Sau hai ngày làm việc khẩn trương và liên tục, chiều ngày 8-10, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 tại Indonesia đã chính thức bế mạc.
Hội nghị đã nhất trí đề ra những định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế APEC, khẳng định quyết tâm xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương tự cường, là động lực của tăng trưởng toàn cầu.
Các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố “Châu Á - Thái Bình Dương tự cường, động lực cho tăng trưởng toàn cầu” và "Tuyên bố của Hội nghị lần thứ 21 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 9 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Indonesia vào tháng 12 tới” cùng với các văn kiện kèm theo về “Khuôn khổ kết nối APEC” và “Kế hoạch dài hạn về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng”.
Trong ngày làm việc thứ nhất (7-10), ngay sau Lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo đã họp phiên chính thức đầu tiên về “Vai trò của APEC trong việc củng cố hệ thống thương mại đa phương trong tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay”. Hội nghị nhấn mạnh thời điểm hiện nay có ý nghĩa cấp bách và then chốt đối với Vòng đàm phán Doha và hệ thống thương mại đa phương.
Theo đó, các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua một Tuyên bố khẳng định quyết tâm chính trị và sự ủng hộ mạnh mẽ của APEC nhằm thúc đẩy Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 thông qua thỏa thuận mới (Gói Bali) về các vấn đề phát triển, một số vấn đề nông nghiệp và thuận lợi hóa thương mại. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí đẩy mạnh hoàn thành các Mục tiêu Bogor vào năm 2020 về tự do hóa thương mại đầu tư nhằm xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương tự cường, gắn kết, phát triển đồng đều, công bằng và bền vững.
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị cũng nhất trí triển khai các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia rộng rãi của khu vực tư nhân trong thương mại dịch vụ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồi tài chính thương mại, tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động thuận lợi hóa đầu tư, thực hiện giảm thuế xuống dưới 5% vào năm 2015 đối với 54 mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa môi trường APEC (EGS), giải quyết các vấn đề thương mại - đầu tư “thế hệ mới”.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí cần khuyến khích các thành phần xã hội tham gia hoạt động kinh tế, tăng cường đóng góp của phụ nữ cho phát triển kinh tế, thúc đẩy khoa học, công nghệ, sáng tạo, hợp tác chống tham nhũng, an sinh xã hội, y tế... Đây là những nội dung rất thiết thực bảo đảm tăng trưởng bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, hướng tới hình thành một châu Á - Thái Bình Dương tự cường, gắn kết, phát triển đồng đều, công bằng và bền vững.
Đồng thời, trong bối cảnh xu thế liên kết trong khu vực được đẩy mạnh, Hội nghị thống nhất quan điểm APEC cần phát huy vai trò điều phối trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ chế liên kết kinh tế ở khu vực hướng tới xây dựng Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
Trong ngày làm việc thứ hai (8-10), Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 đã tiếp tục hai phiên họp quan trọng về “Tầm nhìn APEC về kết nối trong cấu trúc quốc tế và khu vực đang định hình” và “Tăng trưởng bền vững gắn với công bằng - an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng”. Đây cũng chính là những nội dung then chốt của hợp tác APEC trong năm 2013 cũng như trong thời gian tới.
Các nhà lãnh đạo APEC đều cho rằng để thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, APEC cần xây dựng một tầm nhìn dài hạn về kết nối. Lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo đã thông qua “Khuôn khổ kết nối APEC” về hạ tầng, thể chế và giữa người dân và “Kế hoạch dài hạn về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng”. Đây là những khuôn khổ hợp tác mới, tạo động lực thúc đẩy sự gắn kết và lưu thông giữa các nền kinh tế trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu cải thiện 10% chất lượng chuỗi cung ứng vào năm 2015, Chiến lược Cải cách cơ cấu APEC nhằm tăng cường minh bạch hóa và khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế, Sáng kiến tạo thuận lợi cho đi lại trong khu vực và tăng cường hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Lộ trình hợp tác an ninh lương thực APEC đến năm 2020, Sáng kiến hợp tác các vấn đề liên quan đến đại dương cũng là những thỏa thuận nổi bật được thông qua tại Hội nghị lần này.
*** Ngay sau khi kết thúc hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21, chiều 8-10, cuộc họp cấp cao các nhà lãnh đạo 12 nước thành viên đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), gồm Brunei, Canada, Chile, Mỹ, Malaysia, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Peru, Singapore và Việt Nam, đã diễn ra tại Bali, Indonesia. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự cuộc họp.
Đây là cuộc họp cấp cao lần thứ 4 của các thành viên tham gia tiến trình đàm phán TPP trong ba năm rưỡi qua kể từ khi đàm phán được khởi động vào tháng 3-2010 nhằm đi đến một hiệp định thương mại tự do giữa 12 quốc gia trên, đồng thời cũng là các thành viên của Diễn đàn APEC.
Các nhà lãnh đạo đã hoan nghênh và đánh giá cao ý nghĩa của việc ba nước Nhật Bản, Canada và Mexico cùng tham gia vào quá trình đàm phán hiệp định này trong năm 2013.
Cuộc họp đã thông qua “Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương” và “Báo cáo của các Bộ trưởng Thương mại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương”.
Các nhà lãnh đạo khẳng định Hiệp định TPP là một liên kết kinh tế tiềm năng của khu vực với nội dung hợp tác sâu rộng và tiêu chí cao, đóng góp 40% GDP và 1/3 thương mại toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo nhất trí cùng nỗ lực thúc đẩy đàm phán theo lộ trình, giải quyết các vấn đề còn lại để hoàn tất đàm phán trong năm 2013 nhằm đạt một hiệp định toàn diện, cân bằng, tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ đánh giá của các thành viên cùng quyết tâm thúc đẩy đàm phán.
Chủ tịch nước đề nghị cần có cách tiếp cận thực tế, linh hoạt, tính đến sự khác nhau về trình độ phát triển giữa các thành viên, quan tâm thỏa đáng hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực thực thi cam kết nhằm hiện thực hóa những cơ hội và tiềm năng hợp tác mà liên kết này có thể mang lại.
Có thể nói, Hiệp định TPP, cùng với các cơ chế liên kết kinh tế quan trọng khác trong khu vực, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ASEAN với các đối tác, Diễn đàn APEC, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… đang tạo ra những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển năng động, duy trì vai trò đầu tàu về tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới của khu vực, tiến tới hình thành Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)./.
Tin mới cập nhật
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu ( 16/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược ( 14/01)
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)