Tội phạm kinh tế ngày càng tinh vi; gia tăng tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch
EmailPrintAa
20:50 15/09/2022

Đó là nhận định trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 15-9.

Tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp

Trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 cho thấy: Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều cơ bản được khẩn trương điều tra làm rõ; công tác phát hiện, điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng có bước tiến mới, trong đó phát hiện, xử lý một số vụ án trong lĩnh vực có chuyên môn sâu như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp..., góp phần cảnh tỉnh, răn đe tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn

Tuy vậy, liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, qua điều tra, đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (giảm 38,61%) và 396 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng 33,33%).

“Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp”, báo cáo nhấn mạnh.

Trong đó, nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu; dùng “quân xanh, quân đỏ” để thao túng giá trúng thầu hay mua bán “lòng vòng” để nâng giá nhiều lần.

Đồng thời là tội phạm, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại ngày càng lớn như quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công, cổ phần hóa, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng...

Cùng với đó, tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng gia tăng, nhất là các loại vật tư, trang thiết bị y tế và các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch; trục lợi trong tổ chức tiêm vắc xin, xét nghiệm Covid-19; lợi dụng việc đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước để trục lợi...

Đặc biệt, trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, tuy đã tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy song tình hình cháy nổ trên toàn quốc vẫn diễn biến đặc biệt phức tạp; số vụ cháy tuy giảm 23,6% song vẫn còn xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Một số vụ án tham nhũng có quy mô lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Đại diện cơ quan thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, về tổng thể, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm gia tăng: Giết người tăng 7,43%; cho vay lãi nặng tăng 36,24%; một số loại tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng như các tội phạm về ma túy, cướp, cướp giật; tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng 33,33%.

“Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid 19, đã xảy ra một số vụ án tham nhũng có quy mô, phạm vi lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương, có sự tham gia của một số cán bộ cấp cao lợi dụng chính sách của Nhà nước làm trái quy định để vụ lợi”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga lưu ý thêm.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn

Đặc biệt, tội phạm trên không gian mạng, tội phạm về chứng khoán thị trường, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, nhiều hành vi vi phạm được thực hiện trong một thời gian dài mới phát hiện, xử lý...

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đó là, chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm có tổ chức liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp, tội phạm chống người thi hành công vụ, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm xâm phạm trẻ em, mua bán người, giết người, cướp giật, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán người, ma túy...

Đồng thời, triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, sử dụng công nghệ cao.

Cùng với đó là xây dựng, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm ngay từ cơ sở; kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, khen thưởng gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Nguồn: THẢO PHƯƠNG/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/toi-pham-kinh-te-ngay-cang-tinh-vi-gia-tang-toi-pham-lien-quan-den-cong-tac-phong-chong-dich-705484 )


    Ý kiến bạn đọc