Phòng, chống thiên tai, đừng ai lơ là
EmailPrintAa
14:56 09/09/2019

Mưa lũ vẫn đang diễn ra tại một số tỉnh Bắc Trung Bộ, gây thiệt hại nặng về người, tài sản, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; hàng trăm nhà trường chưa tổ chức được lễ khai giảng do bị ngập lụt. Trước đợt mưa lũ này không lâu, một số tỉnh, như: Thanh Hóa, Gia Lai, Đắc Lắc... cũng phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề từ mưa lũ.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm, nước ta phải đón khoảng 10 cơn bão, nhiều trận lũ quét, lũ ống do mưa lớn bất thường. Nằm trong đới khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm chịu ảnh hưởng của các khối khí chuyển động theo mùa, ngoài ra còn có những nét đặc thù về địa hình cũng như ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, nên việc phải “sống chung với lũ, bão, thiên tai” là điều khó tránh khỏi với nước ta. Chính vì vậy, với các sự cố bất thường của tự nhiên, chúng ta chỉ có biện pháp duy nhất là tích cực, quyết liệt trong phòng, chống với ý thức tự giác và chủ động.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 (Quân khu 2) tham gia giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải  (tỉnh Yên Bái). Ảnh: qdnd.vn

Trong công tác phòng, chống bão, lũ, khắc phục hậu quả thiên tai, Nhà nước ta luôn xác định, yếu tố “phòng” là chính và luôn được đặt lên hàng đầu. Thực tiễn cho thấy, nếu cơn bão nào chúng ta dự báo chính xác, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, thì thiệt hại sẽ giảm đi đáng kể. Ngược lại, nếu lơ là, thiếu sự chủ động ngay từ đầu, để đến khi bão, lũ xảy ra mới tìm cách chống đỡ, ứng phó, thì hậu quả thường rất nặng nề. Thế nên, để chủ động phòng, chống thiên tai (PCTT), chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải làm tốt công tác dự báo, giúp người dân có đủ thời gian để làm công tác chuẩn bị ứng phó. Trong PCTT, càng có thông tin sớm, chuẩn bị kỹ, thì thiệt hại sẽ giảm đi. Cùng với công tác dự báo, cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng phải tích cực đôn đốc người dân chấp hành tốt các quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng, đồng thời phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực thi đối với mọi người dân trong vùng ảnh hưởng của thiên tai. Thực tế đã có những thiệt hại lớn về người và tài sản xuất phát từ sự chủ quan, lơ là của người dân trước những cảnh báo về thiên tai. Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần phải hành động cương quyết, ngoài tuyên truyền, vận động, thuyết phục, phải sẵn sàng thực hiện các biện pháp cưỡng chế khi thấy cần thiết.

Tuy nhiên, để đạt được tính hiệu quả tối đa trong PCTT, thì sự chủ động, ý thức tự giác của người dân đóng vai trò quyết định. Ở xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) những ngày qua các ngôi nhà tránh lũ đã phát huy tác dụng. Đây là những ngôi nhà tự nổi, được người dân tự làm trên các thùng phuy, giá thành chỉ 20-25 triệu đồng/nhà, đã góp phần bảo đảm sự ổn định trong đời sống sinh hoạt cho người dân khi lũ đến. Đây cũng là ví dụ tiêu biểu cho ý thức tự giác và tính chủ động của người dân trong PCTT, rất cần được các địa phương tham khảo. Bởi chỉ khi người dân chủ động, tự chuẩn bị PCTT cho chính gia đình mình thì có nghĩa họ đã hiểu được sự nguy hiểm của thiên tai và khi ấy mọi quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng mới được chấp hành nghiêm chỉnh.

Thiên tai là điều không ai mong muốn, nhưng đó là sự vận động của tự nhiên nên chúng ta phải chấp nhận sống chung với nó. Vì vậy, làm cho mỗi người dân đều biết chủ động đề phòng và biết cách sống chung với thiên tai thì sẽ giảm được thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc