Luật Phòng thủ dân sự quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự.
Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính
Luật Phòng thủ dân sự cũng xác định rõ nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự. Đó là: Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm "4 tại chỗ" kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân.
Đồng thời, kết hợp phòng thủ dân sự với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quốc hội thông qua dự thảo Luật Phòng thủ dân sự với tỷ lệ tán thành cao. Ảnh: Tuấn Huy
Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia
Đáng chú ý, Điều 34 của luật quy định rõ cơ quan chỉ đạo quốc gia, cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự. Theo đó, Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Thành viên Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia có trách nhiệm chủ trì tham mưu cho Ban chỉ đạo trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trong lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.
Điều 35 của luật cũng quy định lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi.
Trong đó, lực lượng nòng cốt bao gồm: Dân quân tự vệ, dân phòng; lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và của Bộ, ngành Trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương. Còn lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.
Trước đó, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu đề nghị xác định rõ phạm vi, mối quan hệ giữa lực lượng phòng thủ dân sự với các lực lượng phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các lĩnh vực khác để Chính phủ có cơ sở quy định cụ thể, tránh vướng mắc có thể xảy ra khi áp dụng.
Tại phiên họp, làm rõ thêm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực như: Phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh. Do vậy, lực lượng tham gia các hoạt động này đều là lực lượng phòng thủ dân sự.
Mặt khác, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30-8-2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo đã xác định: “Hoạt động phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, dân là gốc. Lực lượng nòng cốt là: Dân quân tự vệ, dân phòng; công an xã, phường, thị trấn; lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các bộ, ngành, địa phương. Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia”.
"Việc huy động, sử dụng các lực lượng để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh nói riêng và trong hoạt động phòng thủ dân sự nói chung phải căn cứ tình hình thực tế và theo thẩm quyền được pháp luật quy định. Vì vậy, quy định như dự thảo luật đã bảo đảm cụ thể và khả thi", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nói.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.
Việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự là cần thiết
Đáng chú ý, về Quỹ phòng thủ dân sự (Điều 40), trên cơ sở ý kiến thảo luận và kết quả xin ý kiến nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, đại đa số đại biểu Quốc hội đều đồng tình với việc có Quỹ phòng thủ dân sự (cả phương án 1 và phương án 2 đều xác định có quỹ), do đó việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự là cần thiết.
Trên cơ sở kết quả xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu, quy định nội dung của phương án 1 như thể hiện tại Điều 40; đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến các cơ quan hữu quan tại Phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định về nguyên tắc việc điều tiết giữa Quỹ phòng thủ dân sự và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa được thực hiện trong trường hợp cấp bách và giao Chính phủ quy định việc điều tiết giữa các quỹ này như dự thảo luật.
Nguồn: THẢO NGUYÊN/qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho đại hội Đảng các cấp ( 15/01)
- Quản lý thống nhất, xử lý nghiêm minh, chủ động phòng ngừa vi phạm IUU ( 15/01)
- Đảng ủy Quân khu 4 ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025 ( 08/01)
- Quán triệt quan điểm của Đảng: Chủ động bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng từ sớm, từ xa ( 04/01)
- Góc nhìn giáo dục: Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh ( 31/12)
- Thủ tướng chỉ đạo giải pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết ( 24/12)