ASEAN: Một Cộng đồng, một vận mệnh
EmailPrintAa
10:50 08/08/2012

Ngày 8/8/2012, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tròn 45 tuổi. Đây là dịp có ý nghĩa để các nước trong Hiệp hội cùng nhìn lại những bước phát triển thăng trầm trong lịch sử của mình để trở thành một khối gắn kết ngày nay. Với những kết quả đã đạt được, ASEAN hiện đã bước sang giai đoạn phát triển mới, hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

 

Từ 5 nước thành viên ban đầu sáng lập nên tổ  chức ASEAN vào ngày 8/8/1967, trên cơ sở Tuyên bố  Băng Cốc, đến nay, ASEAN đã hội tụ đủ 10 thành viên (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).

Sau 45 năm hình thành và phát triển, vượt qua bao thăng trầm và thách thức, ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị - kinh tế năng động, có vai trò và vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương. Với những kết quả đã đạt được, ASEAN hiện đã bước sang giai đoạn phát triển mới, hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và rộng mở

Thực tiễn 45 năm qua đã cho thấy, ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực có sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng nhanh chóng với những biến  đổi của thời cuộc. Điều đó thể hiện rõ qua những kết quả hợp tác trong những năm qua và khả năng ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức đặt ra, kể cả các tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay.

Nổi bật nhất là những nỗ lực để đưa Hiến chương ASEAN đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho ASEAN gia tăng liên kết khu vực, trước mắt là hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Ngoài ra, ASEAN còn đẩy mạnh hợp tác cả trong nội khối cũng như với các Đối tác, nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức toàn cầu đang đặt ra như: biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, phục hồi sau khủng hoảng... ASEAN cũng đang khẩn trương triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, nhằm tăng cường kết nối ở khu vực cả về hạ tầng, thể chế và con người để hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng và hướng tới kết nối rộng hơn ở khu vực Đông Á.

Hiện ASEAN đã và đang quyết tâm hướng tới mục tiêu hình thành một Cộng đồng gắn kết về chính trị, vững mạnh về kinh tế và đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau giữa các quốc gia vào ngày 1/1/2015. Cùng với việc đẩy mạnh triển khai các Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN và thu hẹp khoảng cách phát triển, ASEAN đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền, giữa các quốc gia trong Hiệp hội, bảo đảm cả 10 quốc gia thành viên đều cùng đến đích hình thành cộng đồng như mục tiêu đã đề ra.

Đây chính là giai đoạn bản lề trong khi thời gian chỉ còn hơn hai năm, cùng với không ít thách thức đặt ra cho ASEAN. Một khối lượng công việc đồ sộ đề ra trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng trải rộng trên tất cả các lĩnh vực, với hơn 800 đầu việc ưu tiên trên cả 3 trụ cột chính là: Chính trị - An ninh (APSC), Kinh tế (AEC) và Văn hóa - Xã hội (ASCC).

Về Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), trong thời gian qua, ASEAN chính là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác vì phát triển  ở khu vực. Vai trò quan trọng hàng đầu này được thể hiện sinh động qua nỗ lực to lớn của ASEAN trong việc đẩy mạnh hợp tác Chính trị - An ninh (APSC) và xây dựng các quy tắc ứng xử, thông qua đó tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, ngăn ngừa xung đột giữa các quốc gia ở khu vực.

Trong bối cảnh khu vực và thế giới diễn biến và thay đổi nhanh chóng, tác động nhiều chiều đến khu vực, ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết và phối hợp lập trường thống nhất nội bộ; đồng thời tiếp tục tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin cũng như đẩy mạnh xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, phát huy hiệu quả các công cụ, cơ chế hợp tác chính trị - an ninh khu vực hiện có, như: Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Ðông - Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Ðông - Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)..., vì các mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực.

Các nước ASEAN thống nhất đẩy mạnh phối hợp lập trường và hành động về các thách thức đang nổi lên tại các diễn đàn quốc tế và khu vực rộng lớn hơn. Một mặt tranh thủ sự giúp đỡ hiệu quả của các đối tác về xây dựng Cộng đồng ASEAN, khuyến khích các nước lớn tham gia, đóng góp xây dựng cho hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Mặt khác ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ cấu trúc hợp tác khu vực đang định hình, trong đó ASEAN giữ vai trò trung tâm.

Về Cộng đồng Kinh tế (AEC), cùng với những thành công nổi bật trong hợp tác chính trị, hợp tác kinh tế giữa các nước ASEAN ngày càng được tăng cường, góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, thúc đẩy hội nhập kinh tế và nâng cao tính cạnh tranh của mỗi nước, cải thiện đời sống người dân.

