Xử phạt nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn
EmailPrintAa
15:04 08/01/2020

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, theo đó cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Với việc Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào đời sống được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tác hại do rượu bia gây ra.

Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ có 13 hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó, bất kể người điều khiển giao thông đường bộ (ô tô, máy kéo, xe máy điện, xe mô tô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo...) đã uống rượu, bia đều không được phép lưu thông trên đường. Đặc biệt, luật còn điều chỉnh nhiều hành vi khác khi đã uống rượu, bia. Những trường hợp vi phạm nếu bị lực lượng chức năng phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong những ngày đầu thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai… (Hà Nội) không đông khách như trước đây.

Tổ tuần tra kiểm soát giao thông (Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn tại nút giao thông Hàng Cót-Phan Đình Phùng (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: VĂN HUẾ.

Tại ​một số nhà hàng bán rượu, bia, sau khi khách ra về, chủ nhà hàng đều đưa ra những lời khuyên và hướng dẫn khách nếu có phương tiện thì nên gửi lại và sử dụng taxi, tránh vi phạm luật và bảo đảm an toàn cho mình cũng như người khác. Ông Nguyễn Phạm Minh Tuấn, chủ nhà hàng 162 Tân Mai (phường Hoàng Mai) cho biết: "Thực hiện hướng dẫn của các cơ quan chức năng, sau khi khách sử dụng đồ uống có cồn ở nhà hàng, khi ra về nhân viên của chúng tôi đều hướng dẫn, hỗ trợ khách đặt xe để về nhà. Bên cạnh đó, nhà hàng chúng tôi cũng dán các thông báo về quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” và các thông tin liên quan để khách hàng nắm được, tránh vi phạm. Tuy nhiên trên thực tế, việc chấp hành các quy định này cũng còn tùy thuộc vào từng người".

Trưa 2-1, có mặt tại tại nút giao thông Hàng Cót-Phan Đình Phùng (quận Hoàn Kiếm), chúng tôi chứng kiến Tổ tuần tra kiểm soát giao thông (Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 1, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Chỉ sau ít phút lập chốt, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra và phát hiện trường hợp ông Nguyễn Văn D. (ở thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) vi phạm ở mức mức 0,489 miligam/lít khí thở. Với vi phạm này, ông D đã bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt số tiền 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trịnh Tiến Thành, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết: "Ngay sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được đưa vào áp dụng từ ngày 1-1-2020, chúng tôi thường xuyên ra quân kiểm tra, xử lý, kết hợp với tuyên truyền nhắc nhở người dân. Chỉ tính riêng trong ngày 1 và 2-1, chúng tôi đã xử lý 5 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn".

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), từ nay đến 14-2, lực lượng CSGT sẽ quyết liệt xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy. Từ đó giúp người dân thấy được sự nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong cơ thể có cồn và người dân phải tự có ý thức đã uống rượu, bia thì không lái xe. Tiếp đó, lực lượng CSGT sẽ tập trung lực lượng cũng như các thiết bị kỹ thuật và phối hợp với cả các cơ quan khác để xử lý vi phạm nồng độ cồn, bảo đảm hiệu lực để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào đời sống.

Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông. Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô từ 30 đến 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ 400.000-600.000 đồng.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc