600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã: Hãy để “vàng thử lửa”
EmailPrintAa
09:54 15/03/2012

- Có thể mới đầu, các bạn trẻ chưa thể hiện được khả năng, nhưng đây là cơ hội vô cùng quý giá để họ thoả sức “vùng vẫy”, bộc lộ hết trình độ, khả năng của mình
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 4/2011 đến hết tháng 12/2012 phải tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí đủ 600 trí thức trẻ tăng cường về làm phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo trên cả nước.
Bắt đầu từ 1/3/2012, nhiều bạn trẻ đã chính thức bắt đầu nhận nhiệm vụ tại một số huyện miền núi của các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An…
Tuổi trẻ ngại chi gian khó
Ngay từ khi mới khởi động, Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ trong cả nước bằng việc đã có hàng ngàn hồ sơ được gửi đến Ban quản lý dự án và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Qua các phương tiện thông tin, hàng vạn bạn trẻ cũng bày tỏ nguyện vọng được cống hiến sức mình cho sự phát triển của đất nước. Hầu hết các bạn cho rằng, đây là một dự án rất thiết thực để cho các bạn trẻ trải nghiệm, thể hiện tài năng, bản lĩnh của mình.
Bạn Lê Như Mai (tốt nghiệp Học viện Ngân hàng) cho rằng, việc tuyển chọn trí thức trẻ làm phó Chủ tịch xã là một bước đột phá mới: “Bản thân em rất phấn khởi với chủ trương này của Đảng và Nhà nước. Thực sự có nhiều bạn trẻ sau khi ra trường chỉ mong làm việc ở các thành phố lớn, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít bạn muốn đem kiến thức và sức trẻ để cống hiến cho đất nước. Họ mong muốn có một nơi để trải nghiệm nhưng nhiều người vẫn chưa biết làm thế nào để tiếp cận với những nơi như vậy. Khi có dự án này, nhiều bạn đã như mở được cánh cửa của cuộc đời mình, đã tìm ra địa chỉ thiết thực nhất để thử sức mình”.
Còn bạn Lê Văn Trường, dù chưa đủ “tiêu chuẩn” để được tham gia vào Dự án, bởi Trường đang học năm cuối Đại học, chuyên ngành QTKD. Nhưng Trường đã có những suy nghĩ rất chín chắn rằng: “Em háo hức và muốn nhận ngay nhiệm vụ này. Em cho rằng nếu thực sự là cán bộ của một xã miền núi, ngoài những kiến thức cơ bản và trình độ quản lý thì điều quan trọng nhất là phải hiểu được nếp sống văn hoá, phong tục tập quán của người dân bản địa thì mới mong làm tốt được công việc của mình”.
Không chỉ các bạn sinh viên mới ra trường, nhiều bạn đã đi làm được một vài năm ở các thành phố lớn, có thu nhập cao vẫn muốn được trải nghiệm ở một nơi đầy thử thách như vậy.
Bạn Nguyễn Hồng Thái cho biết, bạn đã tốt nghiệp chuyên nghành Xây dựng, hiện đã làm việc ở nhiều nơi (Công ty CP TV-XD Tổng hợp Nagecco-Bộ Xây dựng và Công ty thông tin di động Mobifone và một vài công ty tư nhân khác) nhưng khi biết được thông tin về cử cán bộ trẻ về xã nghèo, bạn háo hức để được tham gia.
Hồng Thái lý giải rằng: “Dự án rất hay, bởi trị được tận gốc cái nghèo, thay đổi cơ bản cơ cấu trẻ hoá cán bộ, để tiến đến năm 2020 nước ta mới trở thành một nước công nghiệp. Tôi nhất định sẽ tham gia để thử sức trẻ và khả năng trẻ của mình, không chỉ phấn đấu thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu hiệu quả”.
Hãy để “vàng thử lửa”

Ông Nguyễn Đăng Minh

Ngay từ khi khởi động dự án, trả lời phỏng vấn VOV Online, ông Nguyễn Đăng Minh, Quyền vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban dự án 600 Phó Chủ tịch xã cho rằng, việc triển khai dự án là một bước đột phá trong công tác tổ chức cán bộ. Vì theo quy trình đều phải đi từ chuyên viên, lên phó phòng rồi mới lên cấp trưởng được, chứ chưa có chuyện được bổ nhiệm ngay chức danh Phó Chủ tịch UBND xã.
Điều này thể hiện sự quan tâm, tin tưởng rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng trí thức trẻ hiện nay. Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện để lực lượng trí thức trẻ được rèn luyện, trải nghiệm và phấu đấu. Có thể mới đầu, các bạn trẻ chưa thể hiện được khả năng của mình, nhưng đây là cơ hội vô cùng quý giá mà Đảng, Nhà nước đã mở ra để các em thoả sức “vùng vẫy”, bộc lộ hết trình độ, khả năng của từng người.
Với hầu hết các sinh viên mới ra trường với sức trẻ căng tràn, đều muốn được thử sức, được đem những gì mình đã được học trong nhà trường để áp dụng trong thực tế. Nhưng sẽ có nhiều bạn cũng chưa hình dung hết được những khó khăn, thử thách đang đợi ở phía trước.
Mới bước ra từ ghế nhà trường, các bạn sẽ phải đối mặt với nhiều điều mới lạ. Ngoài điều kiện về thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống sinh hoạt tương đối khó khăn, nhiệm vụ của các trí thức trẻ hết sức nặng nề, trọng trách đặt lên vai các bạn là những nhiệm vụ cụ thể, liên quan đến cuộc sống của hàng trăm, hàng ngàn người dân nơi các bạn công tác. Vì thế, không phải chỉ gắn lên mình chức danh Phó Chủ tịch xã mà là trí thức trẻ phải nỗ lực thực sự, cống hiến hết mình mới mong làm tròn nhiệm vụ.
Còn quá sớm để nói về kết quả của dự án, nhưng không chỉ riêng các trí thức trẻ đang thực hiện nhiệm vụ, mà tất cả các cấp lãnh đạo và những người dân luôn tự hào và kỳ vọng vào thành công của các bạn. Bởi với những kiến thức đã tích luỹ cùng với những hoài bão và lòng nhiệt huyết luôn hừng hực trong con người các bạn sẽ là sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Đúng như lời ông Nguyễn Đăng Minh, Giám đốc dự án đã từng quả quyết: “Chúng tôi có một niềm tin sắt đá vào năng lực, bản lĩnh của thanh niên Việt Nam. Chúng tôi luôn tin các bạn trẻ càng qua những nơi khó khăn gian khổ, càng trưởng thành, càng đóng góp tối đa trí tuệ của mình để xây dựng đất nước. Tôi tin rằng, 600 trí thức trẻ sau thời gian trải nghiệm sẽ là những cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước”./.

Minh Đức (Theo báo VOV)

    Ý kiến bạn đọc