Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tiền đóng góp của người dân sẽ được sử dụng hiệu quả
EmailPrintAa
16:19 24/04/2012

Sáng 24/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã giải trình trước Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội về thực trạng vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ.
Tham gia giải trình còn có lãnh đạo các Bộ: Công an, Tài chính, đại diện UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Kiến nghị tăng mức phạt, tịch thu xe đua
Báo cáo trước Ủy ban Pháp luật, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng nhấn mạnh: Vi phạm hành chính về giao thông đường bộ trong nhiều năm qua luôn là vấn đề bức xúc trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông đường bộ. Trong năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2012, trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý trên 8,3 triệu trường hợp vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, thu nộp Kho bạc Nhà nước trên 2.382 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, các vi phạm phổ biến là đi sai phần đường, không đội mũ bảo hiểm, lái xe khi đã uống rượu bia, lấn chiếm lòng lề đường, chở quá tải trọng… Trong khi ở các thành phố lớn, các vi phạm như: Vượt đèn đỏ, đua xe, chống người thi hành công vụ, trông giữ xe trái phép… chiếm tỉ lệ lớn.
Để xử lý nghiêm các vi phạm, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu những vướng mắc đã nêu để hoàn thiện dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ lên 200 triệu đồng (gấp 5 lần mức phạt hiện hành) vì cho rằng, hiện nay, ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông rất trầm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đường bộ; đồng thời, đề nghị nâng mức tiền xử phạt cho thanh tra viên và chiến sỹ công an nhân dân lên 2 triệu đồng.
Bộ GTVT cũng đề nghị tịch thu, sung công đối với các trường hợp đua xe trái phép (không phân biệt chủ sở hữu), tạm giữ phương tiện đối với người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Bộ cũng kiến nghị quy định chủ xe ô tô phải mở và duy trì tài khoản tại ngân hàng, coi đây là điều kiện bắt buộc để tham gia giao thông…
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh, để thực hiện giảm tai nạn và ùn tắc giao thông thì giải pháp tăng mức phạt và thu phí chỉ là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp đồng bộ khác (cơ chế tài chính, đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật giao thông,…) mà Bộ đang thực hiện.
Đề cao trách nhiệm của người thực thi công vụ
Là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lo ngại, với 8,3 triệu vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông năm 2011 là con số khổng lồ, song vẫn chưa phản ánh hết tình hình vi phạm. Theo ông, nhiều vụ không xử lý, nhiều vụ không được phát hiện. Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển yêu cầu Bộ trưởng Đinh La Thăng giải trình thêm về trách nhiệm quản lý của Bộ GTVT.
Nhắc đến đề nghị tăng tiền phạt của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển băn khoăn: “Bộ đề nghị được tăng quyền xử phạt, tăng tiền phạt, tăng phí, tăng đầu tư giao thông nhưng lại ít nói về giải pháp để tăng trách nhiệm, ý thức của cán bộ giao thông?”.
Trả lời vấn đề Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nêu, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, liên tiếp 3 năm qua, số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương đều giảm. Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho hay, Bộ đã thực hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với hệ thống giải pháp đồng bộ, cả về lâu dài lẫn giải pháp cấp bách.
Về giải pháp lâu dài, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản, hoàn thiện chiến lược phát triển giao thông vận tải. Hiện chiến lược tổng thể đã được Chính phủ đồng ý. Căn cứ vào đó, Bộ sẽ sửa đổi các quy hoạch, quy hoạch vùng; tăng lưu lượng trên đường Hồ Chí Minh để giảm tải cho Quốc lộ 1; giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ; xây dựng hệ thống giám sát xử lý vi phạm an toàn giao thông…
Về các giải pháp cấp bách, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Bộ đang triển khai hàng loạt các giải pháp để thực hiện năm an toàn giao thông 2012; tăng cường công tác kiểm tra; thực hiện chống tiêu cực trong công tác tuần tra, xử phạt; nâng cao công tác tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông; kiểm định xe cơ giới…
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng thừa nhận, ùn tắc, tai nạn giao thông do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do người thực thi công vụ. “Bộ GTVT đã có Đề án riêng nhằm nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, từ lực lượng quản lý đến người thực hiện là thanh tra giao thông” – Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Cần chế tài mạnh với xe chở quá tải
Tình trạng chủ xe cải tạo tăng kích thước thùng chở hàng của ô tô so với thiết kế của nhà sản xuất để chở hàng vượt quá tải trọng thiết kế, gây hư hỏng nghiêm trọng đến cầu, đường bộ, gây mất an toàn giao thông được các đại biểu quan tâm chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá cho rằng, báo cáo của Bộ Giao thông vận tải mới đánh giá mờ nhạt về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, việc cơi nới thùng xe để tăng tải trọng so với thiết kế là một vấn đề cần quan tâm. Nếu không xử lý kiên quyết và tận gốc thì vấn nạn xe quá tải sẽ tiếp tục gây những thiệt hại to lớn đến hệ thống hạ tầng, làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, có hai đối tượng cần phải lưu ý là xe chở khách và xe chở hàng hóa. Theo đại biểu, hai đối tượng này đều để lại hậu quả nặng nề. Xe chở khách quá tải thì gây tai nạn nghiêm trọng, xe chở hàng quá tải thì gây hỏng đường. Vì vậy, đại biểu cho rằng, Bộ GTVT cần quan tâm đối tượng này, cần có chế tài mạnh để xử phạt. “Tại sao ta tính đến chuyện tịch thu xe của đối tượng đua xe mà không giữ của đối tượng này?” – Đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ.
Trả lời vấn đề các đại biểu nêu, Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận, thực tế hiện nay, nhiều xe chở quá tải và đây cũng là một nguyên nhân gây hỏng đường. Theo Bộ trưởng, biện pháp hiện nay mới chỉ là dừng và phạt chứ chưa có quy định thu xe. Bộ GTVT đã thí điểm 2 trạm cân tại Quảng Ninh và Đồng Nai, và dự kiến tháng 5 này, sẽ trình Chính phủ Đề án kiểm tra tổng thể tải trọng xe trên toàn quốc.

Liên quan tới việc thu phí bảo trì đường bộ, đại biểu Trần Ngọc Vinh thẳng thắn nêu thực trạng, Bộ GTVT dùng tiền đầu tư vào các công trình gây thất thoát nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết. Trong khi đó, đời sống đại bộ phận người dân còn khó khăn thì Bộ lại đề xuất thu phí bảo trì đường bộ khiến người dân không đồng thuận.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội cũng đề nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết có giải pháp nào hiệu quả mà ít tốn kém, hạn chế việc buộc người dân phải đóng góp không?.
Trả lời vấn đề, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, tiến hành thu phí bảo trì đường bộ là thực hiện theo luật Đường bộ ban hành từ 2008. Bộ GTVT chỉ là người thực hiện. Theo Bộ trưởng, đáng ra phải thực hiện thu phí này sau khi Luật có hiệu lực chậm nhất là 6 tháng, đến giờ mới thu là quá muộn. Bộ trưởng nhận đây là thiếu sót của ngành.

Bộ trưởng GTVT cũng bày tỏ: “Các giải pháp chúng tôi đưa ra là hết sức đồng bộ chứ không chỉ là thu tiền của dân. Chúng tôi đề xuất căn cứ trên chủ trương của Quốc hội và Chính phủ chứ không phải thích là thu. Thu thế nào đều có tính toán lộ trình, mức thu đảm bảo sức đóng của người dân. Đồng tiền của người dân đóng góp sẽ được sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí”.
Giải trình thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Thị Minh cho biết: Tinh thần xây dựng quỹ bảo trì đường bộ là để sử dụng duy tu làm cho hạ tầng giao thông tốt hơn. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng cũng cần cân nhắc thời gian, mức độ thu để có sự đồng thuận của toàn xã hội./

    Ý kiến bạn đọc