Cách mạng Tháng Tám 1945 - Thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
EmailPrintAa
09:11 19/08/2013

Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi là kết quả của 15 năm đấu tranh kiên cường bất khuất của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đây chính là cuộc hồi sinh vĩ đại của sức mạnh toàn kết toàn dân tộc biết tạo thời cơ và biết chớp thời cơ một, vùng lên giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội.

Đoàn kết là bài học có tính quy luật đã được tổng kết và kiểm chứng nhiều lần trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta. Hơn nữa, đoàn kết đã trở thành một giá trị tiêu biểu trong nền văn hoá chính trị Việt Nam, truyền thống cũng như hiện đại. Vì sự tồn vong của quốc gia, dân tộc Việt Nam luôn luôn ý thức sâu sắc “nước mất thì nhà tan” và họ cũng ý thức được sự đoàn kết và chỉ khi nào khối đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc thì nội lực dân tộc mới có cơ hội phát huy tốt, đất nước trở nên thái bình, thịnh trị, dân chúng yên vui, hạnh phúc.

Biến nước ta thành thuộc địa dưới chiêu bài “khai hoá văn minh”, thực dân Pháp đã thực thi chính sách “chia để trị” rất thâm độc, hòng khoét sâu thêm những dị biệt vốn có, làm cho các mâu thuẫn và những xung đột nội bộ trong lòng dân tộc Việt Nam ngày càng trở nên gay gắt hơn. 

Từ rất sớm các lãnh tụ của phong trào yêu nước như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... đã sớm nhận ra rằng chừng nào toàn dân tộc ta chưa thực sự đồng tâm, nhất trí, đoàn kết lại dưới một ngọn cờ thì chừng đó dân tộc ta chưa thể tự mình giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Vì vậy, các cụ không ngừng kêu gọi lòng “ái quốc” và sự “đồng tâm” của toàn dân tộc: Nghìn muôn ức triệu người chung góp/Gây dựng nên cơ nghiệp nước nhà.../Có trời, có đất, có ta/Đồng tâm như thế mới là đồng tâm!

Lời kêu gọi “đồng tâm” thống thiết của Phan Bội Châu và các lãnh tụ yêu nước lúc đó đã góp phần thức tỉnh ý thức dân tộc và lòng yêu nước của nhiều lớp người Việt Nam. Song, lời kêu gọi dù thống thiết đến đâu mà thiếu cơ sở lý luận, thiếu những phương tiện, biện pháp cụ thể thì khối đại đoàn kết dân tộc cũng không thể trở thành hiện thực. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân căn bản nhất dẫn tới sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết cách mạng tiên tiến nhất của thời đại. Năm 1924, Người từ Liên Xô về Quảng Châu, Trung Quốc, lập ra Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, quy tụ những thanh niên - trí thức yêu nước ưu tú, mở nhiều lớp huấn luyện để đào tạo thành một lớp cán bộ tài năng đầu tiên của Đảng, chuẩn bị làm kách mệnh. Vì theo Người: “Kách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”. Ảnh hưởng của Hội đến các phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam rất sâu rộng, các phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động phát triển rất sôi nổi, đòi hỏi phải thành lập Đảng Cộng sản để đưa phong trào tiếp tục tiến lên. Đáp ứng yêu cầu lịch sử, ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam liên tiếp ra đời: Đông Dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản liên đoàn. Các tổ chức cộng sản cùng mục đích, cùng lý tưởng nhưng hoạt động riêng rẽ, công kích tranh giành ảnh hưởng của nhau. Mặt khác lợi ích của dân tộc và nguyên tắc tổ chức của chính đảng Mác-Lênin không cho phép tồn tại sự phân hoá lực lượng. Việc thống nhất ba tổ chức cộng sản để thành lập một Đảng thống nhất là nhu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam đặt ra.

Được sự uỷ nhiệm của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc kịp thời xuất hiện! Với uy tín và tài năng của mình, Người đã đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930. Người là trung tâm của sự đoàn kết dân tộc, gạt bỏ các bất đồng trước đó và đi tới thống nhất phong trào cộng sản Việt Nam là: “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương”.

Sự ra đời của Đảng với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn ngay từ đầu là một bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam, tạo ra nhân tố hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đây là tiền đề quan trọng nhất cho thắng lợi hoàn toàn của cuộc đấu tranh giải phóng và cho cuộc hồi sinh của dân tộc Việt Nam.

