Lễ ký kết Chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2017. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh) |
Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng lên. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các đoàn thể về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được phát huy. Bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước được củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ. Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã thực hiện được vai trò liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngoài việc tham mưu tổ chức thực hiện toàn diện nội dung công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp và các phòng tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật không ngừng được đổi mới, bao gồm: Hội thi tìm hiểu pháp luật, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt Ngày Pháp luật, Câu lạc bộ Pháp luật; thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, cấp phát tài liệu miễn phí; thành lập các tổ, đoàn công tác trực tiếp đến từng thôn, xóm, cụm dân cư, từng gia đình để vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tự giác chấp hành pháp luật; thông qua phương tiện thông tin đại chúng, qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải cơ sở, trợ giúp pháp lý… Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật bám sát và phục vụ kịp thời việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, địa phương, phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt, các cấp, các ngành có liên quan đã phối hợp tuyên truyền, tổ chức thành công Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (toàn tỉnh có 242.716 bài dự thi; có 07 cá nhân và 07 tập thể được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen; tổng kết cuộc thi ở Trung ương, Hà Tĩnh được tặng giải A tập thể và 01 giải nhất cá nhân); tuyên truyền, phổ biến các văn bản về bầu cử , góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 với tỷ lệ cử tri đạt 99,72%. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Hiện nay, số lượng văn bản pháp luật quá nhiều, khó khăn trong lựa chọn lĩnh vực hoặc các quy định để tổ chức tuyên truyền, phổ biến. Vẫn còn một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Một số đơn vị, địa phương chưa chủ động thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chỉ thực hiện khi có chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Thời lượng và chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa nhiều. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp chưa phát huy hết khả năng năng của từng thành viên. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tích cực tham gia vào các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, chưa thực sự gương mẫu chấp hành pháp luật…
Từ thực tiễn đó, xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới:
Thứ nhất, các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, để các chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được phổ biến kịp thời, đầy đủ đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội. Trước mắt là tập trung chỉ đạo tuyên truyền chủ trương, chính sách về khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển, khôi phục sản xuất, đảm an ninh trật tự. Thứ hai, xác định rõ vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan đơn vị có liên quan trong thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và các thành viên chủ động, sáng tạo trong tham mưu và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong từng thời gian, bảo đảm phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng cơ quan, tổ chức và địa phương; thường xuyên kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót.
Thứ ba, tích cực đổi mới, đa dạng hoá các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng và các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cơ quan, tổ chức và các địa phương; lồng ghép công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện các chương trình, các phong trào vận động quần chúng. Có chính sách hỗ trợ nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật đối với nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, người nghèo và đối tượng chính sách.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tổ chức thi hành pháp luật, trong đó gắn công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án với việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm điểm, phê bình, xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao.
Thứ năm, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện Nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nguyễn Hoa Phượng - Trưởng phòng Phổ biến Giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp
Tin mới cập nhật
- Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường ( 21/11)
- Chấp hành luật giao thông phải trở thành nhu cầu tự thân, hành vi tự giác ( 19/11)
- Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trong phòng chống ma túy ( 08/11)
- Bảo vệ người dân trước thực trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng ( 23/10)
- Đấu tranh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ( 16/10)
- Tập trung '3 tăng cường' trong hợp tác Việt – Lào phòng chống ma tuý và tội phạm ( 15/10)