãng thông tấn nước ngoài cùng một số trang mạng, blog cá nhân đã lợi dụng chủ trương của Nhà nước ta về việc đưa Cảng quốc tế Cam Ranh vào khai thác, để tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu Việt Nam nhằm chia rẽ quan hệ của Việt Nam với các nước. Với dụng ý đó, họ cố tình xuyên tạc, bóp méo thông tin, phục vụ cho mưu đồ chính trị của một số tổ chức, một số nhóm người không có thiện cảm với Việt Nam.
Thực tế cho thấy, chúng ta đã chủ động cung cấp thông tin một cách công khai, minh bạch về chủ trương đưa Cảng quốc tế Cam Ranh vào sử dụng. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Quy chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh thuộc địa bàn tỉnh Khánh Hòa, có hiệu lực từ ngày 15-8-2016.
Với vị trí địa chính trị, Cảng quốc tế Cam Ranh thu hút sự quan tâm lớn của các nhà nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực quân sự và hàng hải. Vì vậy, các nhà quân sự thế giới hiểu rất rõ vị trí, vai trò của Cảng quốc tế Cam Ranh. Như vậy, Cảng quốc tế Cam Ranh bản thân nó đã có sức hút là một trong những cảng nước sâu tốt nhất thế giới, thì không có lý do gì chúng ta phải "lôi kéo" ai. Nhờ vị trí tiếp cận gần nhất các tuyến hàng hải quốc tế nên cảng quốc tế Cam Ranh là vị trí lý tưởng để tàu bè các nước dừng chân, sử dụng các dịch vụ hậu cần kỹ thuật trên đường hành trình của mình và đây là điều hết sức bình thường.
Chính sách quốc phòng của Việt Nam đã nêu rõ: Việt Nam chủ trương không cho bất cứ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Chính phủ Việt Nam đã khẳng định không cho nước ngoài thuê cảng Cam Ranh làm căn cứ quân sự hay căn cứ hậu cần-kỹ thuật. Tuy nhiên, Việt Nam hoan nghênh tàu, thuyền quốc tế ghé đậu và sử dụng dịch vụ hậu cần-kỹ thuật tại đây. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam sẵn sàng mở cửa đón tiếp tàu quân sự, dân sự của các nước có thiện chí và muốn sử dụng dịch vụ hậu cần-kỹ thuật ở Cảng quốc tế Cam Ranh. Tàu, thuyền các nước càng vào Cam Ranh nhiều càng chứng minh họ tín nhiệm Việt Nam và Việt Nam cũng tin tưởng họ. Do vậy, chuyện suy diễn Việt Nam cho nước ngoài thuê Cảng quốc tế Cam Ranh làm căn cứ quân sự là một suy diễn mang tính chủ quan, vô căn cứ.
Còn những ý kiến cho rằng, Việt Nam muốn liên minh quân sự, lôi kéo nhân tố quốc tế để đối phó với nước thứ ba. Câu chuyện thực chất là gì?
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh tính chất hòa bình, tự vệ và chính nghĩa của liên minh quân sự, liên minh chiến đấu, đồng thời khẳng định liên minh quân sự, liên minh chiến đấu là một trong những phương thức bảo vệ Tổ quốc vào thời điểm nhất định. Từ khi đất nước hòa bình, thống nhất đến nay, Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Quốc phòng Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Theo đó, tất cả những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng và bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực đều là đối tác hợp tác quốc phòng của Việt Nam. Thông qua các mối quan hệ đối ngoại, Việt Nam tăng cường sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau với nhân dân và chính phủ các nước, tạo cơ sở mở rộng hợp tác, giải quyết các mâu thuẫn nhằm ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Thực hiện chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ, Việt Nam xây dựng sức mạnh quốc phòng bằng mọi nguồn lực của đất nước; kiên trì chủ trương không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác. Tuy nhiên, Việt Nam chủ trương tăng cường hợp tác quốc phòng với mọi quốc gia để tăng cường khả năng bảo vệ đất nước. Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã minh chứng: Càng trong những tình thế khó khăn, càng đòi hỏi phải có chính sách quốc phòng đúng đắn theo đường lối độc lập, tự chủ, tự lực cánh sinh là chính. Đồng thời, cần hiểu đúng sức mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sức mạnh tổng hợp quốc gia về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong đó, sức mạnh lực lượng vũ trang là nòng cốt, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp quân sự, kinh tế, chính trị với ngoại giao. Sức mạnh bên trong của đất nước, sức mạnh của chế độ chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định. Chỉ có kiên trì thực hiện đường lối và “chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ” chúng ta mới có thể phát huy hết được sức mạnh dân tộc, tận dụng và khai thác triệt để sức mạnh của thời đại trong đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, nếu ai đó cho rằng, Việt Nam cần liên minh quân sự là trái ngược với tinh thần nói trên.
Những diễn biến trong thời gian cho chúng ta thấy rõ ai là người thực tâm ủng hộ Việt Nam và ai đang toan tính thực hiện Chiến lược “Diễn biến hòa bình”, chống phá Việt Nam. Có thể thấy, những luận điệu trên là nhằm chia rẽ sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta; chia rẽ Đảng với nhân dân, Đảng với lực lượng vũ trang; chia rẽ quan hệ Việt Nam với các nước. Âm mưu của họ là lái Việt Nam chệch khỏi đường lối độc lập, tự chủ trong thực hiện chính sách quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc cũng như trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phục vụ cho những mưu đồ nham hiểm.
Theo qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường ( 21/11)
- Chấp hành luật giao thông phải trở thành nhu cầu tự thân, hành vi tự giác ( 19/11)
- Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trong phòng chống ma túy ( 08/11)
- Bảo vệ người dân trước thực trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng ( 23/10)
- Đấu tranh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ( 16/10)
- Tập trung '3 tăng cường' trong hợp tác Việt – Lào phòng chống ma tuý và tội phạm ( 15/10)