Phát huy sức mạnh nhân dân trong công tác bảo vệ quốc phòng, an ninh
EmailPrintAa
16:05 14/03/2019

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh biên giới đã có sự phối hợp tích cực và hiệu quả với lực lượng biên phòng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ vững chắc biên giới. Nhiều mô hình, cách làm hay đã góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết, sức mạnh quần chúng bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Trung tá Phạm Minh Hải, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) cùng dự sinh hoạt và bàn công tác bảo vệ biên giới tại Chi bộ bản Nậm Ô.

Lan tỏa phong trào quần chúng bảo vệ đường biên, cột mốc

Ðã nhiều năm nay, ngày nào cũng vậy, khi lên rẫy làm nương, bác Lý A Khớ, bản Pô Tô, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu lại tỉ mỉ kiểm tra các dấu cột mốc, đường biên khu vực được phân công bảo vệ. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường là bác lập tức báo ngay cho đồn biên phòng. Trung tá Ðào Quang Hồng, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Huổi Luông cho biết, gia đình bác Lý A Khớ tham gia mô hình Tổ tự quản đường biên, cột mốc từ những ngày đầu thành lập. Bác có gần 2 ha đất canh tác gần cột mốc 61, đoạn biên giới tiếp giáp Trung Quốc. Công việc của bác tưởng nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa.

Từ tháng 8-2016, chính quyền xã Huổi Luông phối hợp Ðồn Biên phòng Huổi Luông thành lập hai tổ tự quản đường biên, cột mốc tại bản Pô Tô và Na Sa Phìn, mỗi tổ có bảy thành viên. Các tổ này phối hợp cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng tuần tra biên giới hai lần trong tuần, cả ngày lẫn đêm, tùy theo tình hình thực tế. Ðồng chí Lý A Hành, Chủ tịch UBND xã Huổi Luông cho biết: Sự phối hợp được duy trì chặt chẽ thông qua các hình thức trao đổi thông tin thường xuyên; cùng đi tuần tra, kiểm tra hiện trạng đường biên, cột mốc; tổ chức phát quang thông tầm nhìn biên giới; phát quang dấu hiệu đường biên giới quốc gia và các công trình quốc phòng, an ninh trên khu vực biên giới; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm Luật Biên giới quốc gia, các hiệp định, quy chế quản lý, bảo vệ biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc... Ðến nay, trên địa bàn xã Huổi Luông đã thành lập được 17 tổ tự quản đường biên, cột mốc với 157 hộ dân đăng ký tham gia, góp phần tích cực bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản.

Không chỉ ở Lai Châu mà trên toàn tuyến biên giới, phong trào quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc lan tỏa sâu rộng với nhiều hình thức phong phú. Thăm tuyến biên giới phía Nam Tổ quốc những ngày đầu năm, chúng tôi cùng Tổ phụ nữ tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm ấp khu vực biên giới xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang (16 thành viên) đi vận động người dân thực hiện quy chế của Chính phủ về vận chuyển hàng hóa qua lại biên giới. Qua cách gặp gỡ, trò chuyện thân tình, giải đáp tỉ mỉ, những thông điệp của Tổ đã được người dân đón nhận. Theo Thượng tá Bùi Văn Cường, Chính trị viên Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, sự chung tay của chị em, cùng các cấp ủy và chính quyền địa phương đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ vi phạm pháp luật trên địa bàn. Chỉ tính riêng hoạt động buôn lậu, năm 2018 đã giảm khoảng 30% so với năm 2017.

Từ các phong trào quần chúng, xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, trong đó phải kể đến các già làng, trưởng bản. Ở bản Sại, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa), ai ai cũng khâm phục tinh thần của già làng Hà Văn Tuyên. Hằng tuần, ông sắp xếp thời gian tới các bản, làng khác tìm gặp già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín để trao đổi kinh nghiệm vận động, tuyên truyền người dân, góp phần gắn kết hơn tình đoàn kết giữa các bản làng. Tham gia bảo vệ hơn 1,5 km đường biên và cột mốc 347 từ năm 1999 đến nay, bằng mọi hình thức thu thập thông tin từ người thân quen, già làng Hà Văn Tuyên đã cung cấp hàng chục tin có giá trị cho Ðồn Biên phòng Tam Thanh, giúp cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, giải quyết tốt các vấn đề xảy ra trong khu vực biên giới và địa bàn xã.

Già làng Ma An, ở buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Ðôn (tỉnh Ðác Lắc) được ví như "cây xà nu" giữa đại ngàn. Ðã ở tuổi 70, nhưng già làng Ma An vẫn thường xuyên phối hợp với cán bộ, chiến sĩ đội công tác của Ðồn Biên phòng Sê Rê Pốk tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc; tuyên truyền người dân trong buôn tự giác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Nhớ năm 2004, Tây Nguyên là một "điểm nóng" về an ninh chính trị; hoạt động của tổ chức phản động "Tin lành Ðề Ga" diễn biến hết sức phức tạp. Với cương vị trưởng buôn Trí A, già làng Ma An đến từng nhà giải thích, vận động dân làng không nghe lời kẻ xấu xúi giục. Năm đó, cả buôn đều vững tâm theo Ðảng, không ai tham gia hay tiếp tay cho tổ chức phản động. Những năm sau đó, buôn Trí A luôn đi đầu về sự ổn định chính trị, an ninh và phát triển kinh tế.

Xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị

Tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước láng giềng, mở rộng quan hệ bạn bè và đối tác quốc tế… là nhiệm vụ quan trọng bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Hiểu rõ chủ trương đối ngoại nhân dân của Ðảng, Nhà nước, những năm qua, tổ chức đảng ở các địa phương khu vực biên giới đã chỉ đạo chính quyền và nhân dân triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa. Nổi bật là công tác phối hợp với bộ đội biên phòng chủ động tiến hành các hoạt động xây dựng, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới.

Huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) có 11 xã, thị trấn giáp biên nước bạn Lào với đường biên giới dài 156 km, đi qua địa bàn nhiều bản làng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Hầu hết các bản dọc tuyến biên giới thuộc địa bàn huyện đã thực hiện mô hình kết nghĩa bản - bản.

Từ mô hình kết nghĩa bản - bản đầu tiên, đến nay trên toàn tuyến biên giới huyện Hướng Hóa có 24 cặp bản kết nghĩa, mang lại hiệu quả tích cực khi giải quyết những mâu thuẫn, khúc mắc trong đời sống hằng ngày giữa cư dân hai bên biên giới. Cũng thông qua hoạt động kết nghĩa, mối quan hệ tương thân, tương ái giữa cư dân hai bên biên giới được tăng cường. Khi người dân huyện Sa Muội của nước bạn Lào gặp thiên tai, chính quyền, người dân, lực lượng bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn huyện Hướng Hóa kịp thời giúp đỡ hàng tấn gạo, quần áo, chăn màn; khi bản Xi Ổi, huyện Noòng, tỉnh Sa-va-na-khẹt gặp hỏa hoạn, cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Tam Thanh cùng người dân xã Xy, huyện Hướng Hóa huy động hàng trăm nhân công sang làm nhà, gửi tấm lợp, giúp các gia đình gặp nạn dựng lại nhà.

Theo Thiếu tướng Lê Như Ðức, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng, hiệu quả các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc hay kết nghĩa bản - bản thời gian qua đã góp phần hiệu quả vào quá trình đổi mới và vận dụng phương thức lãnh đạo của Ðảng trong phát huy sức mạnh của nhân dân vào nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc.

Nguồn: nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc