Cần đánh giá đúng thành tựu và chỉ ra hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 08
EmailPrintAa
08:30 15/08/2012

Ngày 14/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO và Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương.

Sau 5 năm gia nhập WTO và cũng là 5 năm thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO và Nghị quyết 16/2007/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW, nước ta đang chuẩn bị cho giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế ở mức độ cao và sâu sắc hơn. Trên phương diện đa phương, các cam kết trong WTO gần như đã được thực hiện đầy đủ. Trên bình diện khu vực, ta cũng hội nhập ngày càng sâu với ASEAN thông qua việc xác định lộ trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Ở cấp độ song phương, ta cũng đang tham gia đàm phán hoặc chuẩn bị việc đàm phán một số Hiệp định thương mại tự do FTA. Vì vậy, đây là thời điểm cần có đánh giá toàn diện việc thực hiện 2 Nghị quyết trên, nhằm kiểm điểm lại toàn diện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và đề ra phương hướng cho hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn tới.

Với mục tiêu trên, Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW của Trung ương và Nghị quyết số 16 của Chính phủ, từ đó thấy rõ các mặt được, hạn chế và nguyên nhân, phương hướng thực hiện cho các năm tiếp theo, khi chúng ta tiếp tục thực hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế nhằm khai thác tối đa các nguồn lực bên ngoài, phục vụ phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020.

Hội nghị sẽ nghe báo cáo của Bộ Công Thương về việc thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW và Nghị quyết số 16 của Chính phủ; báo cáo của Bộ Ngoại giao về việc triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra; nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo Báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập tổ chức thương mại thế giới; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; nghe các tham luận của một số đại diện cơ quan Trung ương, bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, hiệp hội ngành hàng, tập đoàn kinh tế, đại diện cộng đồng doanh nghiệp…

Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình đổi mới đất nước. Chủ trương này ngày càng được cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả. Ngay từ Đại hội lần thứ IX năm 2001, Đảng ta đã đề ra chủ trương “phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững”; cũng năm đó, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 07 về hội nhập kinh tế quốc tế. Đến Đại hội lần thứ X năm 2006 Đảng ta tiếp tục khẳng định chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác”. Thực hiện các chủ trương trên, chúng ta đã đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương, tích cực tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế để từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Đến tháng 01/2007 Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, mở ra một giai đoạn mới, nền kinh tế hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới.

Việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo ra những cơ hội lớn để đất nước phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển; đồng thời cũng đặt ra những thách thức rất gay gắt, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc để vượt qua của toàn Ðảng và toàn dân ta. Ngay sau khi nước ta trở thành thành viên của WTO, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa X, tháng 02/2007, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 08 về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững khi nước ta trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 08, Chính phủ đã có Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ban hành Chương trình hành động cụ thể hóa 10 nhóm nhiệm vụ lớn của Nghị quyết 08 thành 12 nhóm nhiệm vụ và 75 nhiệm vụ chủ yếu với 131 hành động cụ thể được giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 08 và cũng là 5 năm chúng ta gia nhập WTO, Nghị quyết 08 đã đạt được những kết quả to lớn và thiết thực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước trong 5 năm qua. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, bước vào thời kỳ mới, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, cả nước cần tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh toàn dân tộc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong tiến trình này, cần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời phải thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tạo môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước.

Mặt khác, thời gian qua, thực hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã chuyển trọng tâm từ phá bỏ thế cô lập về kinh tế để hội nhập vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu sang việc đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Trên phương diện đa phương, các cam kết trong WTO gần như đã được thực hiện đầy đủ và đã có thể có đánh giá tương đối toàn diện và chi tiết tác động của các cam kết gia nhập. Trên bình diện khu vực, ta cũng hội nhập ngày càng sâu với ASEAN, hướng tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015. Việt Nam cũng đang tích cực tham gia đàm phán hoặc chuẩn bị đàm phán một số hiệp định thương mại tự do quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do song phương với EU, triển khai khuôn khổ ASEAN về Đối tác kinh tế toàn diện khu vực... - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.

Trong bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta phải nhìn lại và có sự đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW và những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ, nhằm tìm ra các giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả của hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội nghị thảo luận một cách thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm; đánh giá đúng những thành tựu đã đạt được để phát huy, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân để khắc phục và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 08; đồng thời làm rõ bối cảnh và yêu cầu phát triển mới, từ đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ động đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới./.


    Ý kiến bạn đọc