Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm
EmailPrintAa
19:55 21/11/2023

Bày tỏ quan ngại về tình hình tội phạm tiếp tục gia tăng trong thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần chú trọng nhiều hơn đến công tác phòng ngừa, xác định rõ nguyên nhân để hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm.

Các đại biểu dự phiên thảo luận ở hội trường sáng 21/11. (Ảnh: DUY LINH)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 , sáng 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Đánh giá kỹ lưỡng, khách quan về công tác phòng, chống tội phạm

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn trên các lĩnh vực, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, doanh nghiệp, nhất là người lao động có thu nhập thấp. Lợi dụng tình hình, các đối tượng tội phạm nổi lên hoạt động, làm phức tạp thêm.

Nhưng dưới sự quyết tâm của Chính phủ, ngành tư pháp đã triển khai toàn diện các biện pháp phòng, chống đạt được nhiều kết quả tích cực, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, những vụ việc nổi lên được xử lý kịp thời, kiềm chế, không để phát sinh phức tạp.

Các vụ án kinh tế, tham nhũng, ma túy, cướp ngân hàng, giết người, cướp của có động cơ khác nhau được phát hiện xử lý đến nơi, đến chốn, tạo dấu ấn lan tỏa quan trọng để cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa. Công tác điều tra, phá án từng bước được nâng cao, hầu hết các vụ án có tính chất nghiêm trọng đều được làm sáng tỏ.

Đại biểu nhấn mạnh, đây là kết quả đáng trân trọng của ngành công an, Viện kiểm sát, Tòa án và các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, được nhân dân cả nước ấn tượng và ngày càng tín nhiệm vào các cơ quan bảo vệ pháp luật trong xử lý nghiêm, khách quan và dựa trên công lý...

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu ý kiến tại hội trường. (Ảnh: DUY LINH)

Theo đại biểu, công tác phòng, chống tội phạm trên các lĩnh vực thời gian qua mặc dù đạt được nhiều kết quả rất khích lệ, góp phần làm giảm thiểu tội phạm, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân, tuy nhiên, có loại hình tội phạm giảm không nhiều, có loại hình tăng mạnh như giết người, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm công nghệ thông tin, mạng internet…

Thậm chí, có loại tội phạm phát sinh mới như bắt cóc trẻ em ở nhà trẻ đòi tiền chuộc gây tâm lý lo sợ cho phụ huynh có con em gửi nhà trẻ; tội phạm hoạt động đăng kiểm, đào tạo, sát hạch lái xe; vụ tiếp viên hàng không vận chuyển 11kg ma túy được giấu trong tuýp kem đánh răng…

Đại biểu kiến nghị Chính phủ và các ngành chức năng có đánh giá thật kỹ lưỡng, khách quan, cầu thị về những thực trạng trên, nhất là trong năm nay các vụ việc có số người vi phạm tăng, trong khi số vụ giảm không đáng kể.

Từ đó, tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu, nhất là các vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt, tâm lý, tình cảm, cuộc sống bình yên của người dân, giảm thiểu tối đa các vụ án tăng bất thường.

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) đề nghị, những hạn chế, sai sót, vi phạm về nghiệp vụ cần sớm được khắc phục nhằm tránh các trường hợp bị khởi tố oan sai danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân hoặc bỏ sót tội phạm.

Đồng thời, đại biểu cho rằng cần có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa xem xét trách nhiệm các cơ quan thi hành án dân sự, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp không chấp hành án hành chính và cả trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) bày tỏ đồng tình với các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp, đặc biệt là báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nêu rất rõ các vấn đề đạt được, chưa đạt được và các kiến nghị để thực hiện tốt trong thời gian tới.

Qua các báo cáo cho thấy nỗ lực rất lớn của các cơ quan tư pháp, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử đều được nâng lên, truy tố, xét xử đúng người đúng tội. Đây là những chỉ tiêu rất đáng khích lệ, thể hiện nỗ lực rất lớn của các cơ quan tư pháp trong năm 2023.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ quan ngại về tình hình tội phạm tiếp tục tăng cao bất chấp những kết quả tích cực mà các cơ quan tư pháp đã đạt được trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

Đại biểu Trần Công Phàn tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Đồng tình với ý kiến của Ủy ban Tư pháp, đại biểu Trần Công Phàn đề nghị cần chú trọng hơn đến công tác phòng ngừa, tập trung nghiên cứu một cách căn cơ về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm để làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Bình Dương cũng cho rằng, các cơ quan pháp luật cần tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp để tìm ra chân lý, làm đúng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình; đồng thời, tăng cường hướng dẫn, giải thích áp dụng pháp luật.

Có chung quan điểm, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) chỉ rõ, hiện nay với sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội, mức độ lan toả thông tin đã biến đổi mạnh mẽ, việc khai thác các tình tiết ly kỳ, chi tiết của từng vụ án nhằm thu hút người xem đã tạo ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, hành vi của người tiếp cận thông tin.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu cứu, phân tích đánh giá sâu hơn các nguyên nhân đối với nhóm tội phạm này, trong đó cần lưu tâm nguyên nhân liên quan đến vấn đề về giáo dục.

Theo đại biểu Kim Ngân, sự ảnh hưởng tiêu cực của bùng nổ thông tin, sai lệch nhận thức cần được phân tích làm rõ và đưa ra giải pháp căn cơ, nhất là giải pháp về giáo dục hình thành, nuôi dưỡng nhân cách đạo đức con người; cách tiếp cận, sàng lọc thông tin; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý các hoạt động trên không gian mạng…, để từ đó nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.

Cũng quan tâm vấn đề phòng ngừa tội phạm, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho rằng, khâu cảnh báo phương thức, thủ đoạn phạm tội cho người dân còn hạn chế; đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ nguyên nhân làm gia tăng tội phạm để từ đó có phương pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.

Nguồn: VĂN TOẢN/nhandan.vn

( https://nhandan.vn/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-phong-ngua-han-che-dieu-kien-phat-sinh-toi-pham-post783630.html )


    Ý kiến bạn đọc