Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng TAND xứng đáng trở thành “Thành trì bảo vệ công lý” - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021 vào sáng nay, 21/12, tại trụ sở Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC).
Tham luận về thực tiễn giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế lớn tại TAND hai cấp TP. Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP. Hà Nội cho biết, từ năm 2013 đến nay, Tòa án đã giải quyết hơn 60 vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, theo dõi. Chỉ ra một số điểm nổi bật, mang tính đặc thù qua một số vụ án được xét xử, ông Chính lấy ví dụ, với vụ án Hà Văn Thắm, phán quyết của tòa thể hiện sự mạnh mẽ, nghiêm khắc với kẻ chủ mưu, cầm đầu nhưng khoan hồng với bị cáo khai báo thành khẩn, ăn năn, hối cải, giữ vai trò thứ yếu. Thông qua kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, hội đồng xét xử đã chủ động kiến nghị xem xét 8 nội dung về quản lý Nhà nước về kinh tế.
Về vụ án Mobiphone mua AVG, qua tranh tụng tại tòa, các bị cáo đã động viên gia đình khắc phục tài sản chênh hưởng, với số tiền trên 6 triệu USD. Đây được xem là vụ án tham nhũng đầu tiên thu hồi được toàn bộ số tiền Nhà nước bị thiệt hại, số tiền chênh hưởng của các bị cáo với giá trị trên 6.600 tỷ đồng. Đây là một phiên tòa điển hình về nghệ thuật điều hành phiên tòa của hội đồng xét xử, đã làm thay đổi diễn biến tâm lý của các bị cáo, từ chối tội sang thừa nhận hành vi phạm tội và tự nguyện khắc phục hậu quả.
Từ điểm cầu thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, trao đổi kinh nghiệm trong công tác xét xử, Chánh án Tòa án thị xã, nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc xây dựng đội ngũ thẩm phán, thư ký tòa án, vì “cán bộ tốt thì công việc mới xong”. Các ý kiến tại hội nghị nêu một số kiến nghị về nhu cầu nhân lực, cơ sở vật chất và chế độ, chính sách để tạo điều kiện cần thiết cho các tòa án thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng bày tỏ vui mừng tham dự sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đánh giá kết quả công tác của tòa án năm 2020, triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2021, mà còn nhìn lại, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ của hệ thống tòa án trong cả nhiệm kỳ 2016-2020, xây dựng, triển khai kế hoạch nhiệm kỳ 2021-2026.
Hội nghị có quy mô lớn với 10.000 người dự, trong đó có 6.000 thẩm phán các cấp tại gần 800 điểm cầu trực tuyến.
Thông tin một số nét chính về tình hình kinh tế-xã hội thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, những thành tựu này có sự đóng góp quan trọng của tòa án.
Số lượng các vi phạm, tội phạm, tranh chấp, khiếu kiện ngày càng tăng tỉ lệ thuận với quy mô dân số và nền kinh tế, đặc biệt, số lượng các vụ việc phải thụ lý, giải quyết tăng mạnh (mỗi năm tăng trung bình khoảng 10%) song tòa án các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung mọi nguồn lực để cố gắng giải quyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với kết quả là trong nhiệm kỳ 2016-2020, tỉ lệ giải quyết án đạt cao (trên 97%) vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, (so với nhiệm kỳ trước, số vụ việc đã thụ lý tăng 35%, đã giải quyết tăng 33%).
Trong nhiệm kỳ, các tòa án đã giải quyết, xét xử trên 1.100 vụ với 2.600 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, đạt tỉ lệ 98%, đã thu hồi hàng nghìn tỉ đồng, nhiều nhà cửa, đất đai và các tài sản khác.
