Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Để hạn chế những vụ khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, tỉnh Bắc Giang xác định, trước tiên cần nâng cao vai trò của người đứng đầu. Theo đó, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nắm rõ các quy định của pháp luật để chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành thực thi. Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức-những người trực tiếp làm công tác tiếp công dân. UBND tỉnh Bắc Giang cũng duy trì tổ công tác của tỉnh để tăng cường kiểm tra, hỗ trợ các địa phương giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo (KN, TC) phức tạp, tồn đọng, gắn với tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc KN, TC đông người, phức tạp. Thêm vào đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu chủ tịch UBND cấp huyện cần thực hiện nghiêm việc tiếp công dân định kỳ và phân công lãnh đạo huyện về tiếp công dân tại cơ sở; tập trung giải quyết vụ việc ngay từ khi mới phát sinh. Chấn chỉnh, làm tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất nhằm hạn chế phát sinh khiếu kiện.
Tại tỉnh Thái Nguyên , để làm tốt công tác tiếp công dân, lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành, các cấp kiểm tra, rà soát các vụ KN, TC tồn đọng kéo dài, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm giải quyết của các cơ quan, đơn vị; trên cơ sở đó giao nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết từng vụ việc. Đối với các vụ việc KN, TC phức tạp, đông người, chủ tịch UBND tỉnh thành lập tổ công tác, phân công lãnh đạo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo từng vụ việc; định kỳ nghe báo cáo tiến độ giải quyết, những khó khăn, vướng mắc và hướng khắc phục, tháo gỡ; trường hợp vụ việc đã được tỉnh rà soát, giải quyết nhiều lần nhưng công dân vẫn chưa đồng thuận, tỉnh chủ động báo cáo Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương xem xét và cho ý kiến chỉ đạo.
Chất lượng đội ngũ cán bộ tiếp công dân, xử lý đơn thư cũng luôn được tỉnh Thái Nguyên quan tâm đặt lên hàng đầu. Bà Trần Thị Khánh Phương, Phó trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Hằng năm, tỉnh đều tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn của các sở, ban, ngành, các địa phương trong toàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã tổ chức 14 lớp tập huấn cho 1.669 cán bộ, công chức, kết quả hoạt động tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ được lãnh đạo tỉnh và người trực tiếp tham dự đánh giá cao”.
Thanh tra tỉnh Bắc Giang tham mưu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh: HOÀNG LONG
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Lương, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phổ Yên khẳng định: “Điều quan trọng là phải bám sát cơ sở, phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân ngay từ cấp cơ sở để tìm cách giải quyết vấn đề. Vì nếu không bám sát cơ sở, để người dân khiếu kiện vượt cấp thì với nhiều vụ việc, lãnh đạo thành phố hay lãnh đạo tỉnh cũng không nắm rõ sự vụ sẽ rất khó để trả lời ngay cho người dân, từ đó có thể gây nên những hệ lụy lâu dài. Chính vì vậy, chúng tôi thường xuyên yêu cầu cán bộ phải đi cơ sở, nhất là trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, nếu có vấn đề phát sinh sẽ tìm hướng giải quyết ngay. Bên cạnh đó, trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KN, TC đòi hỏi người lãnh đạo ngoài có tâm cũng phải có tầm, có kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, để khi phát sinh vấn đề liên quan đến lĩnh vực nào đều có thể giải quyết nhanh, tránh gây bức xúc trong dân, cái gì tốt nhất, có lợi nhất cho dân thì phải thực hiện hết sức".
Dù vậy, trên thực tế còn một số địa phương, người đứng đầu chưa thực sự quan tâm, làm hết trách nhiệm đối với công tác tiếp công dân. Nhiều nơi, người đứng đầu không thực hiện đúng chế độ tiếp công dân, còn có hiện tượng không tiếp công dân định kỳ, hay giao cấp phó, người không đủ thẩm quyền, không đúng thành phần quy định tiếp công dân. Việc này không chỉ vi phạm Luật Tiếp công dân và cũng khiến vấn đề, nội dung kiến nghị, khiếu nại của người dân không những không được giải quyết mà còn trở thành điểm nóng. Theo Báo cáo kết quả giám sát bước đầu việc tiếp công dân và giải quyết KN, TC của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ ngày 12 đến 15-9-2022) cho thấy, trong giai đoạn 2016-2021, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp công dân định kỳ chỉ đạt tỷ lệ bình quân 38% so với quy định; chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân định kỳ chỉ đạt tỷ lệ bình quân 56%...
