Tuyển quân “Từ sớm, từ xa”
EmailPrintAa
21:29 16/03/2021

Năm 2021, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ (gọi tắt là công tác tuyển quân) được các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện đến nay cơ bản đạt kết quả tốt (trừ tỉnh Hải Dương phải lùi thời điểm giao, nhận quân do dịch Covid-19).

Tuy nhiên, hội nghị rút kinh nghiệm nhiều địa phương, đơn vị cũng chỉ ra một số hạn chế “cố hữu" như: Công tác đăng ký, quản lý nguồn công dân trong độ tuổi nhập ngũ vẫn là khâu yếu; việc lập hồ sơ nghĩa vụ quân sự (NVQS) có nơi còn sơ sài; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương (ở cấp huyện, xã) chưa chặt chẽ; nhận thức trách nhiệm về thực hiện NVQS của không ít công dân trong độ tuổi nhập ngũ chưa cao...

Tại sao những điểm yếu này vẫn tồn tại trong nhiều năm? Nhiều ý kiến lý giải, lâu nay, công tác tuyển quân thường được triển khai dồn dập vào cuối quý IV năm trước, đầu quý I năm sau, rồi lại “bỏ quên” trong thời gian đệm khá dài. Cách làm này dẫn đến thanh niên và gia đình không được thường xuyên tiếp nhận thông tin về NVQS, không chủ động chuẩn bị tâm thế, thậm chí nhiều thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS còn đi làm xa, đến khi nhận giấy báo khám tuyển NVQS thì ngại về, tìm cách trốn tránh vì đang dở việc... gây khó khăn cho công tác tuyển quân.

Thanh niên tự tin lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ảnh: Cường Khoa

Mọi công việc muốn thành công trước hết phải làm tốt công tác chuẩn bị. Bài học về sự chủ động chuẩn bị “từ sớm, từ xa” càng có giá trị trong công tác tuyển quân, bởi đây là nhiệm vụ rất quan trọng đã được luật định. Do đó, phải thường xuyên tiến hành công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật NVQS và các văn bản pháp luật liên quan bằng nhiều hình thức sinh động để nhân dân thấm, ngấm; không nên chỉ gói gọn vài tháng trong “mùa tuyển quân”. Đặc biệt, cần chủ động thông báo ngay từ đầu năm các trường hợp thuộc diện gọi khám tuyển NVQS, sẵn sàng nhập ngũ để công dân và gia đình chủ động chuẩn bị.

Cùng với đó, công tác đăng ký, quản lý nguồn công dân trong độ tuổi nhập ngũ phải được rà soát, bổ sung thường xuyên. Mọi biến động về lực lượng, di chuyển công tác, lao động, học tập của thanh niên phải được cập nhật. Đây là cơ sở để cơ quan chức năng bổ sung thông tin kịp thời, đầy đủ hồ sơ NVQS đối với công dân chuẩn bị nhập ngũ; bổ sung vào nguồn để quản lý; dự kiến nguồn kế cận, kế tiếp; đưa ra khỏi nguồn những trường hợp không còn nằm trong quy định. Làm được điều này cần sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan chức năng, đoàn thể ở địa phương. Tuyệt đối tránh việc “nước đến chân mới nhảy”, khi đến “mùa tuyển quân” mới lo tạo nguồn hoặc tìm cách lo đủ số lượng mà không quan tâm đến chất lượng, dẫn đến việc phải bù đổi sau phúc tra.

Mặt khác, để nâng cao chất lượng tuyển quân thì hoạt động quản lý, huấn luyện, bảo đảm chất lượng đời sống bộ đội khi chiến sĩ mới về đơn vị cần được tuyên truyền kịp thời, sinh động ra toàn xã hội. Nhiều nơi đã tổ chức các đoàn công tác gồm cán bộ địa phương, thân nhân quân nhân đến thăm đơn vị (trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát). Những điều được “thực mục sở thị” ấy sẽ lan tỏa để nhân dân thêm yên tâm gửi gắm con em mình trong môi trường văn hóa, kỷ luật, chính quy của quân đội. Bên cạnh đó, các trường hợp đủ điều kiện về chính trị, sức khỏe, học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà quân đội tuyển dụng cũng cần được tuyên truyền rộng rãi. Đây sẽ là “lực hút” để ngày càng có thêm nhiều thanh niên xung phong nhập ngũ...

Công tác tuyển quân năm 2021 cơ bản đã hoàn thành, nhưng ngay từ bây giờ, những bài học kinh nghiệm cần được đúc rút, những hạn chế, thiếu sót cần được nghiêm túc khắc phục để chủ động triển khai công tác tuyển quân “từ sớm, từ xa”. Làm được như vậy, chắc chắn công tác tuyển quân những năm tới sẽ ngày càng tốt hơn.

Nguồn: Tiến Đạt/qdnd.vn

(https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tuyen-quan-tu-som-tu-xa-654238)


    Ý kiến bạn đọc