Lực lượng vũ trang Hà Tĩnh với công tác phòng, chống lụt, bão
EmailPrintAa
09:56 01/12/2016

Hà Tĩnh nằm ở vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, khu vực phía Tây chủ yếu là núi cao, tiếp đến là vùng đồi thấp và dải đồng bằng nhỏ hẹp dọc ven biển nên có độ dốc rất lớn. Hằng năm, tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến rất phức tạp, xảy ra bất thường như áp thấp nhiệt đới, bão, lốc xoáy, lũ ống, lũ quét ở các huyện miền núi, ngập lụt ở các huyện đồng bằng… Trước diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của thiên tai có chiều hướng gia tăng, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt, bão, hạn chế thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
 

Chuẩn bị phương tiện ứng phó lụt, bão

Lực lượng vũ trang tỉnh luôn xác định, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc, việc tham gia phòng, chống lụt, bão, khắc phục hậu quả thiên tai cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Hằng năm, Đảng ủy Quân sự tỉnh có nghị quyết lãnh đạo việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão. Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng kế hoạch sử dụng lực lượng, tiến hành phối hợp, hiệp đồng giao nhiệm vụ với lực lượng Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển và các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 đóng quân trên địa bàn, thường xuyên nắm chắc mọi diễn biến khí hậu, thời tiết, thủy văn; sẵn sàng cơ động lực lượng đến những địa bàn trọng điểm; tổ chức huấn luyện lực lượng phòng, chống lụt, bão với những nội dung: bơi cứu người, phương pháp cấp cứu người bị nạn, di chuyển người và cơ sở vật chất ra khỏi vùng lũ, lụt; cách làm bè mảng bằng vật liệu tại chỗ; cách chèo, chống thuyền, bè, hàn khẩu đê... Với phương châm “Tích cực, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả cao”, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thường xuyên duy trì bảo đảm hệ thống thông tin, liên lạc; tổ chức chặt chẽ chế độ trực ban, trực chiến, trực chỉ huy 24/24 giờ; kịp thời thông báo, cảnh báo diễn biến của thời tiết để nhân dân chủ động tự phòng, chống và sẵn sàng tham gia ứng cứu. Khi có lệnh của trên, thông thường, sau 30 phút, mọi lực lượng và phương tiện phòng, chống lụt, bão đều có mặt tại vị trí tập kết và sau 1 giờ có mặt tại địa bàn được phân công.

Năm 2016, lực lượng vũ trang tỉnh tổ chức diễn tập phòng chống siêu bão. Thông qua diễn tập, trình độ chỉ huy của đội ngũ cán bộ các cấp và năng lực tham mưu của các cơ quan chức năng được nâng lên, hành động của các phân đội và cá nhân được phối hợp nhịp nhàng. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan quân sự địa phương của 13 huyện, thành phố, thị xã, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bổ sung các phương án phòng, chống lụt, bão gắn với diễn tập khu vực phòng thủ; di dời, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người dân nhận thức rõ phòng, chống lụt, bão là trách nhiệm của mỗi công dân, của mọi gia đình và toàn xã hội; từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, chủ động đối phó kịp thời khi lụt, bão xảy ra.

Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh luôn phối hợp làm tốt công tác điều tra cơ bản địa bàn, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị sát với tình hình thực tế, đảm bảo tính khả thi cao. Từ đó, lên kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ giữa địa phương với các đơn vị đóng quân trên địa bàn, để khi có tình huống xảy ra, các đơn vị chủ động điều động nhanh lực lượng, xử lý kịp thời các tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Khi có tình huống bão, lụt xảy ra, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh có sẵn phương án phối hợp với các lực lượng, thống nhất công tác chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền, thông báo cho nhân dân các vùng trọng điểm, kiểm đếm người, phương tiện hoạt động trên các vùng biển rời khỏi vùng nguy hiểm về các khu vực an toàn; phối hợp với Bộ đội Biên tỉnh chỉ đạo các đồn Biên phòng chủ động hướng dẫn ngư dân, sắp xếp, neo đậu tàu thuyền tại các âu tàu, cầu cảng, tránh trú bão an toàn. Lụt, bão đi qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang luôn tham gia giúp dân dựng lại nhà cửa, vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước, khắc phục đường giao thông, hàn khẩu các tuyến đê, kè, sớm ổn định đời sống của nhân dân… Với tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã khắc phục khó khăn, đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong đó có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy rừng, khắc phục hậu quả sau bão, lũ và đã được Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá cao, khen thưởng nhiều tập thể và cá nhân.

Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão trong những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rút ra một số kinh nghiệm:

Một là, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vai trò nòng cốt, xung kích của lực lượng vũ trang trong nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão; coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong thời bình. Đồng thời, đề cao tinh thần, trách nhiệm, ý thức cảnh giác của toàn đơn vị trong sẵn sàng tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão được giao.

Hai là, thường xuyên bổ sung, hoàn thiện các phương án; tổ chức huấn luyện, diễn tập xử lý các tình huống sát với thực tế; làm tốt công tác chuẩn bị cả về tư tưởng, tổ chức, bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác phòng, chống lụt, bão; tăng cường công tác kiểm tra; quan tâm đầu tư, thay thế trang bị, phương tiện kỹ thuật đã xuống cấp, bảo đảm khi có tình huống xảy ra, các lực lượng ứng cứu luôn “Tích cực, chủ động, kịp thời, hiệu quả cao”.

Ba là, trên cơ sở kế hoạch đã được phê chuẩn, lãnh đạo, chỉ huy các cấp tổ chức quán triệt kỹ, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, từng bộ phận; hiệp đồng chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan trên địa bàn, chủ động đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời và có hiệu quả, nhất là khi có tình huống xảy ra ngoài dự kiến.

Bốn là, trong thực hiện nhiệm vụ, công tác chỉ huy, điều hành phải đảm bảo chặt chẽ, kiên quyết, kịp thời và có tính thống nhất cao, nhất là ở các khu vực trọng điểm, mục tiêu quan trọng. Trên từng địa bàn, khi xảy ra lụt, bão, phải thiết lập được sở chỉ huy; khắc phục mọi khó khăn để bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt trong mọi tình huống; phát huy có hiệu quả nguồn lực “4 tại chỗ” để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.

Năm là, cơ quan quân sự tỉnh, huyện, thị, thành phố phải luôn làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý các tình huống cứu dân, cứu tài sản; bảo đảm 100% quân số sẵn sàng cơ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tham gia cứu hộ, cứu nạn. Các đơn vị phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão địa phương, để nắm chắc và sớm dự báo diễn biến của thời tiết, triều cường, mức nước các sông, hồ trên địa bàn; qua đó có phương án xử lý kịp thời, đồng thời có biện pháp huy động tối đa lực lượng của nhân dân, nhất là thanh niên, dân phòng trong tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong thời gian xảy ra lụt, bão.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết, tình hình lụt, bão xảy ra đối với Hà Tĩnh trong những năm tới dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường. Những bài học kinh nghiệm trên đây sẽ tiếp tục được lực lượng vũ trang tỉnh vận dụng vào thực tiễn, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống lụt, bão, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Thiếu tá Nguyễn Duy Linh - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh


    Ý kiến bạn đọc