Một số ý kiến cho rằng, Đề án chưa đề xuất được nhiều đổi mới; một số nội dung đã được pháp luật quy định hoặc đang thực hiện; chưa tập trung đổi mới hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội… Có ý kiến băn khoăn về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội; ý kiến khác đề nghị chưa ban hành Nghị quyết tại kỳ họp này cần chờ sau khi sửa đổi Hiến pháp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, xác định những mặt hạn chế và nguyên nhân…; đồng thời, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội qua các lần thảo luận trực tuyến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan xây dựng Đề án, dự thảo Nghị quyết tập trung đưa ra những cải tiến, đổi mới cụ thể về cách thức tổ chức công việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội so với cách làm hiện nay, ví dụ như quy định về trách nhiệm phục vụ đại biểu Quốc hội trình kiến nghị về luật, pháp lệnh; cách thức thẩm tra dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề nghị, kiến nghị về luật, pháp lệnh; thủ tục tham gia thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; việc tổ chức Hội nghị trực tuyến, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách … Những đổi mới đối với hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội không thiết kế thành nội dung riêng mà thể hiện trong từng quy trình cụ thể về đổi mới trong hoạt động lập pháp, hoạt động giám sát v.v…
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội thì còn phải đổi mới cả về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và nhiều vấn đề khác mà trong phạm vi Nghị quyết này của Quốc hội không thể điều chỉnh cụ thể hết được. Do đó, cùng với Nghị quyết này trong thời gian tới, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, thông qua một số văn bản khác liên quan đến hoạt động của Quốc hội, như sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn v.v… như đã thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.
Trong điều kiện hiện nay, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về vấn đề này là hết sức cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện ngay những đổi mới, cải tiến liên quan đến quy trình và cách thức làm việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, phúc đáp yêu cầu của thực tiễn; đồng thời, nâng tầm giá trị pháp lý của một số nội dung đã được đề cập đến trong Nghị quyết số 271/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có ý kiến đề nghị cần đưa ra lộ trình cụ thể triển khai thực hiện Đề án; xây dựng các đề án chi tiết kèm theo Đề án tổng thể này.
Các đại biểu thảo luận tại hội trường (Ảnh: Mạnh Hùng)
Về hoạt động lập pháp trong đề án nêu là không đưa vào những dự án không đủ điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đại biểu Nguyễn Văn Tuyết hoàn toàn nhất trí. Chúng ta cần có những biện pháp tích cực để làm sao chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh không phải điều chỉnh nhiều….
Về hoạt động giám sát, một số ý kiến cho rằng hoạt động này còn hình thức, chưa sâu; báo cáo giám sát chưa sát thực tế, chủ yếu tổng hợp báo cáo của bộ, ngành, địa phương. Trong khi đó, công tác hậu giám sát lại chưa được chú trọng; các đoàn giám sát còn trùng lặp về thời gian, đối tượng giám sát; kết luận của đoàn giám sát chưa có tính hiệu lực cao đối với đối tượng giám sát và không được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh, đoàn Lạng Sơn đề nghị: Quốc hội giám sát sau đó đưa ra 1 báo cáo giám sát và Quốc hội ban hành Nghị quyết thế nhưng Nghị quyết đó sau một thời gian thực hiện như thế nào thì Quốc hội chưa quan tâm lắm có nhiều kiến nghị chưa được giải quyết kịp thời. Cử tri có ý kiến là Quốc hội giám sát rồi, có kiến nghị rồi nhưng mà không được tổ chức triển khai kiến nghị đó. Chính vì vậy, cử tri cũng băn khoăn chỗ này.
Việc bỏ hiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, nhiều đại biểu cho rằng, hoạt động này là cần thiết (Ảnh: Mạnh Hùng)
Về việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, nhiều đại biểu cho rằng, hoạt động này là cần thiết. Bỏ phiếu tín nhiệm sẽ làm cho Quốc hội thực quyền hơn, Chính phủ cũng sẽ nâng cao trách nhiệm trước nhân dân hơn. Tuy nhiên việc lấy phiếu tín nhiệm cần lựa chọn các chức danh gắn với quản lý Nhà nước, nhất là các vị trí nhạy cảm. Đại biểu Danh Bút, đoàn Kiên Giang nêu ý kiến: Về bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tôi thấy bỏ phiếu tín nhiệm là chưa phù hợp, gắn tín nhiệm với vi phạm làm một. Tôi đề nghị một là lấy phiếu tín nhiệm hàng năm; hai là bỏ phiếu tín nhiệm đối với trường hợp có vấn đề, có vi phạm. Theo tôi, Quốc hội cần quan tâm vấn đề này vì thời gian vừa qua đại biểu và và nhân dân rất quan tâm đề cập vấn đề tinh thần trách nhiệm của những người mà Quốc hội bầu.
Liên quan đến đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, các đại biểu cho rằng, việc tổ chức nhiều hình thức tiếp xúc cử tri, bảo đảm để đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi cư trú, nơi công tác là cần thiết. Một số ý kiến đề nghị nên đẩy mạnh việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Chiều 4/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi)./.
Tin mới cập nhật
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu ( 16/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược ( 14/01)
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)