Cần có cách tiếp cận, giải pháp mới để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”
EmailPrintAa
16:37 30/07/2021

Thủ tướng khẳng định, dịch Covid-19 là dịch bệnh thế kỷ, chưa có thuốc chữa nên cần có cách tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Sáng 30/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và phương án tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đợt dịch Covid-19 thứ 4 này đã trải qua gần 100 ngày; dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng tình của đồng bào, chiến sĩ và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã có nhiều nỗ lực để đẩy lùi dịch bệnh trên phạm vi cả nước.

Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công tác phòng, chống dịch dã đạt được những kết quả tích cực, dịch bệnh một số nơi đã được đẩy lùi.

Chính phủ đã tích cực, quyết liệt triển khai phòng, chống dịch với mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết trước hết. Bên cạnh đó, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh tại một số nơi an toàn, đủ điều kiện, mục tiêu cuối cùng là đem lại sự ấm no cho nhân dân.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía nam và miền trung. Trong khi đó, dịch bệnh trên thế giới cũng diễn biến hết sức phức tạp, nhất là biến chủng Delta bùng phát mạnh, lây lan nhanh và gây tử vong tại nhiều nước, kể cả các quốc gia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao.

Do đó, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách thực chất, sát tình hình thực tế, trên tinh thần “bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo” để có nhận thức, cách tiếp cận, giải pháp, mục tiêu mới trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng khẳng định, dịch Covid-19 là dịch bệnh thế kỷ, chưa có thuốc chữa nên “cuộc chiến” phòng, chống dịch còn trường kỳ, ngay cả khi đã có vaccine ngừa Covid-19. Do đó, cần có cách tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Thời gian qua, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội đã vào cuộc mạnh mẽ, thiết thực đối với cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, ngay tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã có Nghị quyết chung, trong đó dành nhiều thời lượng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt cho phép áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn, kể cả những nội dung chưa được quy định trong luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các đại biểu dự Hội nghị tập trung thảo luận về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có Nghị quyết về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15.

* Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 19 giờ, ngày 29/7, đợt dịch thứ 4, cả nước đã ghi nhận 125.561 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 124.635 ca trong nước (99%), có 828 ca tử vong. Hiện, có 5/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng).

Bộ Y tế nhận định, tại TP Hồ Chí Minh, thời gian tới, số ca nhiễm sẽ có xu hướng “đi ngang”, sau đó giảm dần nhưng vẫn ở mức cao nếu tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và thực hiện cách ly, phong tỏa nghiêm ngặt, giảm giao lưu, tiếp xúc, do dịch bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, qua nhiều vòng lây nhiễm và lây lan đến nhiều địa điểm, khu vực trong thời gian dài.

Tại các tỉnh lân cận với TP Hồ Chí Minh, như Bình Dương, Long An có mô hình lây lan tương tự TP Hồ Chí Minh ở giai đoạn đầu, số ca mắc mới sẽ tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, do áp dụng các biện pháp giãn cách sớm, dân số và mật độ dân cư không cao như TP Hồ Chí Minh, do vậy diễn biến dịch bệnh sẽ giảm mức độ phức tạp.

Các tỉnh khác tại khu vực phía nam, dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng nhanh nếu không triển khai các biện pháp giãn cách, truy vết kịp thời, hiệu quả; cùng với đó là tình trạng quá tải của hệ thống y tế, nhân lực y tế phục vụ phòng, chống dịch, điều trị người bệnh.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận về tình hình dịch bệnh; những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học của thành công và chưa thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, biện pháp đã áp dụng trong thời gian qua; phân tích, dự báo tình hình dịch và nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện thời gian tới...

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, do đó thời gian qua, chúng ta đã thực hiện mục tiêu kép, tiếp tục có nguồn lực cho chống dịch.

Chúng ta cần quán triệt nhất quán mục tiêu phòng, chống dịch hiệu quả để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân trên hết, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội để người dân được ấm no, an toàn, hạnh phúc.

Chính phủ ghi nhận biểu dương các lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, quân đội, tổ Covid đồng hành cùng Chính phủ.

Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy, thời gian qua có hạn chế, bất cập, thực hiện các quy định, quy trình, đường lối cơ bản rõ ràng, nhưng khâu tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa hiệu quả, thậm chí trì trệ. Có nơi, có lúc còn biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi có dịch và khi dịch đi qua; đó còn là tâm lý mất bình tĩnh, lo sợ, hoảng hốt, thiếu tỉnh táo...

Việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ" bị mất kiểm soát, không có khả năng đáp ứng. Chúng ta cần phân tích điểm yếu này để khắc phục. Một bộ phận người dân nhận thức sự lây lan của dịch, ý thức chấp hành của người dân chưa nghiêm.

Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền chưa nghiêm dẫn đến lây lan nhanh, kiểm soát khó. Một số địa phương ở các cấp thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 chưa nghiêm, còn “chập chờn”, người dân đi lại bình thường, không đeo khẩu trang, vẫn tụ tập...

Thủ tướng lưu ý, dịch bệnh với biến chủng mới phức tạp, lây lan nhanh, không lường hết, không có tiền lệ, cho nên chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Bài học là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, các tổ chức đảng, chính quyền các cấp, huy động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thống nhất lãnh đạo, chủ động, lãnh đạo, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, không “chập chờn”, không nửa vời.

Phải giám sát, kiểm tra thực hiện các biện pháp đồng bộ từ trên xuống dưới, hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, cơ sở phải là pháo đài chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch.

Phải chấp hành nghiêm, đúng các quy định của Nhà nước, giãn cách phải thực sự là giãn cách; phải linh hoạt để bảo đảm các điều kiện thiết yếu. Ai vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật. Tình hình phức tạp phải phân tầng điều trị để tập trung lực lượng y tế cho điều trị, cấp cứu để giảm ca nhiễm nặng, giảm tối đa tử vong, không để thiếu nhân lực trang thiết bị y tế, nhất là oxy, máy thở.

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, triệt để, đồng bộ với mục tiêu không thay đổi, chống dịch hiệu quả với mục tiêu bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Phát triển kinh tế - xã hội để phát triển đất nước, có nguồn lực cho chống dịch để bảo đảm cho người dân ấm no, hạnh phúc, an toàn.

Trong giai đoạn này, trên cả nước cần ưu tiên cho chống dịch, kiểm soát dịch, phải bám sát thực tiễn, do đó các cấp ủy, chính quyền vận dụng tối đa khả năng để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Những nơi an toàn, có điều kiện phải mở rộng với tinh thần “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Sản xuất tốt cũng là biện pháp cách ly, bảo đảm không đứt gãy chuỗi cung ứng.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh dứt khoát không để xảy ra khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế - xã hội, khủng hoảng truyền thông.

Chúng ta nhận thức Covid-19 và những biến thể là căn bệnh thế kỷ tạm thời chưa có thuốc chữa, cho nên phải thích ứng trong điều kiện hiện nay. Kể cả người đã tiêm vaccine rồi cũng có thể mắc lại. Do đó, chúng ta xác định công tác phòng là cơ bản, chiến lược, cùng với vaccine, cộng ý thức của người dân và các biện pháp công nghệ thì mới thích ứng được.

Đây là cuộc chiến trường kỳ, để chúng ta chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, biện pháp, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác bất cứ thời điểm nào; bình tĩnh, đồng thời phải sáng suốt, kiên trì, kiên định, cương quyết, linh hoạt, mềm dẻo tùy thời điểm.

Về nhiệm vụ, giải pháp, chúng ta cần thể chế hóa, cụ thể hóa thêm một bước Nghị quyết 30 của Quốc hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm, hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc, hiệu quả. Các cấp, các ngành phải tổ chức thực hiện tốt, trong phạm vi được phân cấp phải chịu trách nhiệm, cấp trên tăng cường giám sát, kiểm tra.

Chúng ta vừa thực hiện, vừa phát hiện điểm mới, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dân, không cầu toàn, không nóng vội, từ đó đưa ra biện pháp hiệu quả.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho các cấp, ngành, địa phương, tăng cường khâu giám sát, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện để chống tiêu cực, tham ô, tham nhũng, quan liêu, lãng phí.

Tổ chức thực hiện phải đúng quy định, đúng thẩm quyền, nguyên tắc, đã làm phải cương quyết, quyết liệt, làm có trọng tâm, trọng điểm. Đây là bài học kinh nghiệm xương máu cần rút kinh nghiệm.

