Bổ nhiệm công chức: Phải chỉ rõ “địa chỉ” yếu kém
EmailPrintAa
08:49 23/08/2013

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị báo cáo giám sát phải thể rõ mức độ và trách nhiệm cụ thể.

Sáng 22/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ công chức, viên chức (từ 1/1/2010 đến 31/12/2012), do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày.

Ứng dụng công nghệ tin học vào thi tuyển

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, việc thực hiện tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm đã từng bước đi vào nề nếp. Tuy nhiên, việc chậm xây dựng hệ thống danh mục vị trí việc làm cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến những khó khăn, lúng túng trong việc tổ chức thi tuyển công chức theo vị trí việc làm và tổ chức thi môn nghiệp vụ chuyên ngành ở các Bộ, ngành, địa phương hiện nay.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng nội dung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã thể hiện tinh thần cải cách hành chính, như: tăng cường phần cấp gắn với quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức. Nội dung, chương trình đạo tạo, bồi dưỡng dần được hoàn thiện, thống nhất, bám sát nhu cầu thực tiễn của hoạt động công vụ.

Nhìn chung công tác bổ nhiệm, luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan và công khai, minh bạch. Một số địa phương đã mạnh dạn tổ chức thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp sở, phòng và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Công tác luân chuyển đã góp phần đào tạo, thử thách cán bộ qua thực tiễn và tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục một bước xu hướng cụ bộ, khép kín, trì trệ trong đội ngũ cán bộ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng cho rằng, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Để nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng công chức, viên chức, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức; giữ gìn kỷ cương, kỷ luật và quy chế tổ chức các kỳ thi tuyển, xét tuyển; nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách tổ chức thi tuyển công chức và tổ chức các kỳ thi tuyển mang tính quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, mục tiêu đặt ra đến tháng 6/2014, 100% các Bộ, ngành, địa phương triển khai việc xác định vị trí việc làm thuộc phạm vi quản lý. Đến 2015, 100% các cơ quan ở Trung ương và 70% các cơ quan ở địa phương thực hiện ứng dụng công nghệ tin học vào thi tuyển

Phải chỉ rõ nơi nào làm tốt hoặc chưa tốt

Dự và phát biểu tại hội nghị giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng báo cáo cần có đánh giá toàn diện hơn, nêu rõ được mặt tốt, chưa tốt và trách nhiệm thuộc về ai để có giải pháp, hướng xử lý sau giám sát. 

Theo đó, báo cáo phải thể hiện được sau thời gian thực hiện Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay như thế nào, cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng như thế nào trong công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Thi cử, tuyển dụng công chức, viên chức khó có thể nói là không có tiêu cực 

Có thông tin số lượng công chức ở cấp xã quá đông nhưng trình độ, năng lực đáp ứng vị trí công việc còn hạn chế. Thực tế thế nào, qua giám sát cho thấy điều gì để chấn chỉnh? Hay về số công chức, viên chức “ngồi chơi xơi nước” có đúng như phản ánh không? Tiêu cực trong thi cử, tuyển dụng không thể nói là không có. Vậy mức độ, nguyên nhân, giải pháp thế nào?”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh rằng, việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ công chức, viên chức là nội dung giám sát rất quan trọng, được dư luận rất quan tâm. Do đó, báo cáo cần thể hiện rõ nét hơn. 

Đã là báo cáo giám sát thì phải có địa chỉ, tức chỉ ra được nơi nào làm tốt hay chưa tốt. Thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề nên chúng ta không ngại đưa ra những tồn tại, yếu kém, tiêu cực hiện nay”, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ và thống nhất các số liệu. Việc những tỉnh có các điều kiện tương ứng nhưng tỉnh này có nhiều chuyên viên chính, tỉnh kia lại rất ít thể hiện điều gì? Vì sao số lượng công chức, viên chức chưa qua đào tạo ở nhiều cơ quan lên đến cả hàng nghìn người. Hiệu quả số cán bộ, công chức được gửi đào tạo ở nước ngoài ra sao? Ngoài ra, một nội dung quan trọng trong giám sát là về cán bộ nhưng báo cáo chưa thể hiện rõ.

Về những nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết sẽ tiếp thu, phối hợp với đoàn giám sát tiếp tục hoàn thiện báo cáo, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo đúng kế hoạch vào tháng 9 tới./.


    Ý kiến bạn đọc