Một số điểm mới của Luật Tố tụng hành chính năm 2015
EmailPrintAa
17:24 30/05/2016

Nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp đặc biệt là Nghị quyết 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020"; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, ngày 25/11/2015, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật Tố tụng hành chính (sau đây gọi là Luật Tố tụng hành chính năm 2015) thay cho Luật Tố tụng hành chính ban hành năm 2010 với nhiều điểm mới.

Luật Tố tụng hành chính năm 2015 gồm có 23 chương, 372 điều (tăng 05 chương và 107 điều so với Luật Tố tụng hành chính năm 2010), khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập, kế thừa những quy định còn phù hợp; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về tố tụng hành chính, bảo đảm các quy định của Luật tố tụng hành chính không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có các điểm mới cần quan tâm:

Một là, thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính của Tòa án nhân dân được mở rộng; trình tự, thủ tục giải quyết cũng có những sửa đổi, bổ sung quan trọng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện hơn để Tòa án giải quyết các khiếu kiện hành chính có hiệu quả, góp phần bảo vệ tốt hơn các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; bảo vệ lợi ích của Nhà nước; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và phù hợp với những cam kết quốc tế của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án. Bảo đảm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đề cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng hành chính.

Ngoài việc sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của từng cấp Tòa án, phân định thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính năm 2015 bổ sung quy định: Đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thì việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh (khoản 4 Điều 32).

 Hai là, Luật bổ sung thêm địa vị pháp lý trong tố tụng hành chính đối với Thẩm tra viên ngành Tòa án và Kiểm tra viên ngành Kiểm sát để thực hiện chức năng pháp lý khi được phân công tiến hành tố tụng. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng được quy định rõ ràng cụ thể tại Chương III.

Ba là, vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong tố tụng hành chính. Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, phải có nhiệm vụ tham gia phiên tòa, nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không phải hoãn phiên tòa như Luật Tố tụng hành chính năm hiện hành.

Bốn là, về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, Luật bổ sung các quy định nhằm cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được ghi nhận tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 như: Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Luật này. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Luật. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định của Luật. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định (Điều 18).

Năm là, về việc xem xét, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan trong vụ án hành chính: Nhằm đảm bảo cho Tòa án thực hiện tốt chức năng bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 bổ sung quy định: Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án có quyền xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính đó và trả lời kết quả cho Tòa án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tòa án có quyền kiến nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện văn bản đó có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án.

Sáu là, về người đại diện của người bị kiện trong tố tụng hành chính: Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có quy định nhằm khắc phục tình trạng người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thường ủy quyền cho cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị là người đại diện tham gia tố tụng trong khi họ không nắm rõ hoặc không có thẩm quyền xem xét, giải quyết những việc liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện; bổ sung quy định: Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật.

 Bảy là,Về giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn: Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định cụ thể các điều kiện để giải quyết vụ án hành chính thủ tục rút gọn, cụ thể là: Vụ án có tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm đủ căn cứ giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; không có đương sự cư trú ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài có thỏa thuận với đương sự ở Việt Nam đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn.Việc xét xử sơ thẩm vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán thực hiện.

Ngoài ra, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 còn bổ sung một số quy định về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài, thi hành án hành chính, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác.

Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, trừ các quy định có liên quan đến quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 (Quy định liên quan đến người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; Quy định liên quan đến pháp nhân là người đại diện, người giám hộ; Quy định liên quan đến hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân).

        Lê Thị Anh Thư (Ban Nội chính Tỉnh ủy)


    Ý kiến bạn đọc