Thời gian qua, Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở tỉnh ta đã tập hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự ở từng thôn, xóm, tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị; tạo thế chủ động trong phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật. Từ nguồn tin tố giác tội phạm do nhân dân cung cấp, cơ quan Công an có cơ sở triển khai các biện pháp nghiệp vụ, lập các chuyên án đấu tranh, phá án. Trong một số trường hợp, nhân dân còn trực tiếp bắt, giao cho công an các đối tượng phạm tội... Nhiều mô hình tự quản phòng, chống tội phạm như: "Tổ liên gia tự quản về an ninh trật tự", "Tiếng kẻng Công an”, “Hội Cựu chiến binh đảm bảo an ninh trật tự", “Dòng họ an toàn”, “Khu dân cư không có tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội”, “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”… hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức, tinh thần cảnh giác, trách nhiệm của người dân phòng, chống tội phạm và các hành vi, vi phạm pháp luật.
Theo thống kê của Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, nhân dân đã cung cấp hàng nghìn thông tin liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật, giúp cơ quan Công an điều tra khám phá 220 vụ, 278 đối tượng phạm pháp hình sự, làm rõ 8/9 vụ trọng án; triệt phá 36 ổ nhóm, 103 đối tượng chuyên trộm cắp, cướp, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng…; thu hồi tài sản tổng giá trị trên 02 tỷ đồng; cơ quan Công an đã triệu tập gọi hỏi, răn đe, giáo dục hàng ngàn trường hợp; giải quyết trên 700 vụ hình sự nhỏ; lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn 89 đối tượng theo quy định của pháp luật...
Việc tổ chức Ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên từng địa bàn dân cư là một hình thức nâng cao ý thức của nhân dân và phát huy hơn nữa sức mạnh toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc, ngành Công an và các tổ chức liên quan để mọi người nhận thức rõ “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” không chỉ là trách nhiệm của mỗi người dân mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi người và cộng đồng. Ngoài việc giữ gìn không để tội phạm, tệ nạn xã hội xảy ra trên địa bàn, cần vận động các gia đình cam kết không để con em, người thân vi phạm pháp luật hoặc tệ nạn xã hội ở các địa bàn khác. Trong Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, mỗi một người dân cần được hướng dẫn chủ động bảo vệ lợi ích của chính mình đến việc bảo vệ lợi ích của cộng đồng; từ bảo vệ lợi ích của bản thân, gia đình đến bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tố giác, đấu tranh các hoạt động của bọn tội phạm góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Lê Đình Thọ
Tin mới cập nhật
- Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường ( 21/11)
- Chấp hành luật giao thông phải trở thành nhu cầu tự thân, hành vi tự giác ( 19/11)
- Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trong phòng chống ma túy ( 08/11)
- Bảo vệ người dân trước thực trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng ( 23/10)
- Đấu tranh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ( 16/10)
- Tập trung '3 tăng cường' trong hợp tác Việt – Lào phòng chống ma tuý và tội phạm ( 15/10)