Cách nào gỡ điểm nghẽn giải phóng mặt bằng?
EmailPrintAa
16:55 07/06/2022

Tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đang xem xét 5 dự án về hạ tầng giao thông có quy mô lớn gồm 3 dự án đường cao tốc và 2 dự án đường vành đai tại vùng Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cùng với triển khai giai đoạn tiếp theo của Đường Hồ Chí Minh.

Kinh nghiệm từ nhiều dự án hạ tầng thực hiện trước đây cho thấy, muốn bảo đảm tiến độ, chất lượng, một trong những vấn đề đầu tiên cần quan tâm là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Điểm đáng chú ý của các dự án được trình Quốc hội tại kỳ họp này là dù có dự án giai đoạn đầu chỉ đầu tư 4 làn xe nhưng sẽ GPMB theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng quy mô 6-8 làn xe để tạo thuận lợi cho việc mở rộng tuyến đường sau một thời gian đưa vào khai thác.

Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội phối hợp đầu tư công và đầu tư đối tác công-tư (PPP). Ảnh: diendandoanhnghiep.vn.

Khi cho ý kiến về các dự án hạ tầng giao thông tại phiên thảo luận ở tổ, một số ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn với tiến độ thực hiện các tuyến đường và đề nghị cần có giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan thực hiện, ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng của các dự án. Để công tác GPMB được thuận lợi, yếu tố quan trọng hàng đầu là sự ủng hộ của người dân.

Khi lợi ích của người dân được bảo đảm, nhất là với những hộ phải di dời, tái định cư, giúp họ có nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, công tác vận động, thuyết phục sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Đây cũng là cơ sở để các hộ dân có đất bị thu hồi chung tay đóng góp vào công việc chung. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến chuyển đổi nghề nghiệp, tạo kế sinh nhai cho các hộ dân trong vùng dự án, bảo đảm cho họ có nguồn thu nhập ổn định, lâu dài, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Do đặc thù của dự án hạ tầng giao thông có diện tích đất phải thu hồi lớn, đi qua nhiều địa phương nên việc triển khai thu hồi đất thường mất nhiều thời gian. Để bảo đảm tiến độ, các dự án triển khai trong giai đoạn hiện nay đều chú trọng thực hiện trước công tác GPMB.

Đơn cử, Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, cùng với chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, cơ quan chức năng đã khẩn trương bàn giao cọc GPMB cho các địa phương, đến nay đã đạt 682,4/729km (gần 94%). Các đoạn còn lại sẽ hoàn thành bàn giao toàn bộ trước ngày 30-6-2022.

Đồng thời, 12/12 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB và thành lập ban chỉ đạo và hội đồng GPMB để triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm... Khi được triển khai trước một bước, đến lúc dự án khởi công sẽ có ngay mặt bằng để thi công. Với những đoạn phải xử lý nền đất yếu, mất nhiều thời gian, việc có mặt bằng sớm sẽ giúp tiến độ, chất lượng được bảo đảm.

Cùng với đó, mặt bằng của dự án giao thông được tính toán phù hợp với quy hoạch được duyệt. Ví dụ, Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, mặc dù trước mắt chỉ xây dựng 4 làn xe nhưng sẽ GPMB theo quy mô quy hoạch (6-8 làn xe cao tốc) và hệ thống đường đô thị song hành hai bên. Để giữ được quỹ đất dự trữ này, cũng cần quan tâm, quản lý, khai thác hiệu quả, tránh việc tái lấn chiếm trong thời gian chờ xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án.

Nguồn: MẠNH HƯNG/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cach-nao-go-diem-nghen-giai-phong-mat-bang-6966360 )


    Ý kiến bạn đọc