Thủ tướng Phạm Minh Chính: "ASEAN cần kiên định lập trường nguyên tắc về Biển Đông". Ảnh VGP/Nhật Bắc
Tiếp theo Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 sáng 26/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng Lãnh đạo các nước dự Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN lần thứ 39. Tại Hội nghị, các Lãnh đạo đã trao đổi về quan hệ giữa ASEAN với các đối tác và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Các nước hoan nghênh và đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ đối ngoại của ASEAN thời gian qua, đóng góp tích cực và hiệu quả cho phát triển chung của Hiệp hội. Hướng tới tương lai, các Lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc các mối quan hệ đối tác của ASEAN, khuyến khích các đối tác hỗ trợ, đóng góp quan trọng và thiết thực cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và phối hợp nỗ lực chung giải quyết các thách thức đang nổi lên, nhất ứng phó đại dịch COVID-19 và phục hồi tổng thể và bền vững. Các Lãnh đạo hoan nghênh Vương quốc Anh trở thành Đối tác Đối thoại thứ 11 của ASEAN từ tháng 8/2021.
Trong bối cảnh khó khăn, phức tạp hiện nay, các Lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN là yếu tố then chốt, cần được củng cố và tôn trọng, tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác cùng có lợi, phù hợp với văn kiện nền tảng của ASEAN, đồng thời nhấn mạnh các thoả thuận hợp tác khu vực mới cần đóng góp cho hoà bình, ổn định và thịnh vượng chung tại khu vực.
Tại Hội nghị, các Lãnh đạo đã trao đổi về quan hệ giữa ASEAN với các đối tác và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Hội nghị cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có Biển Đông, Myanmar, Bán đảo Triều Tiên… Bày tỏ quan ngại về diễn biến tình hình trên Biển Đông, trong đó có các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, suy giảm lòng tin, huỷ hoại môi trường biển, các Lãnh đạo tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau; kiềm chế và không làm phức tạp tình hình; duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Các nước nhấn mạnh lập trường về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Hội nghị cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Các nước nhấn mạnh sự cần thiết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC và tiếp tục nỗ lực hướng tới Bộ COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Trước những diễn biến phức tạp tại Myanmar, các Lãnh đạo nhất trí cần tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ Myanmar, thành viên trong gia đình ASEAN, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các Lãnh đạo khẳng định đoàn kết chính là chìa khoá để ASEAN và Myanmar có thể tìm ra giải pháp hữu hiệu cho những phức tạp hiện nay. Các nước đề nghị cần triển khai kịp thời và đầy đủ Đồng thuận 5 điểm đã được Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN tháng 4/2021 nhất trí. Các nhà Lãnh đạo hoan nghênh nỗ lực của Đặc phái viên của Chủ tịch và mong Đặc phái viên sớm tới thăm Myanmar. Các nhà Lãnh đạo cũng hoan nghênh các hoạt động hỗ trợ nhân đạo của ASEAN dành cho người dân Myanmar đã được tích cực triển khai.
Thủ tướng nhấn mạnh cần đề cao giá trị của sự đoàn kết, giá trị cốt lõi và sức mạnh của ASEAN trong suốt 54 năm qua, gắn với trách nhiệm và tinh thần xây dựng của tất cả các thành viên, qua đó giúp ASEAN có tiếng nói thống nhất, phát huy vai trò trung tâm và uy tín của ASEAN. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, mong muốn cao nhất của tất cả các nước là có một môi trường khu vực hoà bình, an ninh, ổn định và hợp tác để tập trung chống dịch, phục hồi và tiếp tục phát triển phồn vinh, thịnh vượng. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh cần đề cao giá trị của sự đoàn kết, giá trị cốt lõi và sức mạnh của ASEAN trong suốt 54 năm qua, gắn với trách nhiệm và tinh thần xây dựng của tất cả các thành viên, qua đó giúp ASEAN có tiếng nói thống nhất, phát huy vai trò trung tâm và uy tín của ASEAN.
Chia sẻ các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần thể hiện bản lĩnh và vai trò tự chủ trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông.
“Chúng ta cần kiên định lập trường nguyên tắc về Biển Đông; thúc đẩy mạnh mẽ cam kết của các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, hành xử trách nhiệm, kiềm chế, không có hành động gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình. Bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không là lợi ích của tất cả các quốc gia. Giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế”, Thủ tướng phát biểu.
Đồng thời, hợp tác xây dựng trên các vấn đề thuộc lợi ích chung như bảo tồn môi trường biển, khắc phục tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, hỗ trợ nhân đạo cho ngư dân và người đi biển… Thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, thúc đẩy sớm hoàn thành COC với nỗ lực cao nhất của các bên, phấn đấu cùng Trung Quốc đạt Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Thủ tướng khẳng định UNCLOS 1982 là khuôn khổ điều chỉnh các hành vi, hoạt động trên biển và đại dương.
Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong mọi vấn đề tác động đến khu vực, giúp giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, phát huy tinh thần độc lập trong ứng xử, trung lập trong xử lý và cân bằng trong quan hệ sẽ giúp ASEAN tránh bị động trước sức ép của cạnh tranh nước lớn. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Cảm thông với những khó khăn của người dân Myanmar, nhất là do tác động của dịch COVID-19, Thủ tướng đề nghị các bên cần ứng xử trách nhiệm vì lợi ích chung của cả khu vực, thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm để Đặc phái viên có thể đến thăm Myanmar trong thời gian sớm nhất, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực cứu trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.
Trước những diễn biến tình hình phức tạp hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong mọi vấn đề tác động đến khu vực, giúp giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, phát huy tinh thần độc lập trong ứng xử, trung lập trong xử lý và cân bằng trong quan hệ sẽ giúp ASEAN tránh bị động trước sức ép của cạnh tranh nước lớn. Trên tinh thần đó, các nước lớn tham gia vào khu vực phải trên tinh thần trách nhiệm, xây dựng, tôn trọng luật pháp quốc tế, không làm ảnh hưởng đến hoà bình, ổn định ở khu vực, tôn trọng vai trò của ASEAN và tham vấn đầy đủ với ASEAN thông qua các cơ chế, diễn đàn do ASEAN thành lập và dẫn dắt.
Nguồn: Hà Văn/chinhphu.vn
( https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/ASEAN-can-kien-dinh-lap-truong-nguyen-tac-ve-Bien-Dong/450881.vgp )
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)