Theo ADB, nhu cầu nội địa và đầu tư tư nhân gia tăng là hai nhân tố tích cực thúc  đẩy kinh tế ASEAN tăng trưởng trong nửa đầu năm nay. Ước tính, tăng trưởng kinh tế của ASEAN đạt 4,3% trong quý I năm nay, so mức 2,9% trong quý IV năm 2011. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng lạc quan nhận định, tăng trưởng kinh tế của nhóm năm nước ASEAN, gồm: Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có thể đạt 5,4% trong năm nay và tăng lên 6,1% trong năm 2013, chủ yếu nhờ sự gia tăng trong xuất khẩu do kinh tế toàn cầu dần hồi phục.

Chuyên gia hàng đầu của Công ty chứng khoán Lyonnais Security Asia M.Gin cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, môi trường chính trị, kinh tế, xã hội  ổn định và sự vững mạnh của các đồng tiền trong khu vực làm tăng sức mua là những yếu tố quan trọng khiến ASEAN ngày càng trở thành thị trường đầu tư hấp dẫn hơn.

Hiện các nước ASEAN đang nỗ lực thực hiện mục tiêu hình thành AEC vào năm 2015, sớm hơn kế hoạch ban đầu 5 năm. Ðể làm được điều đó, các nước cần vượt qua nhiều thách thức, trong đó có việc tiếp tục nâng cao tổng kim ngạch trao đổi thương mại nội khối, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường đầu tư cho giáo dục và cơ sở hạ tầng.

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC), chiếm một vị trí đặc biệt trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Đó không chỉ là cơ sở của lợi ích khu vực Đông Nam Á, mà còn là chuẩn mực, giá trị và tín ngưỡng cũng như khát vọng chung của một cộng đồng gồm 10 quốc gia Đông Nam Á.

Bản sắc ASEAN được nhắc đến là “sự thống nhất trong đa dạng”, hay nói một cách khác, nó chính là “Phương cách ASEAN” với hai đặc trưng cơ bản là không can thiệp và đồng thuận về nguyên tắc, nhưng mềm dẻo, linh hoạt trong hành động.

Bản sắc ASEAN là “chất keo” kết  dính các quốc gia trong khu vực, tạo cho quá trình khu vực hóa và hội nhập khu vực được thực hiện theo một cách thức riêng. Cộng đồng ASEAN không còn coi “sự đa dạng phong phú” của các nước thành viên là một thực tế phải chấp nhận mà quyết tâm “chuyển sự đa dạng về văn hóa và sự khác biệt của ASEAN thành thịnh vượng và các cơ hội phát triển công bằng trong một môi trường đoàn kết, tự cường khu vực và hòa hợp”. Như vậy, mục tiêu mà ASEAN đang hướng tới là một gia đình các dân tộc Đông Nam Á đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển.

Kế hoạch tổng thể xây dựng ASCC bao gồm 6 lĩnh vực trọng tâm: phát triển con người, phúc lợi và bảo hiểm xã hội, các quyền và bình đẳng xã hội, bảo đảm môi trường bền vững, tạo dựng bản sắc ASEAN và thu hẹp khoảng cách phát triển. Kế hoạch ASCC thực hiện trong giai đoạn 2009-2015 bao gồm 40 cấu phần, với 340 hoạt động.

Bên cạnh đó, ASEAN còn có các cơ chế thúc đẩy hợp tác và không ngừng được hoàn thiện. Hiến chương ASEAN đã ra đời, các hội đồng cộng đồng đã được thành lập, Kế hoạch tổng thể, Đề cương cụ thể xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và ASCC đang được triển khai, đó là những nền tảng cơ bản cho niềm tin vào hiện thực.

Có thể nói, 45 năm gắn bó và liên kết chặt chẽ đã giúp tạo nên một lợi thế và  sức mạnh không thể phủ nhận của ASEAN, tạo tiền đề vững vàng để ASEAN đạt tới những bước phát triển xa hơn, mà trước mắt là trở thành một Cộng đồng gắn kết và vững mạnh vào năm 2015.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN

45 năm qua, khát vọng hòa bình và phát triển luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài hoạt  động của các nước thành viên ASEAN. Ðoàn kết, hợp tác cùng phát triển luôn luôn là xu thế chủ đạo, là chất keo kết dính chặt chẽ quan hệ giữa các quốc gia trong Hiệp hội.

Ngày nay, hợp tác và liên kết ASEAN đang bước vào giai đoạn phát triển mới. ASEAN đã trở thành hạt nhân thu hút và gắn kết sự tham gia của gần 20 đối tác, trong đó có các cường quốc và trung tâm lớn trên thế giới vào các tiến trình đối thoại và hợp tác ở khu vực, do chính ASEAN khởi xướng và giữ vai trò chủ đạo.

Những hệ thống chuẩn mực ứng xử do ASEAN thiết lập, nhất là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) đến nay đã được 27 nước trong và ngoài khu vực, trong đó có các nước lớn, chấp nhận tham gia, đưa TAC trở thành Bộ quy tắc ứng xử chung ở khu vực. Các công cụ thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực khác như Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC) đang tiếp tục được đề cao và phát huy tác dụng. Thông qua những nỗ lực kể trên, ASEAN đã khẳng định được vai trò của một nhân tố quan trọng gắn kết các lợi ích đan xen, là động lực của các tiến trình đối thoại và hợp tác ở khu vực.

ASEAN đã thiết lập “quan hệ đối thoại” theo khuôn khổ ASEAN+1 với các đối tác gồm Australia, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu  Âu (EU), Ấn Ðộ, New Zealand, Nga, Mỹ, Liên Hợp Quốc và một đối tác theo lĩnh vực là Pakistan.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng khởi xướng và chủ  trì nhiều khuôn khổ và cơ chế hợp tác khu vực quan trọng như ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS, với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Australia, New Zealand, Nga và Mỹ), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF - với 27 đối tác).

Các diễn đàn này, với sự tham gia của các đối tác lớn và nhỏ, trong và ngoài khu vực, mỗi cơ chế có những đặc thù riêng, đã tạo thành mạng lưới đan xen nằm trong một cấu trúc khu vực mở, với ASEAN ở vị trí trung tâm, cùng hướng đến mục tiêu chung là thúc đẩy đối thoại, hợp tác vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Trong khi ASEAN+3 tập trung nhiều hơn vào hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính, do lịch sử hình thành cơ chế này xuất phát từ nhu cầu khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính khu vực những năm 1997-1998, thì Hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS), là khuôn khổ mới đi vào hoạt động từ năm 2005, nhưng đã phát huy vai trò quan trọng là diễn đàn mở để các nhà lãnh đạo trong khu vực cùng trao đổi cởi mở và thẳng thắn về các vấn đề mang tầm chiến lược, gồm cả hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại cũng như ứng phó các thách thức đang nổi lên như thiên tai, dịch bệnh... 

Trong quan hệ với các đối tác bên ngoài, ASEAN luôn thể hiện là một thực thể với tiếng nói chung, đồng thời, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt các nội dung thảo luận và các ưu tiên hợp tác tại các diễn đàn khu vực do ASEAN khởi xướng kể trên. Vai trò trung tâm của ASEAN luôn được các đối tác tôn trọng và đánh giá cao, bởi ASEAN đã phát huy tích cực hình ảnh "người trung gian trung thực", nỗ lực điều hòa, gắn kết và cân bằng các mối lợi ích đan xen ở khu vực.

Tại các diễn đàn đa phương liên khu vực và toàn cầu như ASEM, APEC, Liên Hợp Quốc cũng như ở các nước đối tác, người ta luôn nhìn thấy hình ảnh một ASEAN gắn bó chặt chẽ, cùng phấn đấu cho hòa bình, hợp tác, phát triển và các giá trị chung của nhân loại.

 Với vị trí địa - chiến lược quan trọng ở khu vực, cùng với những chính sách rộng mở và đóng góp to lớn, ASEAN đã trở thành đối tác không thể thiếu của các nước lớn và các trung tâm lớn trên thế giới. Các đối tác đều coi trọng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN cả về đa phương và song phương, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, ủng hộ vai trò chủ đạo của Hiệp hội ở khu vực; coi ASEAN như một địa chỉ tin cậy, một xúc tác quan trọng để gắn kết và hài hoà các lợi ích đan xen, cùng hướng tới mục tiêu chung là duy trì hòa bình, ổn định và cùng phát triển thịnh vượng.

Cho đến nay, sau 45 năm tồn tại và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Mặc dù khó khăn, trở ngại còn nhiều trên con đường phát triển, nhưng với bản sắc ASEAN, với phương thức hoạt động và các nguyên tắc cơ bản đã có, tổ chức khu vực này chắc chắn sẽ đóng góp hữu ích cho hòa bình, ổn định và phồn vinh tại Đông Nam Á và thế giới./.


    Ý kiến bạn đọc