Bài 1: Khi công tác tiếp công dân trở thành quyết tâm chính trị
Tiếp công dân là giai đoạn đầu và nếu làm tốt, nó là chìa khóa để giải quyết KN, TC, qua đó bảo vệ lợi ích của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để công tác tiếp công dân thực sự thực chất, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, nhiều địa phương đã đưa nhiệm vụ tiếp công dân trở thành quyết tâm chính trị để nâng cao chất lượng công tác này.
Nỗ lực kéo giảm đơn thư khiếu nại kéo dài, vượt cấp
Là địa phương có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, thời gian qua TP Phổ Yên ( Thái Nguyên ) tiếp nhận và giải quyết nhiều đơn thư liên quan tới đất đai, giải phóng mặt bằng. Xác định công tác tiếp công dân là nhiệm vụ quan trọng nên ngay từ đầu, Thành ủy, UBND TP Phổ Yên chú trọng, duy trì lịch tiếp công dân của từng cấp theo đúng quy định. Đặc biệt, từ khi thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, Thành ủy và UBND TP Phổ Yên đã chỉ đạo các xã, phường bố trí địa điểm, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết KN, TC của công dân; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các địa phương và cơ quan thực hiện đúng quy định pháp luật. Hằng tháng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố duy trì lịch tiếp công dân.
Kết quả sau 3 năm thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, Thành ủy Phổ Yên đã tiếp nhận 194 đơn, thư với 105 vụ việc, trong đó có 3 đơn với 2 vụ việc khiếu nại, 42 đơn với 7 vụ việc tố cáo, 149 đơn với 96 vụ việc kiến nghị, phản ánh; chuyển, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền giải quyết và giải quyết xong 92 vụ việc, đạt tỷ lệ 87,6%. Riêng đồng chí Bí thư Thành ủy đã tiếp định kỳ và đột xuất 45 buổi đối với 32 vụ việc, 90% số vụ việc đã giải quyết xong trên tinh thần thẳng thắn, công tâm, không né tránh... Chính nhờ thực hiện tốt việc tiếp công dân ngay từ cơ sở, cùng với việc gần dân, sát dân để tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nên những năm gần đây, TP Phổ Yên không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên (bên trái) đến thăm các hộ dân, kiểm tra tình hình giải quyết vụ việc sau tiếp công dân tại phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên. Ảnh: HÙNG CƯỜNG
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Lương, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phổ Yên cho biết: “Thời gian qua, thành phố triển khai nhiều dự án lớn, như dự án xây dựng quần thể Khu văn hóa-thể thao-công viên cây xanh TP Phổ Yên quy mô gần 40ha, với khoảng 280 hộ dân bị ảnh hưởng (trong đó có 80 hộ dân thuộc diện phải di chuyển chỗ ở và hàng trăm ngôi mộ phải di dời). Tuy nhiên với quyết tâm thực hiện, chúng tôi thường xuyên tổ chức đối thoại, tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu lợi ích khi dự án hoàn thành. Vì vậy, khi thấy một số gia đình đồng ý di chuyển thì các gia đình khác cũng làm theo. Nhờ làm tốt công tác tiếp công dân, tuyên truyền để người dân hiểu nên chúng tôi có thể hoàn thành các dự án mà không để xảy ra đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Trong quá trình tiếp công dân, chúng tôi cùng nhau trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, không né tránh những vấn đề nhân dân kiến nghị”.
Tại tỉnh Bắc Giang, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã tiếp 4.013 lượt người đến KN, TC và kiến nghị, phản ánh. Tổng số đơn tiếp nhận trên địa bàn là 4.498. Cơ quan chức năng đã giải quyết xong 1.680/1.984 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết, đạt tỷ lệ 84,7%. Với mục tiêu không để đơn thư phức tạp, kéo dài, từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành 18 văn bản chấn chỉnh, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp công dân, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc KN, TC trên địa bàn tỉnh. Người đứng đầu các sở, ngành và địa phương ban hành hơn 50 văn bản triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo thực hiện nhiều đợt cao điểm tập trung rà soát, giải quyết các vụ KN, TC phức tạp, tồn đọng. Nhờ có những chuyển biến tích cực trong việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư nên một số vụ việc khiếu kiện kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Tại huyện Việt Yên (Bắc Giang), trung bình mỗi năm toàn huyện tiếp khoảng 600 lượt người đến khiếu nại, kiến nghị. Nội dung khiếu nại, kiến nghị chủ yếu liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất; bồi thường giải phóng mặt bằng... Để không có những vụ việc đơn thư phức tạp, Huyện ủy, UBND huyện Việt Yên ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết đơn thư. Theo ông Đào Xuân Trường, Trưởng ban tiếp công dân huyện Việt Yên, điểm mới trong công tác giải quyết đơn thư KN, TC là lãnh đạo huyện quan tâm nắm bắt từng vụ việc, trực tiếp tham gia giải quyết các vụ việc khó; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với người dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, từ đó chỉ đạo đơn vị chuyên môn xây dựng phương án giải quyết...
