Những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện mô hình nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo cấp huyện tại Đức Thọ
EmailPrintAa
16:50 23/04/2020

Đức Thọ là huyện đầu tiên của tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho phép thực hiện nhất thể hoá và kiêm nhiệm các chức danh: Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; Trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện; Trưởng Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra huyện; Chánh văn phòng cấp ủy - chính quyền huyện; Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm giám đốc Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện.

Đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao Quyết định sáp nhập Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Đức Thọ

Sau 3 năm thực hiện mô hình Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và hơn 1 năm thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh lãnh đạo và hợp nhất, sáp nhập một số phòng, ban, đến nay, cơ bản các cơ quan đã đi vào hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả. Việc thực hiện mô hình nhất thể hóa và kiêm nhiệm chức danh đã từng bước tinh gọn được bộ máy, giảm bớt được đầu mối (giảm được 06 đầu mối, 06 cấp trưởng), khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp; giảm bớt khâu trung gian giữa việc tham mưu, ban hành chủ trương đến việc triển khai thực hiện. Thực tế cho thấy, bản thân người đứng đầu khi kiêm nhiệm hai chức danh triển khai cùng một nhiệm vụ thì khi phân công nhiệm vụ sẽ giảm nấc trung gian, kịp thời, đồng bộ hơn. Mặt khác, một nhiệm vụ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm thì trong kiểm điểm, đánh giá công việc, kết quả nhiệm vụ hàng năm rất rõ người, rõ trách nhiệm, từ đó hiệu quả công việc sẽ cao hơn.

Với mô hình Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, các nhiệm vụ chính trị ở huyện được lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân huyện; giảm các cuộc họp giữa cấp ủy và lãnh đạo ủy ban. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và Ủy ban nhân dân huyện trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ của địa phương. Hợp nhất Cơ quan Tổ chức - Nội vụ, trong thực hiện công tham mưu cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện về công tác tổ chức, cán bộ giảm được các khâu trung gian, rút ngắn thời gian xử lý các hồ sơ, thủ tục. Mô hình Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện giúp tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng  đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, các giảng viên của Trung tâm tiếp cận kịp thời hơn các chủ trương, chính sách, chỉ thị, quy định, hướng dẫn mới của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, áp dụng, vận dụng vào bài giảng, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của Trung tâm...v.v....

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, trong quá trình thực hiện mô hình nhất thể hoá và kiêm nhiệm các chức danh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do hệ thống văn bản cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước chậm được ban hành, bổ sung, sửa đổi, thiếu sự đồng bộ trong thể chế; phương thức lãnh đạo của Đảng có những điểm khác với quy định điều hành của cơ quan chính quyền; khối lượng công việc lớn tập trung vào người đứng đầu gây áp lực về trách nhiệm, thời gian, chưa có cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp; chưa có quy định, cơ chế kiểm soát quyền lực, dễ dẫn đến chuyên chuyên quyền, độc đoán.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) và các chủ trương của Trung ương, của tỉnh, thời gian tới, Đảng bộ huyện Đức Thọ sẽ tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, kiên trì, quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trước mắt là chuẩn bị tốt mọi điều kiện đảm bảo tổ chức thành công đại hội cơ sở và Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Mai Thị Ngọc Hà - Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Đức Thọ


    Ý kiến bạn đọc