Nhân dịp kỷ niệm 69 năm thành lập ngành ngoại giao Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn báo chí.
PV: Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng chia sẻ cảm nghĩ của mình nhân dịp kỷ niệm 69 năm thành lập ngành ngoại giao? Nói về lịch sử của ngành, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng tâm đắc điều gì nhất?
Phó Thủ tướng- Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Ngày 28/8/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập; cùng với đó là sự ra đời của ngành ngoại giao Việt Nam hiện đại. Suy ngẫm về lịch sử ngành, điều những người làm công tác đối ngoại chúng tôi cảm thấy vinh dự, tự hào nhất là nền ngoại giao hiện đại của Nhà nước Việt Nam độc lập, tự do đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành, dành rất nhiều tình cảm, tâm huyết, tạo dựng cho ngành một nền móng vững chắc.
Phó Thủ tướng- Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh |
Tư tưởng và phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh thấm đẫm, xuyên suốt mọi hoạt động của ngành 69 năm qua, và tiếp tục làm kim chỉ nam cho thế hệ ngoại giao hiện nay. Các thế hệ cán bộ ngoại giao luôn tâm niệm lời Bác dạy “muốn làm gì cũng vì lợi ích dân tộc mà làm” và “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Kiên định bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, linh hoạt trong đánh giá, dự báo tình hình, nắm bắt thời cơ; biết mình, biết người, biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, để bảo vệ và giữ vững lợi ích quốc gia dân tộc. Theo định hướng của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở sức mạnh tổng hợp các mặt trận và khối đại đoàn kết dân tộc, ngành ngoại giao đã cùng đất nước vượt qua mọi trở ngại, hiểm nguy, phát huy vai trò của mình khi Tổ quốc cần đến.
PV: Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng chia sẻ một số suy nghĩ về tình hình quốc tế và nhiệm vụ của công tác đối ngoại hiện nay?
Phó Thủ tướng- Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Tình hình thế giới và khu vực đang biến chuyển nhanh và phức tạp, đưa đến nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng rất gay gắt. Kinh tế thế giới phục hồi rõ nét hơn, nhưng còn nhiều bất ổn. Khi các mô hình kinh tế đương đại đều bộc lộ những vấn đề trong cuộc khủng hoảng vừa qua, xu thế lớn hiện nay là các nền kinh tế đều tìm kiếm con đường cân bằng hơn giữa tăng trưởng và ổn định, chú trọng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, năng lượng sạch…
Xu thế hợp tác, liên kết kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt, việc ta đang tham gia các đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP)… sẽ tạo ra những không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp và đất nước..., nhưng cũng đòi hỏi cả chính phủ và doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực quản trị và cạnh tranh. Nằm ở trung tâm khu vực phát triển năng động của thế giới, chúng ta có cơ hội tận dụng các xu thế đó để tăng tốc, bắt kịp sự phát triển của khu vực và thế giới, nhưng cũng đối diện với nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu cơ hội bị bỏ lỡ.
Về chính trị - an ninh, xu thế hòa bình, hợp tác, tùy thuộc lẫn nhau vẫn là xu thế nổi trội, đang tạo ra những vận hội tốt để cho nước ta tận dụng nhằm phục vụ cho các mục tiêu an ninh và phát triển của đất nước. Mặt khác, bất ổn và xung đột vẫn hiện diện ở nhiều nơi, từ Châu Á tới Châu Âu, từ Trung Đông tới Châu Phi, và đang có chiều hướng gia tăng. Chúng ta thấy những biến động tưởng như ở nơi xa xôi như Ukraine hay Libya đều tác động đến một bộ phận kiều bào và doanh nghiệp ta. Tại Châu Á - Thái Bình Dương, các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen phức tạp, căng thẳng hơn; trong đó có những nguy cơ đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định của khu vực, đến độc lập, chủ quyền và môi trường phát triển của Việt Nam.
Dù bối cảnh quốc tế có chuyển biến và phức tạp đến đâu, ngành ngoại giao cần bám sát để thực hiện cho được những định hướng đối ngoại trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ lớn của ngành hiện nay là phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để tập trung phát triển đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc kinh tế theo hướng phát triển bền vững và phải phối hợp chặt chẽ cùng quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc an ninh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhất là chủ quyền biển đảo.
PV: Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết những kết quả chính của quá trình triển khai công tác đối ngoại vừa qua và phương hướng sắp tới?
Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Cấp cao Đảng, Nhà nước và Chính phủ, ngành ngoại giao đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, toàn diện công tác đối ngoại và đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI, công tác triển khai hội nhập quốc tế toàn diện được đẩy mạnh. Với sự ra đời của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, tới đây, Chính phủ cùng các Bộ, ban, ngành địa phương đang xúc tiến ban hành và triển khai quyết liệt các chương trình hành động nhằm đẩy nhanh hội nhập quốc tế sâu rộng trên các lĩnh vực từ chính trị, quốc phòng, an ninh đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Cùng với đó, chúng ta đã có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa các ngành, các cấp và địa phương trong triển khai hội nhập toàn diện.
Trên bình diện song phương, chủ trương làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác tiếp tục được thúc đẩy hiệu quả. Từ đầu năm 2014, chúng ta đã triển khai 7 chuyến công tác nước ngoài của các đồng chí Lãnh đạo Cấp cao, đón 11 đoàn Lãnh đạo Cấp cao các nước và tiến hành nhiều hoạt động trao đổi đoàn cấp cao khác với các nước láng giềng, khu vực, các đối tác lớn, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng. Các hoạt động song phương đạt nhiều kết quả tích cực, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất. Đơn cử, Việt Nam và Nhật Bản đã nâng cấp khuôn khổ quan hệ lên Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á; đẩy mạnh hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn như đường cao tốc Bắc – Nam, triển khai nhiều hợp tác nổi bật về nông nghiệp…
Đối ngoại đa phương tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trên các diễn đàn quốc tế, góp phần phát huy và bảo vệ lợi ích của đất nước. Chúng ta đóng góp tích cực vào hợp tác gìn giữ hòa bình ở khu vực và thế giới, đã cử cán bộ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng; cùng các thành viên tiếp tục thúc đẩy quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực; thúc đẩy thực thi Điều 5 Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Trên các diễn đàn đa phương khác, từ các diễn đàn tiểu khu vực như hợp tác Mê Công cho tới liên khu vực như APEC, ASEM…, chúng ta đều có những sáng kiến thúc đẩy hợp tác thiết thực về những vấn đề Việt Nam và quốc tế cùng quan tâm như sử dụng bền vững nguồn nước, bảo vệ môi trường…
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi còn bấp bênh, quan hệ kinh tế đối ngoại vẫn giữ đà tăng trưởng tốt với sự hỗ trợ hiệu quả của ngoại giao kinh tế: tính trong 7 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đạt 83,51 tỷ đôla Mỹ, tăng 14,1% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt 1,26 tỷ đôla Mỹ; tổng vốn FDI cấp mới và tăng vốn đạt 9,53 tỷ đôla Mỹ. Chúng ta đang tiếp tục vận động, thúc đẩy đàm phán FTA với các đối tác quan trọng và đạt được tiến triển như FTA với EU, Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakstan, TPP…
Trước nhiều thách thức to lớn và phức tạp, công tác bảo vệ biên giới lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và an ninh đất nước được chú trọng hơn bao giờ hết. Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các lực lượng khác kiên trì đấu tranh kiên quyết, có kết quả bằng những biện pháp hòa bình, cụ thể là trong đấu tranh xử lý vụ việc giàn khoan 981 vừa qua. Chúng ta đã khẳng định rõ ràng quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Việt Nam và tranh thủ được sự quan tâm, ủng hộ của khu vực, quốc tế và các đối tác lớn; đề cao nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, không hành động đơn phương, sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực gây ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định ở khu vực.
Thế và lực của đất nước còn được cộng hưởng bởi sự phát huy hiệu quả các mảng công tác khác như ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân… Ta đã vận động thành công việc công nhận các di sản Châu bản Triều Nguyễn, quần thể di tích Tràng An. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam có hiệu lực từ ngày 26/6/2014 và những kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước luôn coi trọng và bảo vệ lợi ích của bà con kiều bào, một bộ phận của đất nước Việt Nam.
Trong thời gian tới, ngành ngoại giao sẽ tiếp tục chú trọng công tác bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ; tích cực thực thi các chương trình, nhiệm vụ hội nhập quốc tế cụ thể. Các khuôn khổ quan hệ đã thiết lập cần được tiếp tục cụ thể hóa, nhằm đạt tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác kinh tế - thương mại sâu rộng hơn, quan hệ an ninh, quốc phòng sâu sắc hơn, hợp tác giáo dục, khoa học – công nghệ hiệu quả hơn… Quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại đa phương, cần chuyển mạnh từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng luật chơi chung”, cùng với sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa giữa các kênh đối ngoại Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân, và giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương. Ngành ngoại giao cũng đang tiếp tục kiện toàn bộ máy, gần đây nhất là sự ra đời của Cục Ngoại vụ địa phương, nhằm phục vụ mục tiêu này.
PV: Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, công tác cán bộ của ngành ngoại giao cần chú ý những gì trong bối cảnh tình hình và nhiệm vụ hiện nay?
Phó Thủ tướng- Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Con người là nhân tố quan trọng nhất quyết định thành công của đường lối, chính sách. Lực lượng của ngành đang được trẻ hóa, năng động hơn, cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc. Song công tác đối ngoại trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng đặt ra những đòi hỏi cấp bách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ then chốt:
Trước hết, giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho cán bộ là ưu tiên hàng đầu. Lực lượng cán bộ trẻ hiện nay có nền tảng đa dạng, kiến thức phong phú, có nhiều điều kiện tiếp cận thông tin và kỹ năng mới. Nhưng các thách thức, cám dỗ, các yếu tố gây lung lạc nhận thức cũng rất đa dạng, phức tạp. Vì vậy, người cán bộ cần luôn hun đúc lý tưởng, xây đắp bản lĩnh để vững vàng với con đường mình đã lựa chọn, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng và đào tạo cán bộ. Với tinh thần cầu thị và trách nhiệm cao, ngành ngoại giao đang học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, đang nỗ lực đạt mục tiêu bắt kịp các nước tiên tiến trong khu vực về đào tạo cán bộ.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là đẩy mạnh quy chuẩn hóa các lĩnh vực công tác của ngành, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả và tạo dựng các giá trị mới trong quá trình đất nước hội nhập quốc tế.
Nhớ lại mùa thu tháng Tám 69 năm trước, chúng ta tự hào về đội ngũ cán bộ, Đảng viên gan vàng, dạ sắt đã cùng dân tộc làm nên Cách mạng Tháng Tám oanh liệt; kiên định, khéo léo gìn giữ nền độc lập và Nhà nước dân tộc non trẻ. Mùa thu hôm nay, chúng ta tiếp tục tin tưởng vào đội ngũ cán bộ ngoại giao đang không ngừng nỗ lực vươn lên, quyết tâm tiếp nối truyền thống vẻ vang của những thế hệ đi trước.
**Xin cảm ơn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng!/.
TT CNTT (Nguồn: Vov.vn)
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)