Ngay sau khi Đảng ra đời, một cao trào cách mạng sôi nổi đã diễn ra trên phạm vi cả nước với đỉnh cao là hàng chục cuộc biểu tình ở Nghệ An và Hà Tĩnh dẫn đến sự ra đời của các làng đỏ - Xô viết. Tuy phong trào nhanh chóng bị dìm trong bể máu nhưng trong cao trào cách mạng này “công nông đã bắt tay nhau giữa trận tiền” - yếu tố nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc đã hình thành trên thực tế, làm nên cao trào cách mạng sôi nổi trong cả nước, đỉnh cao là Xô viết - Nghệ Tĩnh. 

Thời kỳ 1936-1939, điều kiện trong nước và thế giới có nhiều biến đổi quan trọng, Đảng đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đổi mới mạnh mẽ công tác vận động và tổ chức quần chúng. Một cao trào đấu tranh mạnh mẽ tiếp tục dâng cao khắp cả nước, lôi cuốn không chỉ hàng triệu quần chúng công nhân, nông dân, mà cả những tầng lớp yêu nước khác như trí thức, tiểu thương, tiểu chủ, địa chủ, thân hào và tư sản dân tộc... Đến thời kỳ này khối đoàn kết dân tộc được mở rộng và củng cố thêm một bước, tạo điều kiện đoàn kết hết thảy các giai tầng trong cả nước vùng lên giành chính quyền khi thời cơ chín muồi!

Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ vào ngày 1-9-1939, tình hình quốc tế và trong nước chuyển biến hết sức mau lẹ và sâu sắc. Tháng 11-1939, Đảng ta đã kịp thời điều chỉnh đường lối chiến lược và sách lược cho phù hợp với tình hình. Với sự trở về của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 8 của Đảng họp vào từ ngày 10 đến 19-5-1941 đã hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng, mở ra con đường đi tới thắng lợi của cuộc đấu tranh yêu nước, giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Hội nghị khẳng định: “... cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”, do vậy: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”[1]. Để phát huy tối đa sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, của tinh thần dân tộc, Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh (Việt Minh), đặt mục tiêu của cuộc cách mạng trong phạm vi từng dân tộc ở Đông Dương để xem xét và giải quyết một cách cụ thể.

Một trong những quyết định quan trọng nhất, trực tiếp liên quan đến việc củng cố khối đoàn kết dân tộc, chuẩn bị lực lượng một cách kiên trì và toàn diện cho cuộc vùng lên giải phóng dân tộc, chính là quyết định thành lập Việt Minh. Trong tuyên ngôn của mình, Việt Minh tuyên bố rõ ràng: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở”[2].

Sự ra đời của mặt trận Việt Minh đánh dấu một bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho một cuộc hồi sinh vĩ đại. Lần đầu tiên chủ trương đoàn kết dân tộc của Đảng được đặt trên cơ sở của chính chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ trương này được thực hiện nhất quán trong công tác vận động quần chúng của Đảng. Các đoàn thể trong mặt trận Việt Minh đều được gọi là Cứu quốc hội. Trong các tài liệu tuyên truyền hàng ngày của Đảng, nhất là các tài liệu do Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo, lời kêu gọi đoàn kết dân tộc đã được thay thế cho lời kêu gọi đoàn kết giai cấp và đấu tranh giai cấp. Các biểu tượng như “con Rồng cháu Tiên”, Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Lam Sơn, Bạch Đằng... đã được tôn vinh để cổ vũ tinh thần yêu nước và ý thức đoàn kết dân tộc. Về phương diện tổ chức, với sự ra đời của mặt trận Việt Minh, lần đầu tiên mặt trận dân tộc thống nhất đã trở thành hiện thực. Quan trọng hơn, Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo tỉ mỉ cán bộ Đảng trong việc lập ra hàng chục loại Cứu quốc hội khác nhau để tập hợp tất cả các nhóm trong cộng đồng dân tộc Việt Nam vào một tổ chức có độ cố kết bền vững không chỉ dựa trên tinh thần yêu nước mà còn dựa trên những quy tắc tổ chức giản đơn nhưng rất chặt chẽ. Vì vậy, mặt trận Việt Minh không chỉ làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố không ngừng, mà còn là phương tiện nâng lực lượng của khối đại đoàn kết ấy lên gấp bội thông qua việc biến khối đại đoàn kết ấy thành một tổ chức có sức chiến đấu cao. Cho nên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, thông qua Việt Minh, dân tộc ta không những đã đoàn kết lại mà lần đầu tiên còn biết cách đoàn kết có hiệu quả cao nhất.

