Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV: Thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự
EmailPrintAa
23:24 09/11/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tư, chiều 9-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể, tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Đại tướng Phan Văn Giang , Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự phiên họp và phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu. Cùng dự phiên họp có Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Qua thảo luận, các đại biểu đều đánh giá cao quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã được tiến hành bài bản, công phu, kỹ lưỡng và khoa học. Dự thảo luật được xây dựng từ kinh nghiệm, thực tiễn hoạt động phòng thủ dân sự; có sự tham gia ý kiến của các bộ, ngành, Trung ương, địa phương, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học; nội dung cơ bản rõ ràng, hợp lý, tạo cơ sở chung nhất cho việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với các nội dung của dự thảo luật; cho rằng việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự là cần thiết

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh: Việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đất nước cũng như trong hợp tác quốc tế.

Đại biểu phân tích: Việc xây dựng, ban hành Luật Phòng thủ dân sự là để thể chế hóa các quan điểm của Đảng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật toàn diện, chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, ngày 30-8-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 22 về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo cùng những định hướng đầy đủ, cụ thể cho việc xây dựng  Luật Phòng thủ dân sự.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Đại tướng Phan Văn Giang; Trung tướng Nguyễn Trọng Bình và đại biểu Quốc hội trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh: Phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

"Vì vậy, nếu làm tốt công tác phòng thủ dân sự sẽ là một nhân tố quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời cũng là động lực để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", đại biểu Dương Khắc Mai nêu rõ.

Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Mặt khác, đại biểu cũng cho rằng, thực tế những năm qua cho thấy các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở nước ta; trong khi đó, hệ thống pháp luật của chúng ta chưa bao quát hết các lĩnh vực, do đó, việc ứng phó với các sự việc trên đôi khi còn lúng túng, chưa kịp thời.

"Do đó, việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự không chỉ bảo đảm tính thống nhất, toàn diện, bao quát, đầy đủ các lĩnh vực mà còn mang tính chiến lược trong nhiệm vụ lập pháp để ứng phó với những bất thường của “Mẹ thiên nhiên”, những bất cẩn của con người và những bất định của thế giới", đại biểu nói.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh: Việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự là cần thiết.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý góp phần bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước

Đồng quan điểm, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) thống nhất cao với nhận định của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng như những căn cứ trong tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành của dự luật này.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An nhấn mạnh: Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, phòng thủ dân sự cũng như phòng thủ quốc gia, việc xây dựng luật là việc bổ sung, hoàn thiện cho hệ thống pháp luật quốc gia, sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu hiện nay trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Mặt khác, việc xây dựng luật sẽ góp phần pháp luật hóa đường lối, quan điểm của Đảng được thể hiện qua các nghị quyết như: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị; đặc biệt là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30-8-2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo đã xác định nhiệm vụ trong thời gian tới là “khẩn trương xây dựng Luật Phòng thủ dân sự… đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ phòng thủ dân sự trong tình hình mới”.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng): Việc xây dựng luật là việc bổ sung, hoàn thiện cho hệ thống pháp luật quốc gia, đáp ứng yêu cầu hiện nay trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Nhấn mạnh Luật Phòng thủ dân sự là sự cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và Luật Quốc phòng, đại biểu cho rằng, trong giai đoạn gần đây, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn định, có nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực phòng thủ dân sự. Trong khi đó, nước ta nằm trong số nhũng quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hậu quả thiên tai, mưa bão, hạn hán, cháy rừng hết sức nghiêm trọng...

"Tình hình đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn với phòng thủ dân sự, cần phải hoàn thiện cơ sở pháp lý để chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước", đại biểu nói.

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Các đại biểu Quốc hội khác cũng đều thống nhất cao với sự ban hành Luật Phòng thủ dân sự.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn Quảng Ngãi) cũng thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Phòng thủ dân sự nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, tăng cường nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, hoàn thiện hành lang pháp lý, phát huy sức mạnh toàn dân, chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Cũng tán thành cao với nhiều nội dung của dự thảo luật cũng như báo cáo giải trình tiếp thu dự án luật, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh, việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự là cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Đại biểu bày tỏ ủng hộ quan điểm cần luật hóa các quy định hiện hành đã được áp dụng ổn định để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, giảm thiểu số lượng văn bản hướng dẫn thi hành...

Nguồn: NGUYỄN THẢO - CHIẾN THẮNG/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/ky-hop-thu-tu-quoc-hoi-khoa-xv-thong-nhat-cao-voi-su-can-thiet-ban-hanh-luat-phong-thu-dan-su-710494 )


    Ý kiến bạn đọc