Thủ tướng cho biết, trong nhiệm kỳ, Nhà nước đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 78 trụ sở tòa án mới khang trang, hiện đại, với tổng kinh phí đầu tư gần 5.400 tỷ đồng. Đến nay, cơ bản các toà án đã có trụ sở làm việc đáp ứng yêu cầu xét xử.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nổi lên là tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mặc dù đã có nhiều tiến bộ và năm sau đạt tỉ lệ cao hơn năm trước nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Thời gian giải quyết nhiều vụ án kinh doanh, thương mại, yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp còn kéo dài, chất lượng giải quyết chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Những hạn chế này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, ảnh hưởng tới vị trí xếp hạng của Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải tiếp tục cải cách, đổi mới để nền tư pháp Việt Nam phát triển hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới. Đây là thử thách lớn đối với hệ thống tòa án, các đồng chí phải xác định cải cách tư pháp chính là động lực phát triển để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tòa án”.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Mỗi bản án phải là những án văn mẫu mực
Hoạt động của tòa án phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Qua đó, đem lại lẽ phải, sự công bằng cho xã hội, tạo được niềm tin của người dân vào công lý, vào nền tư pháp. Trong đó, mỗi bản án phải là những án văn mẫu mực thể hiện tập trung, rõ nét nhất quyền tư pháp của tòa án. Mỗi bản án phải là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân và của cả xã hội, qua đó khuất phục tội phạm, thuyết phục người dân và xã hội đồng thuận, tuân thủ. Để làm được điều này, hoạt động tòa án phải thượng tôn pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, tăng cường tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra phán quyết.
Bảo đảm quyền con người, quyền công dân, oan, sai mới được loại trừ, vi phạm mới được khắc phục và tòa án mới thực sự giữ vị trí là trung tâm của hệ thống tư pháp.
Trong công tác giải quyết các vụ án hình sự, phải bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Kiên quyết khắc phục cả hai xu hướng “hình sự hóa” các quan hệ, tranh chấp dân sự, kinh tế và xu hướng “dân sự hóa” các hành vi vi phạm pháp luật hành chính, hành vi phạm tội hình sự.
Trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, cần có giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử, nhất là các vụ án kinh doanh, thương mại, các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, bảo đảm không để án quá hạn theo quy định của pháp luật. Phấn đấu cải thiện, nâng hạng chỉ số giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Việt Nam xếp hạng dưới 100 theo chuẩn quốc tế.
Thủ tướng và các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Cổng dịch vụ công TAND trên Cổng dịch vụ công quốc gia - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Kiên quyết khắc phục bản án sai sót
Tòa án cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi, chính xác của các phán quyết. Khi phát hiện các bản án sai sót phải kiên quyết khắc phục, nhận khuyết điểm, sửa chữa. Qua công tác xét xử, tòa án cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay khiếm khuyết của pháp luật để chủ động tham mưu cho Ðảng, Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục, phòng ngừa.
Cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống tòa án phải quán triệt công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống tham nhũng tại tòa án theo đúng yêu cầu của Đảng là “phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng thông qua việc chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng cho Nhà nước ngay từ giai đoạn xét xử và thi hành án.
Bản án xét xử tội phạm tham nhũng phải góp phần kiềm chế, ngăn chặn tham nhũng, xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, qua đó, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Xứng đáng trở thành “Thành trì bảo vệ công lý”
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tòa án theo hướng khoa học, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thực tế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng với vị trí là trung tâm của hoạt động tư pháp. Phấn đấu xây dựng TAND xứng đáng trở thành “Thành trì bảo vệ công lý” đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và sự mong đợi của nhân dân.
Trong bối cảnh hệ thống pháp luật đặt ra yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi mỗi thẩm phán, mỗi cán bộ tòa án phải giữ vững cho mình bản lĩnh và phẩm chất của người cầm cân nảy mực, bảo vệ công lý. Phải chăm lo xây dựng được đội ngũ thẩm phán “thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật và mẫu mực về đạo đức”. Thẩm phán phải là “người chiến sĩ kiên trung trên mặt trận bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật”.
Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những yếu kém trong công tác xét xử để khắc phục; kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống để xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới xây dựng tòa án điện tử trong thời gian tới.
Thủ tướng cho rằng, việc xây dựng hệ thống tòa án trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao không chỉ là trách nhiệm của tòa án mà còn là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, “mong tất cả các đồng chí, những "Chiến sĩ bảo vệ công lý", luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ”.
Nguồn: Đức Tuân/chinhphu.vn
Tin mới cập nhật
- Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường ( 21/11)
- Chấp hành luật giao thông phải trở thành nhu cầu tự thân, hành vi tự giác ( 19/11)
- Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trong phòng chống ma túy ( 08/11)
- Bảo vệ người dân trước thực trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng ( 23/10)
- Đấu tranh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ( 16/10)
- Tập trung '3 tăng cường' trong hợp tác Việt – Lào phòng chống ma tuý và tội phạm ( 15/10)