Từ sau khi ra đời mặt trận Việt Minh đã nhanh chóng trở thành hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc. Lực lượng cách mạng đứng dưới ngọn cờ đại nghĩa của Việt Minh ngày càng được mở rộng và phát triển không ngừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh của những diễn biến rất phức tạp và mau chóng của thời cuộc, những bất đồng, dị biệt cố hữu của dân tộc vốn được thực dân Pháp và phát-xít Nhật lợi dụng, khoét sâu thêm, không phải dễ dàng gì một sớm một chiều vượt qua được. Trong hàng ngũ những người Việt Nam yêu nước, không ít người đã bị những chiêu bài tuyên truyền của thực dân Pháp, phát xít Nhật hoặc quân phiệt Trung Hoa lung lạc lôi kéo. Trên thực tế, lực lượng yêu nước và khối đại đoàn kết dân tộc cho đến trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn sự chia rẽ, nghi ngại, thậm chí bài xích lẫn nhau. Ngay trong nội bộ Đảng và mặt trận Việt Minh cũng còn tồn tại ở một số địa phương, nhất là ở Trung Kỳ và Nam Kỳ, tình trạng chia rẽ, phân liệt. Đây là tình hình rất nghiêm trọng, nhất là khi thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền đang đến rất gần. Trong một bức thư gửi các cán bộ Đảng ở Trung Kỳ, Tổng bí thư Trường Chinh đã nghiêm khắc chỉ thị: “Phải kíp chạy lại dưới lá cờ chói lọi của Đảng... Không thể biệt phái chia rẽ! Không thể do dự, hoài nghi!”. Đối với cán bộ Đảng ở Nam Kỳ, đồng chí Trường Chinh chỉ rõ: “Chúng ta sẽ phạm phải một tội lớn, nếu trước giờ quyết liệt, chúng ta còn chia rẽ mãi”.

Giữa lúc đó, ngay từ ngày 13-8-1945 có tin Nhật Hoàng chấp nhận đầu hàng Đồng minh. Ngay đêm đó, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc đã phát lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 15-8, tin Nhật đầu hàng chính thức được công bố. Tại Tân Trào, từ nhiều ngày trước đó, mặc dù bị ốm nặng, Hồ Chí Minh vẫn quan tâm, hối thúc việc triệu tập Quốc dân Đại hội. Theo chỉ thị của Người, ngày 16-8 Quốc dân Đại hội chính thức khai mạc, tượng trưng cho ý chí, nguyện vọng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua đề nghị tổng khởi nghĩa của mặt trận Việt Minh, để “đem sức ta tự giải phóng cho ta”.

Làn sóng đấu tranh sục sôi do Việt Minh và các lực lượng yêu nước khác tiến hành đã đánh thức và cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết vì đại nghĩa dân tộc của cả những tầng lớp và cá nhân vốn có quá khứ gắn chặt với chế độ thực dân. Cả dân tộc muôn người như một vùng lên giành chính quyền về tay mình. Không khí Tổng khởi nghĩa diễn ra sôi nổi khắp cả nước. Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23-8, Thừa Thiên Huế giành được chính quyền. Hoàng đế Bảo Đại tự tuyên bố “ưng làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước nô lệ”. Ngày 25-8, nhân dân Sài Gòn - Gia Định giành được chính quyền… Hành động vùng dậy lay trời chuyển đất của hàng triệu quần chúng, tạo nên một ưu thế áp đảo, giáng một đoàn quyết định vào tất cả cơ quan đầu não của bọn việt gian, làm tê liệt mọi sự kháng cự của các thế lực thù địch, khiến chúng không kịp trở tay, giành chính quyền về tay nhân dân. Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám đã thành công rực rỡ trong cả nước vào ngày 28-8-1945. Ngày 30-8-1945, Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị, trao ấn vàng, kiếm nạm ngọc lại cho đại diện Việt Minh và kêu gọi hoàng tộc và toàn dân đoàn kết “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.

Chỉ trong vòng 15 ngày, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Ngày 2-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình - Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và khẳng định toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. 

Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 thực sự là biểu trưng, kết quả của khối đại đoàn kết dân tộc - hội tụ của các nguồn xung lực hồi sinh mạnh mẽ của toàn dân tộc trong thời khắc bước ngoặt lịch sử dưới ngọn cờ chói lọi do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Mốc son ấy đã, đang và luôn luôn tỏa sáng, thôi thúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục vượt qua mọi mọi khó khăn, thách thức, tạo ra thế mới, lực mới… thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
--------------------------------

[1] Văn kiện Đảng toàn tập, t.7, Nxb CTQG, H.2000, tr.113.

[2] Sđd, tr.149.

Trung tá Nguyễn Đình Hùng và Thượng uý Lê Đức ThắngHọc viện Chính trị (Bộ Quốc Phòng)


    Ý kiến bạn đọc