Khi giãn cách, cần lưu ý: hỗ trợ tối đa cho người dân khi cách ly, phong tỏa về lương thực, thực phẩm, các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống; phải đáp ứng các yêu cầu về y tế của mọi người dân mọi lúc, mọi nơi; bảo đảm các nhu cầu thiết yếu, chính đáng, hợp pháp. TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ đang có dịch bùng phát mạnh mẽ phải giảm tối đa các ca tử vong; phong tỏa, cách ly phải triệt để, kết hợp các biện pháp khác để kiềm chế đỉnh dịch.

Nhấn mạnh cần thay đổi chính sách ưu tiên về vaccine, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các cơ quan chuyên môn phải thay đổi. Theo đó, chú trọng các lực lượng tuyến đầu, tổ Covid cộng đồng, tình nguyện viên, người cao tuổi, những người bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng…

Thủ tướng kêu gọi sự chia sẻ các tỉnh, thành phố ưu tiên vaccine cho TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp... Mức độ ưu tiên phải tính toán phù hợp khả năng.

TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có diễn biến phức tạp cần tăng cường bệnh viện hồi sức cấp cứu ở mức độ cao hơn; sự chuẩn bị phải sớm hơn, cao hơn, không để muộn và thấp hơn. Đây vừa là tư tưởng chỉ đạo, vừa là phương châm tổ chức thực hiện.

Tăng cường hơn nữa nguồn lực tư nhân về y tế, các cơ sở vật chất như khách sạn, nhà hàng… Các cơ quan chức năng quyết liệt đẩy mạnh hơn chiến lược vaccine, thúc đẩy ngoại giao vaccine trên tinh thần mua được nhiều nhất, sớm nhất vaccine có thể.

Tổ chức tiêm vaccine kịp thời, hiệu quả và an toàn, rút kinh nghiệm thời gian qua, không để lãng phí vaccine, thời gian. Tập trung thực hiện nhanh chóng, rút gọn về mặt thủ tục hành chính, để nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao, công nhận vaccine sản xuất trong nước; kết hợp quan hệ quốc tế, nhất là với WHO thúc đẩy việc này. Đẩy nhanh kịp thời, quyết liệt việc này để làm chủ loại vaccine ngừa Covid-19. Nghiên cứu sản xuất thuốc, nhập khẩu thuốc chống Covid-19. Khuyến khích các cơ sở nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị Covid-19.

Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh việc hoàn thiện công nghệ góp phần phòng, chống dịch. Bộ Tài chính xem xét phân bổ tài chính cho các cơ quan, đơn vị, địa phương theo tinh thần cân đối, tiết kiệm, nhất là tiết kiệm 10% chi tiêu thường xuyên, tiết kiệm 50% các kinh phí hội họp, công tác...; tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất máy thở để giảm chi phí.

Tăng cường, tạo điều kiện, nâng cao tay nghề, đào tạo cán bộ y tế từ các khoa điều trị khác để bổ sung kiến thức, kinh nghiệm, năng lực bảo đảm hồi sức cấp cứu. Không để xảy ra thiếu nguồn nhân lực hồi sức cấp cứu.

Động viên, bảo đảm điều kiện làm việc đầy đủ cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên kỹ thuật; nghiên cứu hỗ trợ người lao động, người nhập cư tại TP Hồ Chí Minh...

Thủ tướng lưu ý chúng ta đang chống dịch trong điều kiện một nước đang phát triển; đây là đặc thù để cân đối nguồn lực, đưa ra giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp vào cuộc, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, “tương thân tương ái” của người dân, cộng đồng trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, hỗ trợ lẫn nhau trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tổng hòa các biện pháp cả kinh tế, an sinh xã hội, tinh thần và vật chất. TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận phải linh hoạt, chuyển hướng trạng thái nhanh đáp ứng tình hình. Các tỉnh được phân cấp phải khẩn trương, chủ động mua sắm các trang thiết bị y tế.

Nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cả hệ thống chính trị nói chung, đồng bào, doanh nghiệp cả nước thời gian qua đã đồng hành Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng thực hiện các nhiệm vụ được giao; tiếp tục kêu gọi tinh thần “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội.

Thủ tướng cũng lưu ý, công tác truyền thông phải công khai, minh bạch, nhân đạo, khoa học, kịp thời, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.

Nguồn: Tin: Thanh Giang; Ảnh: Trần Hải/nhandan.vn

( https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/can-co-cach-tiep-can-giai-phap-moi-de-tiep-tuc-thuc-hien-muc-tieu-kep-657506/ )


    Ý kiến bạn đọc