Người khai sinh mô hình cụm an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu ở cơ sở
EmailPrintAa
14:42 23/12/2015

Nhằm góp phần xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong trào xây dựng cơ sở xã, thị trấn, cụm an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm. Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2015), chúng tôi đã tìm gặp Đại tá Lê Hữu Công ở xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà – người đã có công khai sinh mô hình cụm an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu ở cơ sở
 
Đại tá Lê Hữu Công phát biểu tại Lễ kỉ niệm 25 năm truyền thống cụm an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu của huyện Lộc Hà  

Sinh năm 1928, trong một gia đình bần nông nghèo, đông con ở xã Bình Lộc, huyện Can Lộc (nay là huyện Lộc Hà), từ nhỏ, Lê Hữu Công đã sớm giác ngộ cách mạng khi hàng ngày  tận mắt chứng kiến sự đàn áp bóc lột dã man của bọn thực dân phong kiến cũng như tinh thần sục sôi của người dân áo vải vùng lên cướp chính quyền. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, bước sang tuổi 17, Ông đã tình nguyện tham gia chi đội Phan Đình Phùng - đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh lúc bấy giờ, tiền thân của Trung đoàn 103.

Năm 1952, sau khi tham gia chiến dịch Na Pê, Ông được chuyển về Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 thuộc Quân khu 4 để tham gia chiến dịch biên giới Trung Lào, Thượng Lào rồi chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1956, Ông được cử đi nghiên cứu sinh về chiến tranh ở Trung Quốc 3 năm. Tốt nghiệp xuất sắc nhưng Lê Hữu Công không chọn cho mình con đường học vấn, mà với lòng nhiệt huyết cách mạng, Ông lại chọn con đường binh nghiệp, dấn thân vào chiến trường. Năm 1964, với cương vị Trung tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 57, Quân khu 4, ông tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Sau đó được chuyển về Quân đoàn 3, Thượng tá Lê Hữu Công, Lữ đoàn trưởng thuộc Quân đoàn 3 đã trực tiếp chỉ huy đoàn quân tiến sâu vào chiến trường các tỉnh miền Nam, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Chiến tranh ngày càng khốc liệt, hết đuổi Pháp đến đánh Mỹ, có thể nói cả cuộc đời của Ông đã gắn bó vào nghiệp nhà binh. Sau kháng chiến chống Mỹ, Ông lại xung phong vào lực lượng bảo vệ biên giới Tây Nam. Tháng 8, năm 1978, thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng, Lê Hữu Công được điều ra Hà Nội nhận nhiệm vụ Tham mưu trưởng chỉ huy Mặt trận 379 ở Bắc Lào. Hòa bình lập lại, Ông được điều về Học viện Quốc phòng với quân hàm Đại tá. Năm 1983, Ông giữ chức vụ Sư đoàn trưởng, Sư đoàn 441 thuộc Quân khu 4. Sau hơn 40 năm đóng góp cho quân đội, năm 1986, Đại tá Lê Hữu Công được nghỉ hưu theo chế độ. Như cây có cội,  sông có nguồn, ở cái tuổi dù đã xế chiều, vị Đại tá đã quyết định trở về để mong được đóng góp, cống hiến, trả ân nghĩa cho quê hương.

Về quê, Ông tiếp tục tham gia công tác và được tín nhiệm bầu chức vụ Bí thư Đảng ủy xã. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Đảng ủy, Đại tá Lê Hữu Công, từ những năm 1988 - 1989, vùng đất Bình Lộc đã được biết đến là một cái nôi, xuất phát điểm của cuộc vận động xây dựng cơ sở xã, thị trấn, cụm an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu của cả tỉnh và cả nước. Năm 1992, tỉnh Hà Tĩnh chính thức chỉ đạo các huyện, thị trong toàn tỉnh học tập và làm theo mô hình của xã Bình Lộc. Năm 1994, các đơn vị trong toàn Quân khu IV triển khai thực hiện và đến năm 1996, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Nhiều hội thảo khoa học, hội nghị sơ kết, tổng kết ở các cấp đều khẳng định quá trình xây dựng cụm xã an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu ở Bình Lộc đảm bảo tính khoa học và nghệ thuật quân sự. Chính vì thế, ngay sau khi huyện Lộc Hà được thành lập, trên cơ sở những kinh nghiệm trong công tác xây dựng cơ sở xã vững mạnh toàn diện, cụm an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu, huyện đã nhanh chóng xây dựng được 04 cụm xã nội huyện, phối hợp với huyện Nghi Xuân thành lập 01cụm xã liên huyện thường xuyên duy trì hoạt động theo quy chế cụ thể và không ngừng phát huy hiệu quả.

Ông Lê Trọng Hiền  - Bí thư  Đảng ủy Bình Lộc cho biết: Đã hơn 25 năm qua, mô hình này được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân không chỉ ở cái nôi Bình Lộc, mà cả huyện Lộc Hà và các địa phương trong tỉnh, trong nước được phát huy. Mặc dù nay đã ở tuổi gần 90, sức đã yếu nhưng hai vợ chồng người cán bộ đều có hơn 65 năm tuổi đảng Lê Hữu Công và Nguyễn Thị Loan vẫn nhiệt huyết tham gia đóng góp cho phong trào chung của thôn, của xã. Còn vị Đại tá già Lê Hữu Công tâm sự với chúng tôi: Để đáp ứng hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, công tác xây dựng cơ sở xã, phường vững mạnh toàn diện, cụm an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa là nhiệm vụ cấp bách thường xuyên, vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài đối với toàn Đảng, toàn Quân, toàn Dân và cả hệ thống chính trị. Cần có sự cố gắng, phối hợp đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự hưởng ứng tích cực mỗi người dân thì mô hình mới thực sự phát huy hiệu quả.  

Lê Thị Trâm Anh


    Ý kiến bạn đọc