Xử lý nghiêm những trường hợp cố tình tố cáo sai, kéo dài
Trong thực tế, có nhiều trường hợp người dân lợi dụng quyền tố cáo để cố tình tố cáo sai sự thật, không có cơ sở, nhiều vụ việc đã có kết quả giải quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật, nhưng vẫn cố tình tố cáo kéo dài nhiều năm để gây áp lực cho cơ quan công quyền. Chính vì vậy, để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm của người tố cáo, tại Điều 65 của Luật Tố cáo đã quy định người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi vi phạm quy định bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo. Theo đó, tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Điều 156 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định về xử phạt đối với tội vu khống, thì người có hành vi tố cáo sai sự thật có thể sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Pháp luật đã quy định rõ ràng, tuy nhiên, trên thực tế, số vụ bị xử lý đối với người vi phạm quy định về tố cáo chưa nhiều. Nguyên nhân cũng là do người bị tố cáo đã giải quyết được mâu thuẫn, muốn được yên ổn nên hai bên tự giải hòa. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền lại chưa chú trọng đến hành vi tố cáo sai sự thật của người tố cáo. Kết luận nội dung tố cáo sai sự thật đều quy cho là thiếu căn cứ giải quyết; còn đối với hành vi tố cáo sai sự thật thì lại bỏ qua trách nhiệm pháp lý của người tố cáo. Do vậy, vô hình trung khiến người KN, TC sai sự thật chưa nhận thức được đầy đủ hành vi vi phạm của mình, đây chính là những hạn chế cần được hoàn thiện trong quá trình thi hành pháp luật về KN, TC.
Về vấn đề này, ông Cao Minh Luận, Phó chánh thanh tra tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã mời Ban Dân nguyện Quốc hội lên rà soát, tìm hiểu nguyên nhân vì sao công dân không đồng thuận và đưa ra hướng giải quyết. Còn bên cơ quan thanh tra, chúng tôi cũng mời Đoàn Luật sư và Hội Luật gia của tỉnh cùng tham gia tư vấn để tìm hướng giải quyết có lợi nhất cho người dân nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật. Chúng tôi sẽ thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm. Trong năm 2022, công tác tiếp dân của các sở, ban, ngành và các địa phương đều đã có chuyển biến tích cực so với những năm trước. Chúng tôi thường xuyên thành lập đoàn kiểm tra do UBND tỉnh chủ trì đi thanh tra, kiểm tra công tác tiếp dân, xử lý đơn thư ở cơ sở, từ đó sẽ tiến hành đôn đốc các đơn vị thực hiện theo đúng quy định. Ngoài trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo, báo cáo kết quả xác minh, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo, chúng tôi còn có trách nhiệm xem xét việc giải quyết tố cáo nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trường hợp có căn cứ cho rằng, việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ kiến nghị xem xét, giải quyết lại. Trách nhiệm này đặt ra yêu cầu cần xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan hành chính nhà nước đối với việc giải quyết tố cáo để phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong giải quyết tố cáo ở các cấp, các ngành, giữ kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan quản lý nhà nước”.
Để hạn chế hành vi tố cáo sai sự thật, cố tình tố cáo kéo dài, trong thời gian tới, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật đối với người dân, nhất là tập trung ở khu vực xã, phường, thị trấn, đặc biệt trong một số lĩnh vực thường xảy ra KN, TC như giải quyết các chế độ chính sách, giải phóng mặt bằng, liên quan đến vấn đề đất đai, quản lý, sử dụng đất nông nghiệp... Từ đó giúp người dân hiểu và đồng thuận với những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần sớm ban hành các quy định xử phạt vi phạm hành chính về việc tố cáo sai sự thật. Với những trường hợp tố cáo sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng cần kịp thời chuyển cơ quan chức năng, truy cứu trách nhiệm hình sự để chấn chỉnh, răn đe. Làm được như vậy mới có thể hạn chế tình trạng đơn thư KN, TC sai sự thật, cũng như tình trạng cố tình tố cáo kéo dài, gây mất an ninh xã hội như trong thời gian qua.
Nguồn: Bài và ảnh: HỒNG ANH - ĐỨC THỊNH - HUYỀN TRANG/qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho đại hội Đảng các cấp ( 15/01)
- Quản lý thống nhất, xử lý nghiêm minh, chủ động phòng ngừa vi phạm IUU ( 15/01)
- Đảng ủy Quân khu 4 ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025 ( 08/01)
- Quán triệt quan điểm của Đảng: Chủ động bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng từ sớm, từ xa ( 04/01)
- Góc nhìn giáo dục: Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh ( 31/12)
- Thủ tướng chỉ đạo giải pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết ( 24/12)