Lực lượng Quân sự tỉnh với công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
EmailPrintAa
16:40 24/11/2020

Thực hiện chủ trương của cấp ủy, chính quyền, thời gian qua, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Quân sự tỉnh phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan giúp Nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 841 giúp người dân xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) gặt lúa trước khi mưa lụt

Đảng ủy Quân sự tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt cho 100% cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ trách nhiệm, xác định công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với Quân đội trong thời bình.

Hàng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh mở các lớp tập huấn; xây dựng kế hoạch huấn luyện cứu hộ, cứu nạn theo chương trình huấn luyện cơ bản, tập trung vào các nội dung như: Kỹ năng, kỹ thuật bơi cứu người; phương pháp cứu người khi bị nạn; phương pháp di chuyển người, vũ khí trang bị kỹ thuật và cơ sở vật chất ra khỏi vùng lũ, lụt; phương pháp gia cố hàn khẩu đê bằng vật liệu tại chỗ...; đồng thời, tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện tàu, xuồng theo định kỳ, luyện tập thuần thục các phương án theo kế hoạch, đặc biệt là phương án di dời dân đến vùng an toàn.

Với phương châm “chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả”, để đối phó với những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, trước mùa mưa bão năm nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; rà soát, kiện toàn, bổ sung các kế hoạch, phương án; chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Tổ chức hiệp đồng với các sở, ban, ngành chức năng và các đơn vị đóng quân trên địa bàn nhằm thống nhất phương án, sẵn sàng xử lý các tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trên cơ sở kế hoạch, phương án đã được phê duyệt, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị trực thuộc đã tiến hành khảo sát thực tế địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm thường xảy ra lũ, lụt, các hồ, đập, tuyến đê xung yếu, phối hợp với chính quyền địa phương lập phương án chi tiết sẵn sàng sơ tán Nhân dân, bảo đảm an toàn về người và tài sản; lựa chọn các trường học, công sở và nhà dân kiên cố từ 2 tầng trở lên, ở nơi cao ráo để bố trí cho người dân trú ẩn khi xảy ra lũ lụt, bão lớn; phối hợp ngành chức năng, chính quyền địa phương hướng dẫn người dân về mùa mưa, bão chuẩn bị sẵn các loại thực phẩm khô, mì tôm, nước uống cho gia đình sử dụng từ 5 - 7 ngày…

Từ cơ quan Bộ Chỉ huy đến các đơn vị cơ sở luôn duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; theo dõi sát diễn biến của tình hình mưa bão. Khi có bão, lụt, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố, thị xã cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở, thôn, xóm, cùng với Ban Chỉ huy quân sự các xã, phường, thị trấn triển khai phương án, không để bị động, bất ngờ.

Cán bộ, chiến sỹ giúp Trường mầm non xã Điền Mỹ (huyện Hương Khê) khắc phụ hậu quả lũ lụt

Tháng 10 vừa qua, trước tình hình toàn tỉnh xảy ra hai đợt lũ lụt lớn, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố đã điều động 2.500 dân quân cơ động ở các xã, phường, thị trấn cùng 48 tàu thuyền cứu hộ để phục vụ cho việc di dời, sơ tán Nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là các địa bàn trọng điểm như Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, thành phố Hà Tĩnh. Ở những nơi nước lũ cô lập, chia cắt, Bộ đội đã giúp đỡ các đoàn cứu trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bà con Nhân dân, đặc biệt là các gia đình chính sách và các hộ neo đơn, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Sau lũ lụt, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động hơn 1.000 cán bộ, chiến sỹ thường trực và dân quân tự vệ, cùng với phương tiện nhanh chóng đến 17 xã, thị trấn của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Nghi Xuân, thành phố Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh giúp 10  trường học, 14 nhà văn hóa thôn, nhiều hộ nhà dân khắc phục hậu quả; phối hợp giúp tu sửa 04km đường giao thông liên thôn. Các lực lượng thường xuyên bám nắm cơ sở, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương khắc phục hậu quả với phương châm “nước rút đến đâu, khắc phục đến đó”; đội ngũ Quân y tham gia phun thuốc, tiêu độc khử trùng, xử lý môi trường ngay sau khi nước lũ rút.

Với tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cùng với các ngành chức năng và Nhân dân tỉnh nhà đã ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Thiếu tá Nguyễn Duy Linh (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh)


    Ý kiến bạn đọc