Cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh
EmailPrintAa
16:45 03/05/2018

Ngày 3-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp thường kỳ tháng 4-2018 của Chính phủ.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2018 duy trì ở mức thấp, tăng 2,8% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ. Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng ổn định, thanh khoản toàn hệ thống được bảo đảm, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 4,43%, mặt bằng lãi suất cơ bản không thay đổi.

Thu ngân sách Nhà nước đến hết tháng 4-2018 đạt khoảng 33,8% dự toán, chi đạt 26,9%, tuy nhiên giải ngân vốn đầu tư chỉ đạt 16,3% dự toán. Trong 4 tháng đầu năm 2018, cả nước có hơn 41,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 412 nghìn tỷ đồng; số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh là hơn 26 nghìn doanh nghiệp, giảm 4,1% so với cùng kỳ.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Vốn đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20-4-2018 đạt 8,06 tỷ USD, giảm 23,9% so với cùng kỳ nhưng giải ngân tăng cao, ước đạt 5,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, trong chuyến thăm chính thức Singapore và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 của Thủ tướng Chính phủ, hai bên đã ký kết hơn 20 văn kiện, thỏa thuận hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực thiết yếu với giá trị lên tới gần 3 tỷ USD.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đến nay chúng ta đã đi được 1/3 chặng đường của năm 2018 với nhiều kết quả quan trọng trên các mặt. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội. Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, nhất là những cơ quan đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện các công việc được giao. Trong tháng 4, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành đã tổ chức thành công 4 hội nghị chuyên đề để bàn những nhiệm vụ cụ thể về phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng cũng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức các diễn đàn đầu tư, xúc tiến thương mại, đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Nhiều vấn đề kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đã được quan tâm, xử lý kịp thời như việc công an tỉnh Đắc Nông, TP Hải Phòng đã khởi tố, điều tra những vụ làm ăn gian dối, sản xuất hàng vi phạm pháp luật, phá rừng, từ đó tạo kỷ cương nghiêm minh, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kinh tế-xã hội nước ta trong tháng 4-2018 tiếp tục xu hướng tích cực, toàn diện, biết phát huy những thành quả của năm 2017 và quý 1-2018. Các chỉ tiêu cơ bản của nền kinh tế đạt kết quả tốt, các lĩnh vực đều có chuyển biến, tiến triển theo hướng tốt hơn, tạo được không khí phấn khởi trong làm ăn, kinh doanh, củng cố niềm tin thị trường.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, đã rà soát cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực Công Thương, y tế, giao thông vận tải, xây dựng... Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy PCI bình quân đạt mức cao nhất từ khi thực hiện chỉ số này, phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh đã có thay đổi quan trọng. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp về văn hóa-xã hội, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quốc phòng-an ninh được thực hiện, đặc biệt công tác đối ngoại được chú trọng.

Thủ tướng cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức, tồn tại cần khắc phục để thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm tốt hơn. Trước hết, về kinh tế vĩ mô, mặc dù chỉ số CPI thấp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ giá cả một số mặt hàng tăng cao. Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn thấp, chỉ đạt hơn 16%. “Các bộ, ngành, địa phương phải tìm ra nguyên nhân vốn đầu tư công giải ngân thấp, cũng như trách nhiệm của ai, giải pháp gì”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Bên cạnh đó, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều tiến bộ nhưng phải tiếp tục mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại, cuộc chiến thương mại giữa một số cường quốc có thể là thời cơ nhưng cũng có thể là nguy cơ với nước ta. Thủ tướng cũng lưu ý, phải phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ hơn nữa gắn liền với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng số doanh nghiệp phá sản cũng lớn, trong đó, nhiều khoản phí, lệ phí còn cao, nhiều doanh nghiệp còn bị kiểm tra đi, kiểm tra lại, chồng chéo, gây nhiều khó khăn.

Lĩnh vực văn hóa xã hội cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, bạo lực, nhất là bạo lực với thầy thuốc, nhà giáo, học sinh. Vấn đề quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng còn nhiều bất cập; vấn đề ô nhiễm môi trường còn nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ cháy, nổ lớn; số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông còn cao. Một trong những vấn đề tồn tại lớn là dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm đặc biệt nhưng chất lượng, tiến độ dự án luật trình Quốc hội chưa bảo đảm yêu cầu đề ra. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đặt vấn đề thể chế lên trên hết do vậy lãnh đạo các bộ, ngành phải nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm đối với vấn đề này.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ, các thành viên Chính phủ sẽ thảo luận về báo cáo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh 4 tháng đầu năm 2018; báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm; dự thảo báo cáo của Chính phủ về kế hoạch triển khai thi hành Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; báo cáo về điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), tuyến số 2 (Bến Thành-Tham Lương)...

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc