Phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống, chữa cháy rừng
EmailPrintAa
10:23 04/08/2016

Hà Tĩnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm trên 60% diện tích tự nhiên. Việc chủ động các phương án phòng, chống, chữa cháy rừng luôn được quan tâm, trong đó phương châm “4 tại chỗ” được xem là giải pháp hàng đầu.

 

 

          Hạt Kiểm lâm Cẩm Xuyên tổ chức dọn thực bì, phòng cháy rừng

 

Các vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh thường xảy ra ở những vùng đồi núi cao, cháy giữa trưa nắng, gió Lào thổi mạnh, việc tiếp cận với các đám cháy rất khó khăn. Thực tế cho thấy, khi xảy ra cháy rừng, sử dụng tốt phương châm 4 tại chỗ “Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ” thì việc chữa cháy rừng mới hiệu quả. Phương châm này phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người dân, của chủ rừng trong phòng, chống, chữa cháy rừng, bởi lực lượng này gần rừng nhất và thông thạo địa hình nhất.

Thời gian qua, một số địa phương thực hiện khá tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống, chữa cháy rừng, ví dụ như xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê. Xã có 3.600 ha rừng và đất rừng, diện tích rừng trồng lớn, số hộ dân sống dựa vào rừng nhiều. Để phòng, chống, chữa cháy rừng, tại Ủy ban nhân dân xã có một phòng riêng để cán bộ lâm nghiệp lưu giữ, bảo dưỡng, kiểm tra các phương tiện; các vật dụng cần thiết như: giày, áo bảo hộ, loa chỉ huy, loa cầm tay, đèn pin... được trang bị đầy đủ và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo khi phát sinh sự cố có thể dùng được ngay. Vì vậy, khi có đám cháy xảy ra đều kịp thời dập tắt, diện tích rừng bị thiệt hại không nhiều. Hiện nay, xã Phương Mỹ đang tiến hành thành lập quỹ phòng, chống cháy rừng với sự tham gia của tất cả hộ dân có rừng và sống dựa vào rừng.Đây là mô hình hay để các địa phương trong tỉnh tham khảo, học tập.

Tuy nhiên, việc triển khai phương châm “4 tại chỗ” chưa đồng đều ở các địa phương trong tỉnh. Ví dụ, ở xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn (khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Nghệ An) có diện tích rừng và đất rừng là 3.300 ha, việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn và chủ yếu là rừng thông nên rất dễ cháy. Xã Lộc Yên - địa phương có diện tích rừng lớn nhất huyện Hương Khê với 9.200 ha và luôn là địa bàn nóng của tình trạng cháy rừng vì đây là địa bàn có tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng, diện tích rừng trồng nhiều (2.400 ha), lại nằm ngay sát với khu vực nhà ở của người dân. Các phương án phòng, chống, chữa cháy rừng được cấp ủy, chính quyền các xã rất quan tâm nhưng do nhận thức của người dân về bảo vệ rừng còn hạn chế, kể cả các hộ dân nhận khoán, phần lớn hộ dân sống cạnh rừng lại không phải chủ rừng nên gặp nhiều khó khăn trong việc huy động lực lượng tại chỗ trong phòng, chống, chữa cháy. Các xã có rừng và đất rừng đều đã thành lập đội xung kích, số lượng từ 20 - 40 người. Tuy nhiên, vì đội xung kích cũng là lực lượng ở trong dân, không thường trực nên khi xảy ra cháy rừng, việc liên lạc, tập hợp lực lượng này thường chậm trễ.

Bên cạnh khó khăn trong việc huy động lực lượng còn có khó khăn trong  xây dựng phương án chữa cháy. Hầu hết các phương án của địa phương thiếu chặt chẽ, không sát với thực tế và chưa chỉ ra các tuyến đường lên rừng hợp lý để tiếp cận đám cháy. Công tác huấn luyện, diễn tập chưa được chú trọng nên việc xử lý khi xảy ra cháy rừng còn lúng túng.

Để công tác phòng, chống, chữa cháy rừng hiệu quả, ngoài việc tăng cường công tác phòng cháy, các địa phương, đơn vị cần quan tâm hơn đến vấn đề chủ động các nguồn lực chống cháy và chữa cháy để hạn chế tối đa thiệt hại về diện tích rừng.  

                                           Nguyễn Tâm (Đài PT&TH Hà Tĩnh)


    Ý kiến bạn đọc