Tổng kết công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
EmailPrintAa
15:43 03/01/2020

Chiều ngày 02/01/2020, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Chủ trì điểm cầu Trung ương có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Đồng chí Đặng Quốc Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh; tham dự hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo 138, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Tổ giúp việc, cùng đại diện lãnh đạo ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã.

Các đồng chí chủ trì điểm cầu Trung ương (nguồn ảnh: Quang Hiếu/VGP)

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo 138/CP, năm 2019 cả nước xảy ra 49.766 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, giảm 7,39% so với năm 2018. Hoạt động của tội phạm hình sự có sự đan xen với tội phạm kinh tế, ma túy ngày càng manh động, một số vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm giết người gia tăng, có nhiều vụ giết người với hảnh vi gây án dã man, tàn bạo; tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra nhiều, gây bức xúc. Toàn quốc xảy ra 192 vụ, liên quan đến 256 đối tượng mua bán người, lừa bán 309 nạn nhân (so với năm 2018 giảm 09 vụ, 7,2% số đối tượng, 19,9% số nạn nhân). Tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu diễn biến với thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng thiết bị công nghệ cao để phạm tội. Hoạt động lợi dụng việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, thực hiện các dự án liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, xây dựng cơ bản, đất đai để chiếm đoạt tài sản nhà nước và cá nhân còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Tình trạng sử dụng mạng viễn thông internet để lừa đảo, đánh bạc, tổ chức đánh bạc với quy mô lớn xảy ra tại nhiều địa phương với số tiền lớn gây hậu quả nghiêm trọng, xu hướng gia tăng. Hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia tăng mạnh, các đường dây ma túy lớn từ nước ngoài vào Việt Nam và đi sang các nước xuất hiện nhiều, quy mô lớn, tính chất phức tạp, số người nghiện tiếp tục gia tăng.

Năm 2019, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan đã điều tra, khám phá 40.744 vụ phạm pháp hình sự; triệt phá 2.245 băng nhóm tội phạm; vận động 5.549 đối tượng truy nã ra đầu thú; phát hiện và xử lý 14.356 vụ tội phạm về kinh tế, 1.710 vụ buôn lậu, 298 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ; 118 vụ, 126 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông, tin học; 25.346 vụ vi phạm pháp luật về môi trường (tăng 10,52% so với năm 2018) với 26.471 tố chức, cá nhân vi phạm; 22.814 vụ, bắt 35.151 đối tượng tội phạm ma túy, thu giữ 1.494 29 kg heroin, 5.500,55 kg và 987.913 viên ma túy tổng hợp.

Về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 196.830 vụ vi phạm (giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp ngân sách 20.118 tỷ 258 triệu đồng, khởi tố 1.883 vụ, 2.231 đối tượng.

Tại Hà Tĩnh, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, trong năm 2019, đã xảy ra 451 vụ xâm phạm trật tự an toàn xã hội, làm chết 09 người, bị thương 107 người, thiệt hại tài sản gần 28 tỷ đồng. Tội phạm xâm phạm trật tự xã hội giảm so với cùng kỳ năm 2018 (giảm 48 vụ, bằng 9,6%). Tệ nạn ma túy trên địa bàn Hà Tĩnh diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ, số đối tượng và lượng ma túy thu giữ so với cùng kỳ năm 2018. Đã phát hiện, bắt giữ 121 vụ, 178 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy (tăng 20 vụ, 52 đối tượng so với cùng kỳ năm 2018) . Toàn tỉnh phát hiện 268 vụ, 05 tổ chức, 292 đối tượng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (tăng 37 vụ, bằng 16,1% so với năm 2018); 543 vụ, 18 tổ chức, 612 đối tượng vi phạm phát luật về mối trường (tăng 07 vụ, bằng 1,27% so với năm 2018). Năm 2019, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn không phát sinh các điểm nóng; lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 4.090 vụ vi phạm (giảm 18% so với cùng kỳ năm 2018), giá trị hàng hóa vi phạm 9,3 tỷ đồng.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương và các tỉnh, thành phố đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và chống gian lận thương mại trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương những kết quả đạt được của các ngành, địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm và chống buôn lậu, gian lận thương mại thời gian qua; ghi nhận nỗ lực của lực lượng chuyên trách từ Trung ương đến địa phương, góp phần làm giảm tội phạm, mang lại sự bình yên cho xã hội. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, kết quả chưa đáp ứng mong muốn của Chính phủ. Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp với các thủ đoạn tinh vi; tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm đe dọa sức khỏe cộng đồng, an ninh trật tự vẫn diễn ra. Nguyên nhân chủ quan trước hết thuộc về trách nhiệm người đứng đầu địa phương, các ngành chức năng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; thực hiện nghiêm chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tăng cường kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tội phạm tham nhũng; làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm. Hai cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, không để người dân bức xúc. Ngành Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, không để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, tham nhũng xảy ra. Làm tốt công tác phòng ngừa, tiếp thu, xử lý tin báo; ngăn chặn các tội phạm buôn lậu, tín dụng đen, sản xuất hàng lậu, hàng nhái. Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, gặp gỡ, đối thoại để nắm tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người dân. Hoàn thiện thể chế trong phòng chống tội phạm; tăng cường công tác kết nối thông tin với các tổ chức quốc tế để phòng chống các vụ việc về buôn bán ma túy từ xa. Thường xuyên theo dõi, báo cáo tình hình về Tổ công tác chỉ đạo. Bộ Công Thương phối hợp tốt với các ngành để quản lý tốt, phòng ngừa từ bên ngoài và bên trong; Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng ngăn chặn tình trạng buôn lậu tại biên giới phía Bắc và Tây Nam bộ; chỉ đạo Cảnh sát biển ngăn chặn buôn lậu xăng dầu, thuốc lá… trên biển. Ngăn chặn tình trạng thông đồng, bảo kê cho các đối tượng buôn lậu. Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Các đại biểu về dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh (nguồn ảnh: Báo Hà Tĩnh )

Phát biểu tại đầu cầu Hà Tĩnh, đồng chí Đặng Quốc Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã quán triệt sâu sắc, nghiêm túc thực hiện các yêu cầu Thủ tướng đã nêu tại hội nghị. Trước mắt, tập trung triển khai các đợt cao điểm về trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng hóa kém chất lượng, đảm bảo cho Tết Nguyên đán sắp tới an toàn, lành mạnh.

Dương Trí Thức


    Ý kiến bạn đọc