Xây dựng khu vực phòng thủ phải chuyển động cả tư duy và hành động
EmailPrintAa
15:00 25/08/2017

Xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc là một chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước ta, nhằm góp phần nâng cao khả năng phòng thủ của đất nước trong mọi tình huống, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH).

Sau 9 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) đã thu được những kết quả quan trọng về xây dựng KVPT. Mới đây, theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương KVPT, hiệu quả từ công tác này mang lại là đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho đất nước phát triển KT-XH; thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên từng địa bàn ngày càng được củng cố vững mạnh, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

 
Ảnh minh họa.  

Đạt được kết quả trên là do các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương luôn chú trọng thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức chính trị, giữ vững niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lực lượng quân đội, công an luôn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác vận động quần chúng, tham gia phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là ở khu vực biên giới, biển, đảo, vùng còn nhiều khó khăn. Các địa phương luôn chú ý đầu tư phát triển các ngành nghề, các cơ sở công nghiệp lưỡng dụng; vừa sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu dân sinh, vừa sẵn sàng chuyển sang sản xuất các mặt hàng phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP) khi có tình huống. Nhiều địa phương đã quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển KT-XH trên địa bàn; triển khai nhiều dự án kinh tế kết hợp với quốc phòng đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, hoạt động KVPT vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, như: Việc kết hợp giữa phát triển KT-XH với quốc phòng, an ninh ở một số địa phương chưa đạt yêu cầu đề ra, nhất là trong khâu quy hoạch, kế hoạch và thực hiện các dự án cụ thể. Chất lượng xây dựng KVPT, các mặt bảo đảm cho động viên quốc phòng, động viên chiến tranh và dự trữ vật chất cho hoạt động của KVPT còn nhiều hạn chế... Nhận thức về xây dựng, duy trì hoạt động KVPT của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa thấu đáo. Vai trò, trách nhiệm của người chủ trì, đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác xây dựng, hoạt động KVPT chưa được phát huy, thậm chí có nơi, có chỗ còn coi công tác này là nhiệm vụ của cơ quan quân sự.  

Để tạo nên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhiệm vụ xây dựng KVPT tỉnh, thành phố trước hết đòi hỏi phải có sự thống nhất từ nhận thức đến hành động trong mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Do đó, lãnh đạo, chính quyền các cấp và người dân cần nhận thức đầy đủ về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có kiến thức cơ bản về công tác QS, QP, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ kết hợp chặt chẽ giữa điều hành phát triển KT-XH và củng cố quốc phòng, an ninh phù hợp với yêu cầu thực tế trong từng thời kỳ; đồng thời phát huy tốt vai trò của cả hệ thống chính trị. Xây dựng KVPT cần phải có sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ, thiết thực, tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”... Giải quyết được những vấn đề đó sẽ góp phần xây dựng tiềm lực và thế trận KVPT của cả nước ngày càng vững chắc. Đó cũng là thực hiện quan điểm "giữ nước từ xa" như Đảng ta đã xác định qua các kỳ đại hội. 

Theo qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc