Bộ GD-ĐT và cá nhân Bộ trưởng nhận thấy có trách nhiệm trong việc quy hoạch, xây dựng chế độ chính sách.
Học giả, bằng thật là có thật
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về nạn học giả, bằng thật, mua bán bằng cấp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận cho biết đây là hiện tượng có thật. Tuy nhiên việc mua bán bằng cấp chỉ diễn ra đối với các cá nhân, tổ chức bên ngoài, ngành giáo dục chưa phát hiện trường hợp một nhà trường nào bán bằng cấp.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Cục Xuất nhập cảnh thông báo đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để ra nước ngoài làm việc. Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng, giúp phía công an phát hiện, xử lý các trường hợp này. Bộ cũng đã tham gia xác minh, kết luận nhiều vụ sử dụng bằng giả, trong đó có cả trường hợp là cán bộ ở các cơ quan Nhà nước.
Về giải pháp ngăn chặn nạn sử dụng, mua bán bằng giả, Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục công khai danh sách học sinh, sinh viên tốt nghiệp (kể cả cao học, tiến sỹ…) lên website để các cơ quan sử dụng lao động, cơ quan quản lý có thể đối chiếu, tìm thông tin về người lao động. Tuy nhiên, hiện phần mềm mới cập nhật số học sinh, sinh viên tốt nghiệp 3 – 4 năm trở lại đây.
Bộ cũng sử dụng phần mềm để phát hiện việc sao chép luận án để tránh “học giả, bằng thật”. Bên cạnh đó, tập huấn cho toàn bộ hệ thống thanh tra giáo dục các cấp; phối hợp thanh tra, kiểm soát hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong đó có việc phát hiện, xử lý việc sử dụng bằng giả.
27,5 điểm vẫn trượt đại học là điều không ngạc nhiên
Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Minh về việc sinh viên thi trường y được 27,5 điểm vẫn trượt, trường xin thêm chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT không cho, trong khi bác sỹ, nhân viên y tế vùng sâu, vùng xa còn thiếu trầm trọng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Việc tuyển sinh đã được Bộ GD-ĐT phân cấp cho các trường đại học tự chủ trên cơ sở điểm sàn.
Theo đó, hiệu trưởng trường đại học tự quyết định điểm chuẩn, Bộ GD-ĐT không có quyền trong việc này. Trường y có nhiều học sinh giỏi thi vào, do đó trường hợp 27,5 điểm vẫn trượt là điều không đáng ngạc nhiên và các em có quyền lựa chọn vào các trường khác.
Đối với y tế vùng sâu, vùng xa, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: “Y tế vùng khó khăn đã có hướng đào tạo theo địa chỉ, đào tạo tại chỗ. Đến nay, chúng tôi chưa thấy có cháu nào người dân tộc thiểu số thi đạt 27 điểm mà trượt cả”.
Chưa thể giải quyết triệt để thất nghiệp
Đối với câu hỏi “cử nhân bán nước mía, thạc sỹ gia sư” trước tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, đây là vấn đề chưa thể giải quyết triệt để. Bộ GD-ĐT và cá nhân Bộ trưởng nhận thấy có trách nhiệm trong việc quy hoạch, xây dựng chế độ chính sách.
Nguyên nhân của tình trạng thất nghiệp là chúng ta đã bỏ chế độ nhà trường phân công công tác sau khi sinh viên tốt nghiệp. Từ khi đổi mới, người lao động có thể lựa chọn làm việc ở nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài công lập; quy trình đào tạo và lao động cũng được tách riêng rẽ.
Bộ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT đã thành lập Trung tâm phát triển nguồn nhân lực, từ đó xác định nguồn lực ở nhiều khu công nghiệp mới để có hướng giải quyết tình trạng thất nghiệp hiện nay./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)