Bộ Atlas khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
EmailPrintAa
08:42 14/05/2014

Bộ Atlas này gồm 6 tập khổ lớn do nhà Địa lý học Philippe Vandemaelen- người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ xuất bản năm 1827.

Chiều 13/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin-Truyền thông tổ chức lễ tiếp nhận và công bố bộ Atlas thế giới Bruxelles – 1827 khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bộ Atlas này gồm 6 tập khổ lớn do nhà Địa lý học Philippe Vandemaelen (1795-1869), người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ xuất bản năm 1827. Trong đó, tập 2 – châu Á, có bản đồ vẽ đường bờ biển miền Trung Việt Nam thể hiện quần đảo Hoàng Sa một cách rõ ràng, chi tiết và chính xác, kèm theo bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam.

Tài liệu này được các nhà sử học Pháp và Bỉ đánh giá là có trị giá trị khoa học và pháp lý cao trong việc khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại lễ tiếp nhận, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông đánh giá bộ Atlas thế giới của Philipppe Vandermaelen là tài liệu khoa học, pháp lý quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Việc công bố bản đồ này có ý nghĩa rất quan trọng khi trong thời gian gần đây, tình hình Biển Đông trở nên vô cùng căng thẳng với việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động tại khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Bộ Atlas thế giới Bruxelles 1827 mà Bộ Thông tin- Truyền thông tiếp nhận là một bằng chứng quan trọng trong các căn cứ pháp lý này. Bộ Thông tin-Truyền thông sẽ tiếp tục đẩy mạnh sưu tầm, thẩm định, công bố, các tài liệu, bản đồ, ẩn phẩm liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam phục vụ công tác tuyên truyền trong nước và quốc tế về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son tiếp nhận Bộ Atlas 

Là một trong những người có công sưu tầm và đưa bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen về Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, theo tập bản đồ này, phần Partie de la Cochinchine, Việt Nam được giới thiệu trong các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110 đều có ghi chú rõ ràng, quần đảo Hoàng Sa (Paracels) thuộc chủ quyền của Đế chế An Nam (Empire d’An-nam). Và Partie de la Cochinchine là bản đồ đầu tiên đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ đặt khu vực Cochinchine là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam, minh chứng một cách rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở Paracels đã được quốc tế ghi nhận.

Tấm bản đồ số 106 vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 tới vĩ tuyến 16 (thuộc khu vực Trung kỳ, Đàng Trong của Việt Nam lúc bấy giờ). Tấm 110 thể hiện khu vực Nam kỳ của Việt Nam.

Trong đó tấm bản đồ 106, có tên “Bản đồ xứ Đàng Trong” có vẽ quần đảo Hoàng Sa cụ thể, chi tiết và chính xác. Tấm bản đồ này còn đặt trong mối tương quan với các đảo và khu vực ven bờ như Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Quy Nhơn, Nha Trang.

 

Hơn nữa, tại phần chú thích trên tấm bản đồ 106, Philippe Vandermaelen còn ghi rõ “Đế chế An Nam” với thông tin về địa lý, chính trị, địa hình… rất đầy đủ và chi tiết. Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc với cách làm khoa học, nhà địa lý học Vandermaelen thể hiện rất rõ chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc còn chỉ ra cùng trong bộ Atlas thế giới, nhà địa lý học Philippe Vandermaelen cũng thể hiện rõ ràng đường biên giới của Trung Quốc. Cụ thể, tấm số 97 vẽ đường biên giới của Việt Nam với Trung Quốc và điểm cực Nam của Trung Quốc kết thúc ở vĩ độ 22. Còn đường biên giới biển của Trung Quốc chỉ đến phía trên vĩ tuyến thứ 18.

Tất cả các bản đồ của Trung Quốc và các bản đồ phương Tây từ thế kỷ XX trở về trước đều cho thấy cực Nam của Trung Quốc là ở đảo Hải Nam, trên vĩ tuyến thứ 18. Và cách thể hiện biên giới của Trung Quốc tại Atlas của Philippe Vandermaelen cũng trùng với bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ của Trung Quốc (1904). Hai bản đồ này đều thể hiện cực Nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam. Còn khu vực quần đảo Hoàng Sa (Paracels) là của Việt Nam.

 

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhận định, bộ Atlas này có thể được coi là một tài liệu vô giá, là bằng chứng hùng hồn, có giá trị pháp lý cao khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm từ năm 1974”.

Giáo sư Nguyễn Bá Diến, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, bộ Atlas đã bổ sung thêm vào kho bằng chứng khổng lồ, khẳng định quyền chủ quyền không thể chối cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tấm bản đồ này cũng đã khẳng định, hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc là ngang ngược, đi ngược lại luật pháp quốc tế và xâm phạm nghiêm trọng tới quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Được biết, công cuộc sưu tầm bộ bản đồ này rất đặc biệt, bộ bản đồ được một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Pháp phát hiện tại hiệu sách cổ Sanderus, số 32 Nederkouter, thành phố Gent, nước Bỉ.

Từ những thông tin ban đầu này, ông Ngô Chí Dũng, Tổng giám đốc Công ty Dược phẩm ECO đã tài trợ kinh phí cho việc khảo sát 5 bộ Atlas ở các thư viện quốc gia Pháp, Bỉ, thư viện địa lý hoàng gia Bỉ, thư viện Trường ĐH Y Paris; thảo luận và thống nhất đánh giá với các chuyên gia địa lý học, bản đồ học, sử học, luật học, thư viện học ở Paris, Bruxelles để có cơ sở xác định bộ Atlas này là bộ gốc xuất bản tại Bruxelles năm 1827.

Sau khi khẳng định nguồn gốc, bộ Atlas này đã được mua và đưa về Việt Nam để làm rõ nét thêm cơ sở lịch sử và pháp lý về quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Việc tiếp nhận và công bố bộ bản đồ này là một trong những hoạt động thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về “Tăng cường công tác sưu tầm, thẩm định, công bố, sử dụng các tài liệu, bản đồ, ấn phẩm liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam”./.


    Ý kiến bạn đọc