Xây dựng phẩm chất, đạo đức cho cán bộ là vấn đề quan trọng hàng đầu để phòng ngừa tham nhũng
EmailPrintAa
17:09 13/11/2018

Tiếp tục chương trình làm việc sáng 13-11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Phát biểu thảo luận báo cáo về phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) đánh giá năm 2018 là năm gặt hái được nhiều kết quả nhất từ trước tới giờ trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo đại biểu, chúng ta không thể đề ra chỉ tiêu trong năm tới sẽ phòng được bao nhiêu, chống được bao nhiêu.

Nhấn mạnh việc chúng ta đề ra nhiều luật, sửa đổi các luật để phòng, chống tham nhũng, nhưng theo đại biểu, tham nhũng là từ con người, nhất là người có chức, có quyền.

“Không phải ai có chức, có quyền cũng tham nhũng. Vậy nên, chức quyền, dù to hay nhỏ, cao hay thấp, chỉ là điều kiện; lương tâm, phẩm chất, đạo đức con người mới là điều quyết định. Do đó, muốn phòng ngừa tham nhũng thì xây dựng phẩm chất, đạo đức cho người cán bộ là quan trọng hàng đầu, còn làm nhiều luật cũng chỉ là để ngăn chặn hành động tham nhũng”, đại biểu Nguyễn Minh Sơn phân tích.

Dẫn chứng việc nhiều nước tiên tiến có lịch sử phát triển hàng trăm năm song vẫn có kẽ hở, đại biểu nhấn mạnh cần tập trung xây dựng đạo đức, phẩm chất con người đi đôi với tăng nặng hình phạt đối với hành vi tham nhũng; còn người biết luật, người thi hành nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng mà vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng thì tội cần được xử lý nặng hơn.

Toàn cảnh phiên họp sáng 13-11. Ảnh: quochoi.vn.

Đặc biệt quan tâm đến nạn tham nhũng “vặt”, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ tình hình tham nhũng “vặt” và kết quả thực hiện việc phòng, chống tham nhũng “vặt” như thế nào, có hiệu quả hay không; đề nghị báo cáo của Chính phủ cần nói rõ và đánh giá về nội dung này.

Theo đại biểu, thời gian qua, việc xử lý tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên thực tế còn nhiều bất cập. Tham nhũng “vặt” vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình như y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, thuế, hải quan, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, trong đề bạt, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức... Mặc dù vậy, người dân vẫn chưa dám đấu tranh, phê phán, tố cáo vì ngại “đụng chạm”, sợ bị gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình. Ở một số ngành, địa phương, cá nhân, doanh nghiệp vẫn phải dùng những khoản chi phí “bôi trơn” khi làm các thủ tục hành chính; người dân phải chờ đợi rất lâu vì những thủ tục rườm rà, nhiêu khê...

“Việc tham nhũng của một số cán bộ, nhân viên như vậy tại các cơ quan nhà nước nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cần phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân, để lấy lại niềm tin cho người dân. Đề nghị Chính phủ nhanh chóng đề ra các giải pháp quyết liệt để kịp thời ngăn chặn tình trạng nêu trên”, đại biểu kiến nghị.

Đánh giá hoạt động của các cơ quan tư pháp đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều mặt, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, an toàn trật tự xã hội trong thời gian qua, song đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương lại nêu “hai tâm trạng khác nhau của người dân từ hai con số”. Đó là, số liệu về phát hiện và xử lý vi phạm tham nhũng tăng 30,35% so với năm 2017, khiến người dân phấn khởi tin tưởng. Trong khi đó, tỷ lệ phạm tội trong độ tuổi thanh thiếu niên cũng tăng 30,09% số vụ và 32,58% số đối tượng; tội hiếp dâm trẻ em tăng 2,47%, khiến người dân lo lắng, bức xúc....

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học, cách đây vài năm, tình hình tham nhũng được đánh giá còn nghiêm trọng, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Nhận thức thực trạng trên, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể là ai dù đương chức hay nghỉ hưu, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, không cầu toàn, không chờ đợi, sau đó điều tra xử lý tiếp; phối kết hợp chặt chẽ các khâu từ thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...

Tuy mới là kết quả bước đầu và còn nhiều việc phải làm nhưng với tinh thần nói đi đôi với làm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã thành xu thế tất yếu. Báo cáo của Chính phủ nhận định tham nhũng đang được kiềm chế, từng bước đẩy lùi và chiều hướng thuyên giảm. “Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã nêu câu hỏi, băn khoăn lo lắng của cử tri là: Với tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng cao như hiện nay thì thời gian tới có được duy trì? Sau đó, các đồng chí trong Ban chỉ đạo đều khẳng định tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian tới rất rực lửa và tinh thần này sẽ còn tiếp tục duy trì. Khi người dân phấn khởi, tin tưởng thì công tác phòng, chống tham nhũng sẽ lan tỏa sâu rộng", đại biểu Nguyễn Thái Học khẳng định.

Về số liệu tội phạm ở tuổi thanh thiếu niên, hiếp dâm trẻ em khiến người dân lo lắng, đại biểu Nguyễn Thái Học nhấn mạnh nguyên nhân do thanh thiếu niên được xem là rường cột của nước nhà nên số lượng tội phạm ở độ tuổi này tăng trên 30% là điều đáng quan ngại. Đáng lưu ý là trong tổng số đối tượng phạm tội ở lứa tuổi thanh thiếu niên thì 67% ở tuổi 16-18, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân chiếm 21,3%, còn từ người quen, hàng xóm là trên 60%...“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng cần nhìn thẳng vào thực tế là một số cấp ủy chính quyền, cơ quan ban ngành có quan tâm nhưng chưa quyết tâm, quyết liệt. Cơ quan chức năng có làm, có hành động nhưng chưa đồng bộ, chưa thành phong trào, xu thế. Còn nhiều người, tổ chức bàng quan, thờ ơ, đứng ngoài, thiếu trách nhiệm với tình hình tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên”, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh và đề nghị Nghị quyết của Quốc hội cần nhấn mạnh cần đẩy mạnh việc đấu tranh ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, ngăn chặn tội hiếp dâm trẻ em, để tuổi trẻ được phát triển lành mạnh, để trẻ em vô tư, trong sáng trong quá trình phát triển...

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc