Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận hội nghị. Ảnh: VGP.
Những thành tựu đáng tự hào
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của nước ta trong năm 2020, năm nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh. Những thành tựu mà nước ta đã đạt được là rất đáng tự hào.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành đồng bộ các công cụ, giải pháp chính sách tiền tệ đúng thời điểm, hợp lý để phản ứng nhanh nhạy, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Hệ thống ngân hàng đã tích cực thực hiện đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, từ đó nâng cao hiệu quả trung chuyển vốn cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đặt nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh là trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành, vào cuộc rất sớm. Đến ngày 14-12, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại nợ cho khoảng 270.000 khách hàng, với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, năm 2020, ngành xây dựng tăng trưởng 6,6%, cao nhất trong các ngành kinh tế. 6 năm qua, hầu như không có bong bóng bất động sản, dù đã thu hút 17 tỷ USD vốn FDI. Công tác sản xuất vật liệu xây dựng phát triển mạnh. Ngành xây dựng hoàn toàn có đủ năng lực để tự thiết kế và thi công mọi công trình, mọi quy mô đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói, ngành y tế đang biến nguy thành cơ, bắt đầu bước vào chặng đường đổi mới mạnh mẽ toàn diện ngành y tế để phục vụ người dân được tốt hơn; đổi mới mạnh mẽ chất lượng khám chữa bệnh; đổi mới phương thức chi trả bảo hiểm y tế; đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế đầu tư; tiếp tục sắp xếp hệ thống y tế một cách phù hợp hiệu quả; hình thành các khu công nghiệp dược công nghệ cao, thu hút đầu tư sản xuất trang thiết bị y tế trong nước.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, năm 2020, giải ngân xây dựng cơ bản tốt nhất nhiệm kỳ và trong 10 năm qua, đạt tỷ lệ 90%, khoảng 600 nghìn tỷ. Riêng Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân 36 nghìn tỷ trong tổng số 40 nghìn tỷ đồng và phấn đấu giải ngân 100%.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến chia sẻ, ở khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, số hộ thiếu đói giảm 75,9% so với năm 2019. Năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng đã xuất 733 nghìn tấn gạo để bảo đảm an sinh, xã hội, chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhắc lại những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, các chỉ số phát triển kinh tế, trong đó bao gồm công nghiệp, thương mại nội địa và thương mại quốc tế đều đạt con số khả quan.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, chưa có năm nào 63 tỉnh, thành phố vào cuộc với khu vực nông nghiệp mạnh mẽ như năm nay. Chính vì vậy, việc huy động tổng nguồn lực đã đạt được kết quả khi 58 tỉnh, thành phố đã có bước bứt phá cao về nông nghiệp. Xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt hơn 41 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2019. Cùng với đó nhiều chỉ tiêu khác về nông thôn mới cũng đạt và vượt chỉ tiêu, tái cơ cấu nông nghiệp đã bắt đầu có tác động tích cực tới nhiều địa phương, điển hình nhất hiện nay là có đến một nửa lượng sản phẩm OCOP là sản phẩm của các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông báo, mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2020 nhưng kết quả kinh tế - xã hội, thu ngân sách khá toàn diện và tích cực. Kết quả thu cân đối ngân sách nhà nước đến hết 28-12 đã đạt 1.426 nghìn tỷ đồng, bằng 94,32% dự toán, cao hơn hơn 101,4 nghìn tỷ đồng so với ước tính đã báo cáo Quốc hội.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP.
Năm 2021, nhiệm vụ vẫn nặng nề
Nhấn mạnh rằng, năm 2021, nước ta cũng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách nên nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ rất nặng nề, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến kiến nghị, đề xuất rất cụ thể để triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu ý kiến, nước ta vẫn phải kiên quyết thực hiện mục tiêu kép, thực hiện phương châm đã được Chính phủ đề ra. Tiếp tục 3 đột phá chiến lược trên nền tảng khát vọng phát triển. Công tác xây dựng thể chế đòi hỏi phải có đột phá mới, đẩy mạnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, trong đó lưu ý giải pháp một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định. Đặc biệt, cần chủ động phòng tránh các vụ khiếu kiện đầu tư, thương mại quốc tế. Cơ chế phối hợp giải quyết các vụ việc này đã được Thủ tướng ban hành, các địa phương cần tập trung xử lý các vướng mắc ngay từ ban đầu, Bộ Tư pháp chủ trì xử lý vấn đề này cho thật tốt.
Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, giai đoạn tới, nguồn vốn ODA rất hạn hẹp với lãi suất cao hơn, do đó, khi tính toán phương án vay ODA phải tính toán rất kỹ và phải đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Thời gian tới, cho dù có vắc-xin thì tình hình dịch Covid-19 cũng vẫn rất căng thẳng. Từ nhận định như vậy, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền để các gia đình có người thân ở nước ngoài không để người thân nhập cảnh trái phép, không vì ngại cách ly mà gây họa cho cộng đồng. Chính quyền địa phương, công an địa phương… phải sát sao, theo dõi kỹ bằng nhiều giải pháp những người sau cách ly.
Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tới công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch; tập trung lập quy hoạch tổng thể quốc gia, đất đai, quy hoạch vùng và quy hoạch của các Bộ quản lý chuyên ngành, các quy hoạch tỉnh, để cơ bản xong trong năm 2021. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn; tập trung thực hiện các thủ tục đầu tư; đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn cho những dự án chậm tiến độ về thủ tục, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn.
Bắt tay vào việc ngay từ đầu năm
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại 2 câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại hội nghị này: Năm 2020 thành công hơn 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt. Những kết quả, thành tích đó đã góp phần làm nên những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ khoá XII và thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Thủ tướng bày tỏ phấn khởi vì chưa bao giờ các ý kiến nhất trí, đồng thuận cao như tại hội nghị lần này, nhất là về đánh giá kết quả 2020 và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.
Cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá, các ý kiến đều cho thấy quyết tâm, khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Nhấn mạnh rằng, các địa phương gửi 319 kiến nghị cụ thể về các vấn đề lớn của đất nước, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết 01, 02 để trình Thủ tướng ký ban hành ngay từ ngày đầu năm 2021; đồng thời yêu cầu các tư lệnh ngành không được im lặng với đề nghị của các địa phương. Các bộ ngành, địa phương thường xuyên trao đổi, xử lý các vấn đề bức xúc trong sản xuất kinh doanh, không văn bản qua, giấy tờ lại, mất thời gian, mất cơ hội kinh doanh.
Sang năm 2021, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương không được chủ quan, nền kinh tế còn nhiều hạn chế, yếu kém, đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua; bắt tay vào việc ngay từ đầu năm; cần có tâm huyết, sáng tạo, lăn xả, hy sinh làm việc cho bộ, ngành mình phát triển.
Hội nghị đã thống nhất với chủ đề năm 2021 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển". Nhấn mạnh điều này, Thủ tướng kêu gọi cả nước phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị với niềm tin và khát vọng mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu thành công và toàn diện các mục tiêu, định hướng chiến lược, sớm thực hiện hóa khát vọng phát triển để 2045 đưa Việt Nam thành nước có thu nhập cao.
Nhắc lại mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 mà Quốc hội đề ra là 6%, Thủ tướng nêu quyết tâm, Chính phủ và Thủ tướng đặt ra mục tiêu phấn đấu là 6,5% hoặc cao hơn.
Trước thềm năm mới và Tết Nguyên đán Tân Sửu, Thủ tướng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương không lơ là với dịch Covid-19; quản lý thị trường để ổn định giá cả không để xuất hiện hàng gian, hàng giả; bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân; tập trung lo cho người dân đón Tết vui tươi, an toàn, nhất là người dân vùng yếu thế, khó khăn, vùng thiên tai.
Thủ tướng nhấn mạnh chỉ đạo không tổ chức đi chúc tết cấp trên, lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm biếu tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức…
Nguồn: Chiến Thắng/qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)