Là địa phương có đông đồng bào Công giáo, những năm qua, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KN, TC trên địa bàn. Việc tiếp công dân của Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện được tổ chức định kỳ, công khai thời gian để người dân nắm được. Cùng với đó, lãnh đạo huyện Nghĩa Hưng cũng yêu cầu lãnh đạo các xã thực hiện nghiêm việc tiếp công dân. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Xuân Đại, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) cho biết: “Công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC của công dân được Đảng ủy, UBND xã thực hiện nghiêm túc. Đối với người đứng đầu như Bí thư Đảng ủy xã và Chủ tịch UBND xã thì đều tổ chức tiếp công dân vào thứ năm hằng tuần. Trong quá trình tiếp công dân, chúng tôi cầu thị, lắng nghe ý kiến, giải quyết những bức xúc của nhân dân ngay từ cấp cơ sở. Chính điều đó giúp xã Nghĩa Lạc luôn giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra khiếu kiện kéo dài, vượt cấp”.
Không chỉ các địa phương như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, nhiều tỉnh, thành phố cũng đang có những chủ trương, giải pháp quyết liệt để từng bước đưa công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC đi vào thực chất, trở thành quyết tâm chính trị, tháo gỡ điểm nóng trên địa bàn quản lý.
Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Có thể thấy rằng, việc làm tốt công tác tiếp công dân mang lại hiệu quả tích cực, góp phần ổn định trật tự xã hội. Tuy nhiên thực tế, việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC ở một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Theo báo cáo kết quả giám sát bước đầu việc tiếp công dân và giải quyết KN, TC của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ ngày 12 đến 15-9-2022) cho thấy, trong giai đoạn 2016-2021, công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC ở một số nơi chưa được quan tâm và thực hiện chưa nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2021, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 38% so với quy định; chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 56%; chủ tịch UBND cấp huyện tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 94%; chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 49%...
Tìm hiểu tại một số địa phương chúng tôi nhận thấy, mặc dù các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực trong công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC, nhưng thực tế cũng có những khó khăn, như có nơi người đứng đầu chưa thực sự nhận thức hết trách nhiệm của mình, nên dẫn đến không thực hiện việc tiếp công dân định kỳ theo quy định. Bên cạnh đó, đội ngũ tiếp công dân chính là những người trực tiếp tiếp xúc với người dân, nhưng tại một số đơn vị, công tác sắp xếp nhân sự tiếp công dân chưa hợp lý, có trường hợp cán bộ tiếp công dân thiếu kiến thức, kỹ năng, không lắng nghe, chia sẻ với người dân, dẫn đến hiệu quả chưa cao... Bà Trịnh Thị Hồng Chính, Trưởng phòng nghiệp vụ, Ban tiếp công dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Mặc dù cơ quan đã có quy định trong việc tiếp công dân, nhưng nhiều trường hợp, người dân khi đến gửi đơn phản ảnh, kiến nghị, họ sử dụng điện thoại để ghi âm, quay phim, chụp ảnh cán bộ tiếp công dân, điều này gây khó khăn, ức chế cho cán bộ tiếp công dân”.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bắc Giang, thời gian qua có một số vụ việc đã được giải quyết khách quan, đúng pháp luật, rà soát, đối thoại nhiều lần nhưng công dân vẫn không nhất trí, tiếp tục khiếu kiện phức tạp, gây mất an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, một số địa phương phân loại, xử lý đơn chưa đúng, vi phạm thời hạn giải quyết. Một số huyện còn chậm giải quyết vụ việc do Chủ tịch UBND tỉnh chuyển về, chất lượng giải quyết còn hạn chế; chưa tập trung cao trong rà soát, đối thoại, giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Cũng về vấn đề này, ông Trương Đình Khương, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết: “Trong quá trình tiếp công dân còn nhiều khó khăn do người dân không nắm rõ pháp luật, có nhiều đòi hỏi không có cơ sở. Hoặc có trường hợp đã được các cơ quan chức năng giải quyết, nhưng họ cố tình không đồng ý, tụ tập đông người đến để gây áp lực cho cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, có những kiến nghị của người dân xảy ra đã hàng chục năm, chính sách, pháp luật cũng có thay đổi nên rất khó giải quyết”.
Về công tác thanh tra, ông Trần Quang Ứng, Chánh thanh tra tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, cùng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, KN, TC cũng được tăng cường và nâng cao. Tuy nhiên, hiện nay công tác thanh tra, kiểm tra vẫn còn hiện tượng chồng chéo với kiểm toán nhà nước và với thanh tra của các bộ, ngành. Cùng với đó, chưa có quy định cụ thể về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra như trình tự, thủ tục, thẩm quyền... nên cũng gây khó khăn trong thực hiện. Vì vậy, rất mong các cấp có thẩm quyền tăng cường quản lý, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định, chính sách có liên quan đến nội dung thanh tra. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới công tác thanh tra hành chính, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn có nhiều đơn thư phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, dễ xảy ra sai phạm như đất đai, xây dựng, tài chính, môi trường...”.
(còn nữa)
Nguồn: Bài và ảnh: HỒNG ANH - ĐỨC THỊNH - HUYỀN TRANG/qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường ( 21/11)
- Chấp hành luật giao thông phải trở thành nhu cầu tự thân, hành vi tự giác ( 19/11)
- Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trong phòng chống ma túy ( 08/11)
- Bảo vệ người dân trước thực trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng ( 23/10)
- Đấu tranh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ( 16/10)
- Tập trung '3 tăng cường' trong hợp tác Việt – Lào phòng chống ma tuý và tội phạm ( 15/10)